Thứ Bảy, 04/07/2020 08:23

Lãi vay tiêu dùng cao chót vót

Các công ty tài chính cho cá nhân vay tín chấp khá dễ mà không yêu cầu chứng minh tài chính dẫn đến khách hàng bỏ qua việc xem xét lãi suất vay cũng như khả năng trả nợ.

Khách hàng cần cân nhắc khả năng trả nợ khi vay tiêu dùng. ẢNH: ĐÀO NGỌC THẠCH

Lãi suất cho vay cao nhất lên gần 70%/năm

Theo hướng dẫn của Yến, nhân viên tư vấn Công ty tài chính (CTTC) Home Credit, điều kiện làm hồ sơ mua xe máy trả góp thuộc đối tượng từ 20 - 60 tuổi, khoản vay từ 5 - 50 triệu đồng (giá xe dựa trên giá gốc, chưa bao gồm thuế và lệ phí trước bạ), thời gian trả góp từ 6 - 36 tháng, trả trước từ 10 - 70% giá trị của xe; khách hàng phải có chứng minh nhân dân, hộ khẩu bản chính, hộ khẩu photo công chứng dưới 6 tháng, giấy phép lái xe... Khách hàng không phải chứng minh tài chính.

Với một số khoản vay ưu đãi lãi suất (LS), công ty yêu cầu thêm hợp đồng lao động, bảng lương, hóa đơn điện nước, điện thoại. Sau khi hoàn tất hồ sơ, công ty sẽ giải ngân trong vòng 5 - 15 phút. Đa số các CTTC hiện nay đều có điều kiện vay tương tự.

Chính vì vay khá dễ, nên rất nhiều người bỏ qua lãi vay, phí trong khi các khoản này là yếu tố quan trọng quyết định đến khả năng trả nợ của họ. Trên thực tế, dù có tăng - giảm tùy khoản vay, nhưng lãi suất ở các CTTC hiện vẫn rất cao. Đơn cử LS cho vay tiền mặt tại Home Credit cho khoản vay từ 5 - 200 triệu đồng, trong thời gian từ 3 - 48 tháng đang áp dụng từ 16,22 - 69,96%/năm. Ngoài ra, còn có phí chuyển tiền 11.000 đồng, phí trả nợ trước hạn theo quy định của hợp đồng tín dụng...

Tại CTTC TNHH HD Saison, LS cho vay tiêu dùng đối với khách hàng vay đồ dùng, trang thiết bị gia đình và một số sản phẩm hàng hóa, dịch vụ khác từ 41,37%/năm theo dư nợ ban đầu và 69,3%/năm theo dư nợ giảm dần; cho vay phương tiện đi lại từ 41,37 - 69,3%/năm; giải ngân trực tiếp cho khách hàng từ 17,88 - 65%/năm. Tại Fe Credit từ 29,99 - 64,99%/năm đối với sản phẩm cho vay tiêu dùng cá nhân; từ 28,9 - 68,94%/năm đối với mua xe hai bánh. Đối với thẻ tín dụng nội địa của Công ty VietCredit, lãi suất từ 36%/năm đối với sinh viên, 55%/năm đối với khách hàng có thu nhập từ hoạt động kinh doanh, tiểu thương; 49 - 55%/năm đối với khách hàng có thu nhập từ lương.

Trong trường hợp khách hàng trả nợ trước hạn, Công ty HD Saison áp dụng mức phí bằng 6% khoản còn lại chưa thanh toán, mức phí tối thiểu 240.000 đồng đối với cho vay mua đồ dùng, trang thiết bị gia đình và một số sản phẩm hàng hóa khác; 1,5 triệu đồng đối với cho vay mua phương tiện đi lại, cho vay giải ngân trực tiếp cho khách hàng, và cho vay mua dịch vụ khác. Tại Fe Credit, khách hàng thanh toán trước hạn tính phí 5% giá trị khoản vay còn lại.

Vòng luẩn quẩn lãi suất và rủi ro

Với mức LS cho vay từ 16 - 70%/năm, ông Nguyễn Trí Hiếu, Giám đốc Trung tâm vốn - Viện Khoa học quản trị doanh nghiệp nhỏ và vừa, nhận xét: Việc giãn biên độ lãi suất cho vay giữa tối thiểu và tối đa cao hơn chứng tỏ các CTTC lo ngại rủi ro do dịch Covid-19. Nhưng lãi vay tới 70% là quá cao.

