Hàng loạt doanh nghiệp sản xuất, gia công giày dép xuất khẩu bắt đầu “thấm đòn” Covid-19 khi không có đơn hàng sản xuất, không thể cầm cự nổi đành phải áp dụng biện pháp cắt giảm hàng ngàn lao động và việc sa thải này có thể sẽ còn tiếp diễn nếu dịch bệnh ở các nước châu Âu và Mỹ vẫn còn.
Nhiều lao động trong ngành giày dép bị mất việc làm do dịch Covid-19. Ảnh minh họa: website tập đoàn Gia Định
|
Thông tin Công ty cổ phần giày da Huê Phong vào trung tuần này buộc phải ra quyết định cắt giảm 2.220 lao động và mới đây PouYuen Việt Nam cũng thông báo cắt giảm gần 2.790 công nhân cho thấy đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nặng nề đến các doanh nghiệp, đặc biệt các doanh nghiệp trong ngành sản xuất và gia công giày dép "ngấm đòn" đau.
Công ty giày da Huê Phong là doanh nghiệp lớn trên địa bàn quận Gò Vấp (TPHCM) với 4.700 lao động. Do gặp khó khăn về đơn hàng bởi ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên công ty buộc phải thu hẹp sản xuất, đồng thời cắt giảm 2.200 lao động và giải quyết chế độ theo đúng quy định. Tương tự do đơn hàng liên tục giảm mạnh vì dịch Covid-19, PouYuen Việt Nam cũng đã phải cắt giảm lượng lao động nói trên.
Các doanh nghiệp cho biết đã thực hiện nhiều biện pháp như điều chỉnh sản xuất, sắp xếp ca làm việc luân phiên để cố gắng duy trì hoạt động và công ăn việc làm cho công nhân. Tuy nhiên, tình hình đơn hàng cho nửa cuối năm chưa khả quan, các doanh nghiệp buộc phải cắt giảm lao động.
Không riêng hai doanh nghiệp nói trên cắt giảm lượng lao động làm việc, mà nhiều doanh nghiệp khác hoạt động trong ngành này cũng đã và đang thực hiện việc cắt giảm lao động do tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19. Phần lớn doanh nghiệp cho nhiều lao động nghỉ việc hoặc tạm nghỉ việc không lương.
Ông Nguyễn Xuân Tú, Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Sản xuất Thương mại Xuất nhập khẩu Phước Thạnh, cho biết khoảng 90% lượng sản phẩm công ty làm ra là xuất khẩu đi thị trường châu Âu. Và từ khi dịch Covid-19 lan nhanh ở khu vực này đến nay những khách hàng của Phước Thạnh tại thị trường Ba Lan, Áo, Thụy Điển... vẫn chưa đánh tiếng nhập hàng trở lại.
"Thông thường ở thời điểm này chúng tôi đã có những đơn hàng làm ít nhất trong ba tháng hoặc kéo dài đến cuối năm, nhưng đến giờ vẫn không có đơn hàng nào từ thị trường của khu vực này", ông Tú chia sẻ khó khăn.
Không có đơn hàng cung cấp trực tiếp ông Tú tìm kiếm những nhà sản xuất lớn cùng ngành khác để làm gia công lại nhằm tạo việc làm để giữ chân người lao động. Thế nnhưng những đơn hàng gia công không đủ việc làm cho người lao động nên công ty đành phải cho 30% người lao động tạm nghỉ việc, ông Tú nói.
Công ty Phước Thạnh cũng đã buộc phải cắt giảm lao động.
|
Dù Việt Nam cơ bản đã khống chế dịch bệnh nhưng các thị trường nhập khẩu giày chủ lực của Việt Nam, như Mỹ và khu vực châu Âu vẫn đang chịu ảnh hưởng nặng nề dẫn đến tình trạng án binh bất động - không đặt hàng, không tìm mẫu, dọ giá - của các nhà nhập khẩu mặt hàng này.
Việc kéo dài thời hạn quyết định tạm ngưng nhập khẩu hàng hóa của hai thị trường EU và Mỹ được xem là một đòn mạnh giáng vào doanh nghiệp giày dép trong nước - nơi vốn sử dụng một lượng lớn lao động phổ thông. Bởi các doanh nghiệp cho rằng nếu không có đơn hàng thì doanh nghiệp khó có thể tồn tại hoặc giữ chân người lao động.
Theo ông Nguyễn Chí Trung, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần tập đoàn Gia Định, từ tháng 4 đến tháng 6 công ty vẫn còn một số đơn hàng cũ để thực hiện, nhưng với diễn biến dịch bệnh này chưa thấy các nhà nhập khẩu từ thị trường Mỹ và châu Âu đặt hàng. Điều này buộc công ty phải cho người lao động nghỉ việc. Cụ thể do không có đơn hàng mới nên tập đoàn Gia Định đã cho khoảng 60% người lao động nghỉ việc hoặc tạm nghỉ việc không có lương.
Theo ông Trung, tình hình này có thể còn kéo dài, lượng lao động bị cắt giảm trong ngành có thể lên đến hàng chục ngàn người.
Mỹ và EU là hai thị trường chính nhập khẩu nhóm hàng giày dép các loại của Việt Nam trong nhiều năm qua. Riêng năm ngoái hai thị trường này chiếm gần 65% tổng kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng này của cả nước.
Không riêng ngành da giày, mà ngành dệt may và gỗ... cũng đang cho cắt giảm nhiều lao động do ảnh hưởng dịch Covid-19. Nhiều doanh nghiệp vẫn không có đơn hàng, một số thị trường nhập khẩu vẫn chưa trở về trạng thái bình thường nên việc tái sản xuất hoặc duy trì đủ việc làm cho nhân công không hề đơn giản chút nào.
Dẫu biết rằng khi dịch bệnh qua đi đơn hàng sẽ trở lại và khi đó sẽ cần một lượng lớn lao động làm việc bình thường, nhưng theo các doanh nghiệp họ đã không thể cầm cự và tiếp tục giữ lượng lao động được trong bối cảnh hiện nay.