Công bố báo cáo kiểm tra việc hóa đơn tiền điện tăng vọt
Theo EVN, 7,63 triệu khách hàng có hóa đơn tiền điện tăng 30% trở lên, trong đó 675 khách hàng được giảm tiền do ghi sai chỉ số.
* Hóa đơn tiền điện 6 tháng liền giống hệt nhau: Điện lực giải thích gì?
* Thủ tướng chỉ đạo làm rõ việc hóa đơn tiền điện của người dân tăng vọt
Đoàn kiểm tra về hóa đơn tiền điện tăng vọt của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vừa công bố báo cáo kết luận. Đoàn được thành lập ngay sau chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu làm rõ việc hóa đơn tiền điện tăng vọt.
Đoàn kiểm tra của EVN gồm Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương), Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam, Tổng cục Tiêu chuẩn và Đo lường chất lượng (Bộ Khoa học và Công nghệ) đã đi kiểm tra 5 tổng công ty điện lực trên cả nước.
7,63 triệu khách hàng có hóa đơn tiền điện tăng 30% trở lên. Ảnh: EVN.
|
Theo báo cáo, điện năng tiêu thụ mùa hè cao hơn khoảng 20-50% so với các tháng khác. Các năm trước, mức đỉnh sử dụng điện thường rơi vào tháng 7 nhưng năm nay từ tháng 6 đã tăng lên rất cao, từ đó làm hóa đơn tiền điện tăng.
“Nguyên nhân làm chỉ số điện tăng là do ảnh hưởng của thời tiết, sử dụng các thiết bị điện nhiều hơn”, báo cáo nêu.
Đoàn kiểm tra cũng xác định sai sót do quá trình ghi chỉ số công tơ, tính hóa đơn tiền điện cũng làm số tiền tăng vọt. Trong tháng 6, số khách hàng được hiệu chỉnh hóa đơn là 6.271 khách hàng. Nguyên nhân gồm ghi sai chỉ số định kỳ, nhân viên nhập chỉ số sai, khách hàng báo số sai… Tỷ lệ này là 0,022% trên tổng số khách hàng của EVN.
Số khách hàng được giảm tiền là 675 do nguyên nhân ghi sai chỉ số tăng.
Đoàn kiểm tra cũng cho biết đã có khoảng 56.000 ý kiến khách hàng thắc mắc về chỉ số công tơ. Ông Võ Quang Lâm, Phó tổng giám đốc EVN, cho biết các thắc mắc về chỉ số hóa đơn đã được các đơn vị tiếp nhận, trả lời thỏa đáng trong 24 giờ.
“Về cơ bản, các khách hàng đều thỏa mãn với cách xử lý của nhân viên ngành điện”, ông này nói.
Phó tổng giám đốc EVN cũng nhấn mạnh ngành điện đã xử lý nghiêm các trường hợp gây sai sót, gây ảnh hưởng đến quyền lợi của khách hàng, tính chính xác của hệ thống. EVN cho biết đang tăng cường các thiết bị giám sát để đảm bảo tính minh bạch, tránh sai sót xảy ra.
Trước đó, trong buổi kiểm tra tại Tổng công ty điện lực Hà Nội, đại diện Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương) cho rằng giá điện tăng có thể là do việc nhảy bậc thang khi mức tiêu thụ tăng. Theo thống kê của EVN Hà Nội, cả thành phố có khoảng 2,3 triệu hộ dùng điện. Từ tháng 6 đến nay, phụ tải đã tăng 52% so với tháng 5, trung bình khoảng 76 triệu kWh/ngày. Mức bình quân của tháng 4 là 42 triệu kWh/ngày.
Do đó, đại diện Bộ Công Thương cho rằng khi khi đời sống người dân tăng cao, thu nhập tăng lên, cần cải tiến bậc thang tính giá điện. Tuy nhiên, độ rộng thậc thang là bao nhiêu, khoảng cách chênh lệch các bậc giá là bài toán mà Bộ Công Thương cần phải đề xuất thay đổi. Dự kiến bậc giá điện mới được trình Thủ tướng để sớm ban hành.
Hiếu Công
ZING
|