Indonesia cân nhắc hạn chế nhập khẩu hàng may mặc
Bộ Công nghiệp Indonesia có kế hoạch áp dụng các biện pháp tự vệ thương mại nhằm bảo vệ ngành công nghiệp dệt may trong nước.
Một phân xưởng sản xuất hàng dệt may. Ảnh: TTXVN
|
Theo phóng viên TTXVN tại Jakarta, Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) dự báo rằng trưởng kinh tế của Indonesia có thể suy giảm 3,9% trong năm nay, nếu nước này chứng kiến làn sóng lây nhiễm dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 thứ hai.
Đây sẽ là lần đầu tiên kinh tế Indonesia bị suy giảm kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 1997.
Báo cáo của OECD nhấn mạnh con đường đầy chông gai phía trước của nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á trong bối cảnh chính phủ nước này đang tìm cách phục hồi kinh tế bằng cách mở lại một số lĩnh vực sau hơn hai tháng phong tỏa một phần.
Theo báo cáo, tăng trưởng kinh tế của Indonesia sẽ đạt 2,8% trong năm nay nếu tránh được làn sóng lây nhiễm thứ hai.
OECD cho rằng nguy cơ lớn đối với Indonesia là sự tái bùng phát dịch trong nửa cuối năm nay, dẫn đến việc tái áp đặt các biện pháp ngăn chặn tương ứng.
Tổng thống Joko Widodo gần đây cũng lên tiếng cảnh báo nguy cơ xảy ra làn sóng lây nhiễm COVID-19 thứ hai trong bối cảnh số ca nhiễm mới tăng vọt sau khi nới lỏng các hạn chế xã hội quy mô lớn tại một số khu vực.
Trong một diễn biến liên quan, Bộ Công nghiệp nước này có kế hoạch áp dụng các biện pháp nhằm bảo vệ ngành công nghiệp dệt may trong nước.
Tổng cục trưởng Cục Doanh nghiệp nhỏ và vừa, bà Gati Wibawaningsih cho biết bộ trên sẽ bảo hộ ngành may mặc trong nước thông qua việc áp đặt các biện pháp tự vệ.
Theo Bộ trưởng Gati, hành động tự vệ này xuất phát từ việc nhập khẩu hàng dệt may đã tăng mạnh trong 3 năm qua, đạt 2,38 tỷ USD trong giai đoạn 2017-2019. Bà lưu ý rằng với giá tương đối rẻ, các sản phẩm dệt may nhập khẩu có thể “ngăn chặn tiềm năng thị trường trong nước”.
Bà nhấn mạnh bảo vệ ngành may mặc là “bắt buộc”, do lĩnh vực này đóng góp đáng kể vào Tổng Sản phẩm quốc nội (GDP), với 5,4% trong năm 2019.
Dự kiến, chính sách tự vệ trên sẽ được đệ trình lên Ủy ban Bảo hộ thương mại Indonesia (KPPI) thuộc Bộ Thương mại, trên cơ sở Nghị định số 34/2011 của chính phủ về chống bán phá giá, chống trợ cấp và phòng vệ thương mại.
Bộ trưởng Gati nhấn mạnh rằng đây là thời điểm thích hợp để đệ trình chính sách tự vệ, theo đó, sau khi đại dịch COVID-19 qua đi và Indonesia trở lại điều kiện bình thường, chính sách tự vệ sẽ sẵn sàng để thực thi.
Theo các số liệu mới nhất, Indonesia hiện ghi nhận 37.420 ca nhiễm sau khi có 1.014 ca nhiễm mới trong 24 giờ qua. Số ca tử vong hiện là 2.091.
Chính quyền tỉnh Tây Java đã quyết định kéo dài các hạn chế xã hội quy mô lớn đến ngày 26/6 sau khi các ca nhiễm mới gia tăng đột biến trong tuần qua.
Quyết định trên sẽ có hiệu lực trên toàn tỉnh, ngoại trừ 3 thành phố vệ tinh thuộc khu vực Đại Jakarta là Bogor, Depok và Bekasi, nơi các biện pháp này sẽ được duy trì tới ngày 2/7.
Thống đốc Ridwan Kamil cho biết chính quyền đã quyết định không nới lỏng các biện pháp giám sát COVID-19, bất chấp việc tỉnh này trước đó công bố 10 khu vực màu vàng và 17 khu vực màu xanh.
Các khu vực vàng được phép gia tăng các hoạt động kinh tế lên khoảng 60% mức bình thường, song phải duy trì các giao thức y tế nghiêm ngặt.
Trong khi đó, các khu vực xanh được phép mở lại tất cả các cơ sở công cộng và thương mại nhưng không được tập trung đông người.
Thống đốc Ridwan cho biết các chợ truyền thống là địa điểm có nguy cơ lây lan virus cao. Dự kiến, Tây Java sẽ tiến hành các đợt xét nghiệm nhanh tại 700 chợ trên toàn tỉnh, với sự tham gia hỗ trợ của lực lượng cảnh sát và quân đội.
Cũng theo Thống đốc Ridwan, chính quyền địa phương vẫn chưa quyết định mở lại các trường học và nơi vui chơi giải trí do lo ngại rằng các địa điểm này sẽ trở thành các ổ dịch mới trong làn sóng lây nhiễm thứ hai như tại Hàn Quốc.
Hữu Chiến
BNEWS
|