Một chị biên tập của tờ báo thân quen gửi tôi thông tin họp đại hội đồng cổ đông của một ngân hàng tư nhân lớn. Chị chỉ ra là ngân hàng thẳng thắn xác định chiến lược kinh doanh của mình là nhắm tới phục vụ doanh nghiệp lớn. Tuy cũng đồng cảm với ngân hàng là họ phải tính toán vì lợi nhuận của chính mình, chị băn khoăn “ai sẽ giúp doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa?”
Cách đây mấy ngày, tôi cũng đọc thấy phát biểu “đang dọn tổ đón đại bàng thì cũng nên rắc thóc cho chào mào” của đại biểu Quốc hội Bùi Thanh Tùng khi ông nói về chuyện bất cân xứng trong ưu đãi đầu tư giữa tập đoàn, doanh nghiệp lớn đa quốc gia so với công ty nhỏ và vừa ở Việt Nam.
Trong khi các nhà đầu tư nước ngoài đã mạnh về vốn và kinh nghiệm, lại được ưu đãi về nhiều mặt, thì các doanh nghiệp nhỏ Việt Nam vẫn đối mặt với nhiều thủ tục đầu tư đầy phức tạp. Khi đọc thấy đại biểu Tùng gọi công ty nước ngoài là “đại bàng” mà chỉ dám gọi doanh nghiệp vừa và nhỏ trong nước là “chào mào” thì tôi cảm thấy sao mà chua chát như vậy.
Không chỉ bất lợi so với tập đoàn lớn nước ngoài về ưu đãi vốn và đất đai, doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa còn là đối tượng dễ bị nhũng nhiễu bởi tham nhũng vặt, dễ bị các đoàn thanh tra đến “thăm hỏi” làm khó. Bởi vì họ nhỏ, họ không có tiếng nói, không có được sự bảo vệ của những ban bệ kế toán, luật sư đắt tiền và không có những quan hệ sâu rộng.
Cán bộ “ăn vặt” thì doanh nghiệp lớn còn chịu được, và cũng có thể phản pháo qua mạng lưới pháp chế và quan hệ của mình. Chứ còn doanh nghiệp nhỏ thì biết làm sao? Tiếng nói của họ ai sẽ quan tâm?
Không phải chỉ ở Việt Nam, mà ở nước ngoài, doanh nghiệp nhỏ cũng gặp tình trạng đối xử bất bình đẳng như vậy.
Lấy ví dụ trường hợp của Mỹ. Ở Mỹ có một chương trình hỗ trợ doanh nghiệp trả lương cho nhân viên, tiền thuê mặt bằng và điện, nước qua các khoản vay không cần phải trả lại (gọi là Paycheck Protection Program hay PPP). Chương trình này ban đầu nhắm vào hỗ trợ công ty nhỏ và vừa. Tuy nhiên, sau đó truyền thông Mỹ phát hiện khoảng 300 công ty lớn niêm yết đã được hỗ trợ tiền từ chương trình này trong khi họ không thật sự cần chúng. Ngược lại, nhiều công ty nhỏ cho biết họ gặp rất nhiều khó khăn để tiếp cận vốn từ chương trình này.
Một trường hợp tai tiếng là một công ty quản lý máy bay tư nhân đã được nhận vốn hỗ trợ, và đã chia một phần tiền hỗ trợ này cho những chủ sở hữu máy bay tư nhân giàu có, thông qua một chương trình chia sẻ lợi ích của công ty với chủ sở hữu máy bay. Nói cách khác, tiền thuế của dân Mỹ đúng ra để hỗ trợ trả lương nhân viên và giúp các công ty nhỏ và vừa đang lâm vào túng quẫn, đã được sử dụng để trả chi phí cho những người giàu sở hữu máy bay tư nhân. Công ty quản lý máy bay đó được xem chỉ là một bình phong để những người giàu này lấy tiền của Chính phủ Mỹ về và chia nhau.
Có người nói thiếu vốn và khó tiếp cận đất đai là nguyên nhân chính khiến doanh nghiệp tư nhân hoặc rơi vào cảnh không lớn được hoặc không muốn lớn. Nhưng phải chăng họ đã nói tránh đi những lý do khác, như việc doanh nghiệp sợ có quy mô một chút thì đã thu hút nhiều đoàn thanh tra và cán bộ địa phương đến “hỏi thăm”? Hoặc quy mô lớn một chút sẽ trở thành “tầm ngắm” vì cạnh tranh với những doanh nghiệp thân hữu.
|
Chương trình PPP này hết sạch tiền chỉ sau hai tuần và rất nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa không nhận được gì cả. Sau nhiều chỉ trích dữ dội của giới chính trị gia và truyền thông, khoảng 14 công ty lớn đã trả lại tiền hỗ trợ nhận được cho chính phủ. Ngày 23-4, Bộ Tài chính Mỹ đã ra thông báo kiên quyết là các công ty niêm yết nhận được tiền từ chương trình này có hai tuần để trả lại tiền cho chính phủ hoặc sẽ đối mặt với “hậu quả xấu”. Cho đến nay vẫn còn công ty lớn chây ì chưa trả lại tiền cho Chính phủ Mỹ, mặc dù hứa là họ sẽ trả lại tiền khi được CNBC phỏng vấn.
