OPEC+ cân nhắc gia hạn thỏa thuận cắt giảm sản lượng thêm 1 đến 3 tháng
Liên minh OPEC+ sắp bàn luận về phương án gia hạn thỏa thuận cắt giảm sản lượng thêm một khoảng thời gian ngắn khi liên minh này muốn đẩy cuộc họp kế tiếp lên ngày 04/06 từ ngày 9-10/06 ấn định trước đó, theo lời của một đại diện từ OPEC.
Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và đồng minh đang cân nhắc gia hạn thỏa thuận cắt giảm sản lượng hiện tại thêm từ 1 đến 3 tháng. Khi thị trường dầu chuyển biến nhanh chóng, OPEC đang cân nhắc thực hiện các biện pháp ngắn hạn và không gây gián đoạn đến quá trình tái cân bằng thị trường, vị đại diện này cho biết.
Thỏa thuận cắt giảm sản lượng hiện tại – đã ký kết trong tháng 4/2020 khi nhu cầu và giá dầu giảm mạnh vì Covid-19 – kéo dài cho đến tháng 7/2020. Thế nhưng, việc có cắt giảm tiếp hay không còn tùy thuộc vào kết quả cuộc họp kế tiếp. Tuần trước, nguồn tin thân cận cho biết Nga ủng hộ đề xuất tăng sản lượng dầu từ tháng 7/2020.
Giá dầu leo dốc mạnh trong thời gian gần đây nhờ liên minh OPEC+ thực hiện các đợt cắt giảm sản lượng, cùng với việc nhu cầu phục hồi mạnh hơn dự báo. Thế nhưng, trong bối cảnh các quốc gia nới lỏng lệnh phong tỏa, nỗi ám ảnh xuất hiện đợt bùng phát thứ hai khiến khiến nhiều chuyên gia lo sợ. Ở mức 35 USD/thùng, giá dầu đang thấp hơn mức mà hầu hết các quốc gia cần để tài trợ cho chi tiêu Chính phủ.
OPEC công bố vào Chủ nhật (31/05) rằng họ đang xem xét gia hạn cắt giảm sản lượng hiện tại thêm từ 1 đến 3 tháng nữa. Tổ chức này cũng nói rằng họ đang ở rất gần với một thỏa thuận để đẩy ngày họp tiếp theo lên ngày 04/06, từ ngày 9-10/06 ấn định trước đó.
Việc họp sớm hơn có thể giúp OPEC linh hoạt hơn trong việc thay đổi giới hạn sản lượng hiện tại. Các thành viên OPEC thường quyết định kế hoạch vận chuyển dầu cho khách hàng trong tháng 7/2020 vào tuần đầu tháng 6/2020, vì vậy việc họp sớm hớn sẽ cho họ thêm thời gian để phản ứng.
Vào ngày 12/04, các thành viên OPEC+ đã đồng ý cắt giảm 9.7 triệu thùng/ngày trong tháng 5 và tháng 6. Kể từ đó, sản lượng dầu từ hầu hết các nhà sản xuất lớn nhất như Ả Rập Xê Út, Kuwait, UAE, Nigeria, Kazakhstan và Nga đã giảm. (Iraq, cam kết cắt giảm 1 triệu sản lượng, nhưng chỉ thực hiện một phần nhỏ so với thỏa thuận).
Sản lượng dầu từ các nhà sản xuất không thuộc OPEC + cũng giảm, đáng chú ý nhất là từ Mỹ, với ước tính rằng 2,3 triệu thùng/ngày đã được cắt giảm kể mức đỉnh 13,2 triệu thùng/ngày vào tháng 3.
Vũ Hạo (Theo Bloomberg)
FILI
|