Thứ Sáu, 26/06/2020 08:48

Đỉnh điểm khủng hoảng du lịch sắp đến, công ty lớn cũng khó trụ

Dù đã làm lượng khách du lịch giảm hơn 50% trong 5 tháng qua nhưng "bóng ma" Covid-19 vẫn chưa dừng lại. Theo nhiều doanh nghiệp, đỉnh điểm khủng hoảng của ngành du lịch sẽ đến trong vài tháng tới và có thể, ngay cả những công ty lớn cũng khó trụ lại.

Tàu du lịch neo đậu tại cảng Sài Gòn. Tình hình dịch bệnh đã yên ổn hơn nhưng hoạt động du lịch vẫn chưa thể trở lại bình thường.  Ảnh: Đào Loan

Tương lai mờ mịt

Sau nhiều tháng tìm cách giữ nhân viên để chuẩn bị cho kế hoạch hồi phục, CEO của một tập đoàn du lịch lớn đã phải thay đổi kế hoạch vì thị trường ngày càng xấu hơn. Vào tuần trước, ông quyết định cho 200 nhân viên của một khách sạn ở miền Tây nghỉ việc từ ngày 1-7 tới.

"Tôi biết sẽ rất khó để nhân viên tìm việc mới nhưng không thể quyết định khác vì thấy rõ trong vòng 6 tháng tới sẽ không có việc gì cho họ làm", ông nói và cho biết phải họp bàn liên tục trong những ngày qua, trong đó có rất nhiều cuộc kéo dài đến 11, 12 giờ đêm nhưng vẫn chưa tìm được lối ra thật sự.

Hàng loạt doanh nghiệp lữ hành, khách sạn, nhà hàng đã đóng cửa kể từ khi Covid-19 bắt đầu làm khách du lịch suy giảm hồi cuối tháng 1-2020. Với những công ty còn trụ lại, hy vọng có thể dần phục hồi một phần hoạt động kinh doanh trong năm nay đã trở nên rất mong manh vì thị trường nội địa tăng trưởng chậm, mùa du lịch hè ngắn hơn còn thị trường quốc tế chưa biết đến bao giờ mới có thể kết nối lại.

"Tôi đã tính là sẽ dùng quỹ dự phòng để bảo toàn lực lượng nhưng nay thì không thể kham nổi và đang tính cắt hợp đồng để nhân viên có thể hưởng bảo hiểm thất nghiệp", ông Nguyễn Sơn Thủy, Giám đốc Công ty Indochina Unique Tourist cho biết.

Tháng Ba rồi, khi các đường bay quốc tế phải tạm dừng vì dịch bệnh, doanh nhân này định sẽ tạm "đóng băng" hoạt động kinh doanh trong vòng vài tháng chờ nối lại thị trường nhưng hiện tại thời hạn này ngày càng xa.

"Tôi đã kỳ vọng có thể bắt đầu lại từ tháng 7, tháng 8 tới nhưng nay thì không biết đến bao giờ", ông nói.

Nhiều doanh nghiệp cũng có nhận định tương tự, cho rằng hiện quỹ dự phòng của những công ty còn có thể hoạt động đang cạn kệt và đỉnh điểm của khủng hoảng đến cuối quí 2 và đầu quí 3 tới. Thị trường sẽ tiếp tục chứng kiến một đợt đóng cửa, sa thải nhân viên hàng loạt trong thời gian tới, sau đợt tương tự vào tháng Ba và tháng Tư. Lúc đó, cả những doanh nghiệp có quy mô lớn cũng không thể cầm cự nổi.

"Khó khăn thực sự bắt đầu từ tháng Tư và ngấm dần. Từ khoảng tháng Bảy đến cuối tháng 10 sẽ có hàng loạt  doanh nghiệp, kể cả doanh nghiệp lớn phải phá sản. Đó là gánh nặng của nền kinh tế", ông Trần Trọng Kiên, Chủ tịch Hội đồng Tư vấn Du lịch nói.

Theo đó, doanh nghiệp du lịch không chỉ phải đối mặt với năm 2020 đầy khó khăn mà còn cả tương lai bất định trong những năm tới. Hiện nay, hầu hết các công ty đang hoạt động đều phải chịu lỗ. Thời gian từ 6-12 tháng tới sẽ còn khó khăn hơn.