Một trường hợp khác là chương trình hỗ trợ cho vay doanh nghiệp nhỏ và vừa của Anh. Theo chương trình này thì một doanh nghiệp nhỏ và vừa có thể vay được đến tối đa 5 triệu bảng Anh với lãi vay 0% từ các tổ chức tài chính tham gia chương trình. Tuy nhiên, thủ tục liên quan chương trình này khá rắc rối với cả ngân hàng tham gia cho vay lẫn doanh nghiệp xin vay. Kết quả là tờ Financial Times cho biết trong số 130.000 đơn xin vay thì chỉ có... 1.000 đơn được chấp thuận. Cả ngân hàng và các doanh nghiệp đều cho rằng thủ tục và điều kiện ngặt nghèo, thiếu rõ ràng là điều ngăn cản các doanh nghiệp nhỏ và vừa có thể tiếp cận vốn vay và ngân hàng gặp khó trong việc đưa ra quyết định cho vay.
Những câu chuyện này ở nước ngoài lẫn trong nước khiến tôi ngẫm nghĩ nhiều về câu hỏi “ai sẽ giúp doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa?”.
Trong trường hợp của Anh, không phải ngân hàng tham gia chương trình hỗ trợ vốn của Anh không muốn giúp doanh nghiệp, nhưng bản thân họ bị trói tay bởi các quy định khắt khe và thiếu rõ ràng của chính phủ về việc làm sao giải ngân số tiền cho vay theo chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Trong trường hợp của Mỹ thì tệ hơn, doanh nghiệp lớn “ăn chặn” phần tiền đúng ra dành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa. Làm thế nào mà điều đó có thể diễn ra thì Bộ Tài chính Mỹ vẫn chưa trả lời được xác đáng, nhưng đã có những nghi ngờ là doanh nghiệp thân hữu của các quan chức cao cấp trong Chính phủ Mỹ đã nhận được tiền hỗ trợ.
Doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Việt Nam thì không chỉ bị “chèn lấn” bởi doanh nghiệp lớn trong nước mà còn bởi cả các tập đoàn nước ngoài. Đã thế, họ còn bị nhũng nhiễu vì thói quen “ăn vặt” của một số cán bộ biến chất. Doanh nghiệp tư nhân ở Việt Nam không thể lớn hoặc “không chịu lớn” đã không còn là chuyện lạ.
Có người nói thiếu vốn và khó tiếp cận đất đai là nguyên nhân chính khiến doanh nghiệp tư nhân hoặc rơi vào cảnh không lớn được hoặc không muốn lớn. Nhưng phải chăng họ đã nói tránh đi những lý do khác, như việc doanh nghiệp sợ có quy mô một chút thì đã thu hút nhiều đoàn thanh tra và cán bộ địa phương đến “hỏi thăm”? Hoặc quy mô lớn một chút sẽ trở thành “tầm ngắm” vì cạnh tranh với những doanh nghiệp thân hữu. Bà Phạm Chi Lan từng phát biểu: “Không ít doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) trở thành thân hữu với Nhà nước”. Doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Việt Nam sẽ cạnh tranh ra sao trong cái môi trường như vậy?
Một bạn tôi nhiều năm làm tín dụng từ ngân hàng nước ngoài tới ngân hàng trong nước cho biết, cho vay doanh nghiệp nhỏ và vừa vừa “chua”, vừa rủi ro, mà con đường thăng tiến trong nội bộ ngân hàng đâu có bằng làm bộ phận tín dụng chăm sóc khách hàng lớn. Ngay cả bản thân người làm tín dụng, trực tiếp đi cho vay doanh nghiệp mà còn có động cơ tránh nhỏ tìm lớn như vậy thì doanh nghiệp nhỏ và vừa bị đối xử bất bình đẳng cũng là thường. Mà phải chăng chính cái môi trường kinh doanh bất bình đẳng với doanh nghiệp nhỏ và vừa mới là lý do khiến người làm ngân hàng cũng đối xử bất bình đẳng theo?
Sách trắng “Doanh nghiệp Việt Nam và Hợp tác xã Việt Nam 2020” của Tổng cục Thống kê cho biết, khu vực doanh nghiệp siêu nhỏ và nhỏ chiếm tỷ lệ cao nhất trong số doanh nghiệp Việt Nam, chiếm 62,6% số doanh nghiệp vào cuối năm 2018. Và trong tổng số hơn 600.000 doanh nghiệp tính đến cuối năm 2018, có đến hơn 295.000 doanh nghiệp đang kinh doanh lỗ (gần 50%). Con số này chắc hẳn đang tăng lên mạnh trong dịch Covid-19, và nhiều khả năng đa số là các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ. Cũng không khó ước tính vì doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ chiếm hơn 60% số doanh nghiệp mà hơn 50% số doanh nghiệp đã lỗ rồi, ngay trong thời điểm kinh tế chưa gặp dịch Covid-19.
Ai sẽ giúp doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa? Đó là một câu hỏi khó cho toàn bộ nền kinh tế, nhưng đặc biệt là cho Chính phủ. Nếu viện dẫn “ôi Mỹ còn bất bình đẳng như vậy huống gì ta” thì dễ quá. Mà nếu chọn nói vậy cho qua thì cũng đừng mơ tới “kỳ tích sông Hồng” làm gì cho mệt. Cứ làm một nền kinh tế “không chịu phát triển” sống qua ngày cho xong.