“Không thể yêu cầu CTTC cho vay LS như ngân hàng bởi CTTC không được huy động vốn rẻ từ cá nhân mà họ phải huy động vốn từ các tổ chức qua hình thức phát hành giấy tờ có giá. Điều đó dẫn đến chênh lệch giữa chi phí vốn đầu vào và ra cao hơn ngân hàng. Chưa kể, CTTC cho vay hầu hết là tín chấp, mức độ rủi ro cao và cạnh tranh giải ngân nhanh nên thường bỏ qua khâu thẩm định năng lực tài chính trả nợ của khách hàng”, ông Hiếu phân tích.

Đồng quan điểm, ông Đinh Thế Hiển, Viện trưởng Viện Nghiên cứu tin học & kinh tế ứng dụng, nhận định kết cấu của sản phẩm cho vay tiêu dùng của các CTTC là khoản vay nhỏ, cho vay nhanh và lãi suất cao bù rủi ro. Mô hình này được áp dụng ở nước ngoài nhưng dữ liệu cá nhân của họ được quản lý tập trung nên có thể triển khai được. Còn ở VN, các công ty không thể kiểm tra nhanh khách hàng có thu nhập trả nợ không, có lịch sử tín nhiệm tốt không khi cho vay. Dữ liệu cá nhân không kết nối giữa các CTTC nên khi cho vay cùng thời điểm, công ty không biết khách hàng đã vay ở đâu, có đủ thu nhập để trả cho khoản vay hay không. Điều này làm tăng rủi ro, thiệt hại cuối cùng không những khách hàng mà cả CTTC phải đối mặt với nợ xấu, tai tiếng hình ảnh cho công ty, nhân viên của họ. Sắp tới, các sản phẩm cho vay fintech (công nghệ tài chính) còn có mức LS cao hơn cho vay tiêu dùng mà CTTC đang triển khai. Với môi trường vay không cần gặp mặt, không có dữ liệu về người vay, khách hàng vay vô tội vạ... chắc chắn sẽ khiến thị trường vay tiêu dùng trở nên “xấu xí”.

Để không xảy ra tình trạng CTTC bị nợ xấu, khách hàng mất khả năng trả nợ, theo ông Nguyễn Trí Hiếu, hệ thống chấm điểm tín nhiệm cá nhân cần được xây dựng trên toàn quốc. Ở Mỹ có 3 công ty thực hiện chấm điểm tín nhiệm cá nhân, khi các tổ chức tín dụng cho vay, chỉ cần tra cứu thông tin mã định danh ID của cá nhân sẽ ra tất cả thông tin, kể cả việc bị phạt giao thông, trả nợ không đúng hạn... Người nào có điểm tín nhiệm cao thì lãi suất vay sẽ thấp, và ngược lại điểm tín nhiệm thấp sẽ bị áp dụng lãi cao. Nếu phát triển hệ thống đánh giá tín nhiệm thì sẽ hạn chế được tình trạng khủng bố đòi nợ hiện nay.

Theo đánh giá của Viện Chiến lược ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước, ước tính cho vay tiêu dùng không chính thức chiếm khoảng 15 - 20% tổng dư nợ nền kinh tế, vào khoảng 1,16 - 1,55 triệu tỉ đồng. Cho vay tiêu dùng qua ngân hàng và CTTC bằng 11,4% tổng dư nợ, vào khoảng 1 triệu tỉ đồng cuối năm 2019. Dư nợ cho vay tiêu dùng hiện còn dư địa cao, khoảng 1,5 - 2 triệu tỉ đồng.

Thanh Xuân

Thanh niên

Các tin tức khác

>   Triệt xóa đường dây cho vay nặng lãi núp bóng công ty bất động sản (03/07/2020)

>   TPBank chuẩn bị rao bán nhiều xe ô tô để thu hồi nợ (03/07/2020)

>   BIDV phát hành riêng lẻ hơn 6,000 tỷ đồng trái phiếu trong tháng 6 (03/07/2020)

>   Tiền gửi của tổ chức kinh tế giảm 3.94% so với đầu năm (03/07/2020)

>   Sacombank hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển kinh doanh sau dịch Covid-19  (03/07/2020)

>   Lãi suất liên ngân hàng tuần qua bắt đầu bật tăng nhẹ (03/07/2020)

>   NHNN đã nới room tín dụng cho một loạt ngân hàng (03/07/2020)

>   Giảm giá 2.000 tỷ, ngân hàng bán rẻ tài sản để siết nợ đại gia (03/07/2020)

>   Đồng USD vẫn kém sắc (03/07/2020)

>   Thống đốc NHNN: Tín dụng tăng trở lại, ngoại hối cao nhất từ trước tới nay (03/07/2020)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật