Phí thu gom, xử lý rác được tính thông qua giá bao bì đựng rác
Bộ trưởng Bộ TN-MT Trần Hồng Hà cho biết dự thảo luật Bảo vệ môi trường quy định nguyên tắc thu phí thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt theo khối lượng, thể tích rác thải.
* Bộ trưởng Trần Hồng Hà nói rõ về việc thu phí rác sinh hoạt theo kilogam
* Bộ trưởng Trần Hồng Hà: Sẽ thu phí rác sinh hoạt theo ki lô gam
Người dân sẽ phân loại rác theo các loại bao bì đựng rác với màu sắc và thể tích khác nhau. Phí thu gom, xử lý rác sẽ được tính toán thông qua giá bán các bao bì này. Ảnh: Nguyễn Tú
|
Trả lời báo chí bên hành lang Quốc hội (QH) ngày 12.6, Bộ trưởng Bộ TN-MT Trần Hồng Hà cho biết dự thảo luật Bảo vệ môi trường quy định nguyên tắc thu phí thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt theo khối lượng, thể tích rác thải ra chứ không thu theo bình quân đầu người hay hộ gia đình như trước.
“Người dân sẽ thực hiện phân loại rác theo các loại bao bì đựng rác với màu sắc khác nhau. Mỗi bao bì sẽ có các thể tích khác nhau. Phí thu gom, xử lý rác sẽ được tính toán thông qua giá bán các bao bì này”, Bộ trưởng Hà giải thích.
Tuy nhiên, người đứng đầu ngành TN-MT cho hay phương án cụ thể sẽ không được quy định trong luật trình QH lần này mà Chính phủ sẽ có nghị định, thông tư hướng dẫn cụ thể cho các địa phương sau khi luật Bảo vệ môi trường được QH thông qua. “Việc tính toán lượng rác thì thông thường các nước dựa vào thể tích túi bao bì. Còn việc quy định màu sắc, chia bao nhiêu loại túi, cách tính toán giá như thế nào thì sẽ do văn bản dưới luật hướng dẫn”, Bộ trưởng Hà giải thích.
Người đứng đầu ngành TN-MT cho biết với thói quen và ý thức của người dân trong việc phân loại, xử lý rác thải sinh hoạt như lâu nay thì việc thực hiện chính sách này sẽ mất nhiều thời gian. “Như Hàn Quốc phải mất 10 năm để thực hiện được vấn đề này. Chính sách có thực thi được hay không thì quan điểm, chủ trương của luật pháp phải phù hợp thực tế. Khi đưa ra chính sách như vậy phải xác định trách nhiệm từ người dân ở khâu phân loại, cho đến trách nhiệm của khâu thu gom, xử lý thế nào, tức là phải có sự đồng bộ giải pháp từ người dân, cho đến khâu cuối cùng là xử lý”, ông Hà nói và cho biết dự thảo luật lần này quy định nếu người dân phân loại rác thì với loại rác tái chế được, người dân sẽ không phải trả tiền thu gom, xử lý mà chỉ trả tiền phần doanh nghiệp phải đầu tư để xử lý.
Lê Hiệp
Thanh niên
|