Sẽ "đóng băng" lần nữa?

Trao đổi với chúng tôi, nhiều doanh nghiệp cho rằng khả năng "đóng băng" lần nữa là hoàn toàn có thể xảy ra với ngành du lịch. Hiện tại, du lịch đang dồn hết hy vọng vào bốn tuần hè ngắn ngủi sắp tới, mong có thể kiếm nguồn thu đủ để trang trải chi phí cố định như chi phí thuê văn phòng, điện nước, tiền lương cho một số nhân viên còn đi làm... nhưng chưa chắc điều này có thể thực hiện được.

"Không có nhiều công ty dám lấy vé máy bay cho hè kỳ nghỉ đang đến rất gần", ông Nguyễn Ngọc An, Phó tổng giám đốc Công ty Lữ hành Fiditour nói.

Cũng như nhiều nơi khác, để có thể tồn tại, công ty này đã phải đi từng bước, bắt đầu là giảm lương, trả lương theo mức tối thiểu và thậm chí không trả lương trong thời gian gần đây nhưng khó khăn về nguồn tiền vẫn đè nặng.

"Đỉnh đểm của khó khăn sẽ rơi vào quí 3. Hết hè mà thị trường quốc tế vẫn chưa mở thì du lịch sẽ cạn khách. Thực sự chúng tôi sẽ không biết sẽ phải xoay sở như thế nào trong thời gian tới nếu 4 tuần hè không mang lại nguồn thu đủ để duy trì các chi phí tối thiểu", ông nói.

Theo đó, hiện công ty đã nhận được lượng đặt chỗ kha khá cho các tuyến du lịch đến Đà Nẵng, Hội An, Quy Nhơn và Phú Quốc nhưng các tuyến khác vẫn chưa sôi động. Năm nay, phân khúc khách hàng lớn nhất cho mùa hè không phải là khách gia đình mà lại là khách từ doanh nghiệp.

"Đáng lẽ vào thời điểm này chúng tôi đã có thể ước tính doanh thu của mùa du lịch hè nhưng nay, mọi thứ vẫn còn ở phía trước", ông An nói.

Theo ông Thủy của Indochina Unique Tourist, nhiều doanh nghiệp lữ hành quốc tế cũng đang tính đến kế hoạch cho nhân viên nghỉ việc như công ty ông và chuyện "đóng băng" lần nữa sau chỉ một thời gian ngắn hoạt động trở lại là hoàn toàn có thể xảy ra. "Chúng tôi cũng đã tính đến biện pháp đó", ông nói.

Theo số liệu từ Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, trong quí 1 và quí 2, ước tính có khoảng 95% doanh nghiệp lữ hành quốc tế đã dừng hoạt động; 137 doanh nghiệp xin thu hồi giấy phép, tăng gấp ba lần so với cùng kỳ. Covid-19 đã làm lượng khách quốc tế đến Việt Nam trong 5 tháng qua giảm hơn 50%, khách nội địa giảm 58%.

Đào Loan

TBKTSG

Các tin tức khác

>   Ngành bán lẻ phất lên giữa mùa dịch (26/06/2020)

>   3 bộ phối hợp, giải ngân của TP.HCM sẽ tăng lên 40% (26/06/2020)

>   Bộ Công an chỉ đạo truy bắt bằng được ông chủ Nhật Cường (25/06/2020)

>   Doanh số bán hàng qua mạng năm 2020 sẽ vượt mức 15 tỉ USD (25/06/2020)

>   HSBC: Vị thế riêng của Việt Nam sau đại dịch Covid-19 (25/06/2020)

>   Hàng hóa được giảm tới 100% trong tháng khuyến mại tập trung quốc gia (25/06/2020)

>   Hỗ trợ dệt may thời Covid-19: Đừng như sấm chớp kêu to, mưa thì nhỏ giọt (25/06/2020)

>   Ai sẽ giúp doanh nghiệp nhỏ và vừa: Câu hỏi khó dành cho Chính phủ (25/06/2020)

>   VCCI: 'Giảm 60% điều kiện kinh doanh chỉ là báo cáo trên giấy' (25/06/2020)

>   Việt Nam chưa đón du khách quốc tế (24/06/2020)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật