Thứ Ba, 23/06/2020 06:29

Tiết kiệm hơn 100.000 tỉ đồng nhờ giảm thủ tục

Một tỉ lệ đáng kể doanh nghiệp không nhận thấy sự thay đổi tích cực trong việc thực hiện thủ tục của bộ chuyên ngành trên cổng thông tin một cửa quốc gia.

Tiết kiệm hơn 100.000 tỉ đồng nhờ giảm thủ tục
Doanh nghiệp kiến nghị cần đẩy nhanh việc triển khai thanh toán điện tử, gỡ khó thủ tục về xuất khẩu. Ảnh: TL

Ngày 22-6, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Tổng cục Hải quan và Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ tại Việt Nam công bố báo cáo “Đánh giá mức độ hài lòng của doanh nghiệp và thời gian thực hiện thủ tục hành chính qua cơ chế một cửa quốc gia”.

Báo cáo dựa trên việc phân tích, đánh giá ý kiến của gần 3.100 doanh nghiệp (DN) về 12 thủ tục hành chính, dịch vụ công có tần suất thực hiện nhiều nhất trên cổng thông tin một cửa quốc gia.

Nhiều thay đổi nhưng vẫn còn vướng

Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế (VCCI), cho biết kết quả khảo sát DN cho thấy đa số chức năng cơ bản trên cổng một cửa quốc gia hiện hoạt động tốt. Tỉ lệ DN đánh giá dễ, tương đối dễ thực hiện đối với các tính năng cơ bản như “tạo tài khoản và đăng nhập”, “xem và in hồ sơ” lần lượt là 95% và 93%.

Thủ tục “cấp chứng nhận xuất xứ ưu đãi C/O” và “cấp giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật nhập khẩu, quá cảnh và vận chuyển nội địa” là hai thủ tục dễ tiến hành nhất với chỉ khoảng 15% DN cho biết có gặp khó khăn.

Dù vậy, vẫn có một tỉ lệ đáng kể DN gặp khó khăn khi sử dụng cổng thông tin. Chẳng hạn như 27% DN chưa hài lòng với tình trạng hoạt động thiếu ổn định của cổng do còn gặp những lỗi kết nối.

Đáng chú ý, có 26% DN gặp trở ngại với thủ tục “kiểm tra chất lượng hàng hóa nhập khẩu”. Các thủ tục “cấp giấy phép nhập khẩu trang thiết bị y tế” và “cấp số tiếp nhận phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm nhập khẩu” của Bộ Y tế có tỉ lệ DN gặp khó khăn trong thực hiện lần lượt ở mức 34% và 29%.

Thậm chí, theo ông Đậu Anh Tuấn, có DN cho biết có những thủ tục DN vừa phải thực hiện qua cổng điện tử vừa phải đến tận nơi thực hiện là không hợp lý. “Nguyên nhân chính của những khó khăn bao gồm hệ thống xử lý thủ tục của bộ quản lý chuyên ngành chưa “điện tử” hoàn toàn; vẫn còn tình trạng một số DN bị yêu cầu sửa đổi hồ sơ nhiều lần, thời gian các bộ, ngành xử lý hồ sơ của một số DN tương đối lâu” - báo cáo nhận định.

Doanh nghiệp kiến nghị cần đẩy nhanh việc triển khai thanh toán điện tử, gỡ khó thủ tục về xuất khẩu. Ảnh: TL

Tốn kém nhất là khâu tiếp nhận, giải quyết hồ sơ

Báo cáo cho thấy xét về mức độ tốn kém thời gian và chi phí ở mỗi khâu khi làm các thủ tục hành chính cho thấy khâu “tiếp nhận và giải quyết hồ sơ” thuộc trách nhiệm của các bộ, ngành vẫn là khâu gây tốn kém thời gian và chi phí cho nhà kinh doanh nhiều nhất.

Lo ngại về tính bảo mật

Ông Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch Hiệp hội Sản xuất và kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật Việt Nam, nêu rõ: “Chúng tôi không được hướng dẫn đầy đủ trong quá trình thực hiện thủ tục hành chính qua cơ chế một cửa quốc gia nên phải làm thủ tục nhiều lần. Vì vậy, chúng tôi rất mong vấn đề này được cải thiện hơn nữa. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng có băn khoăn, lo ngại về tính bảo mật của hệ thống tài liệu của DN liệu có bị lộ, lọt ra bên ngoài. 

Ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam, nhìn nhận có nhiều văn bản, thủ tục hành chính đã thay đổi theo hướng tích cực nhưng vẫn còn rất nhiều quy định phức tạp, muốn triển khai cũng khó. “Do đó, chúng tôi cho rằng rất cần sự vào cuộc của tất cả các bên thì cơ chế một cửa quốc gia mới vận hành một cách có hiệu quả, thông suốt được. Cùng với đó, thiết bị công nghệ cho cả hệ thống cần được đồng bộ để việc vận hành một cách trôi chảy” - ông Cẩm nhấn mạnh.

Nhiều DN cũng đề nghị các cơ quan chức năng khắc phục những trục trặc về đăng ký và sử dụng chữ ký số; nâng cấp các chức năng giải đáp vướng mắc cho DN khi giải quyết thủ tục hành chính; sớm bổ sung chức năng thanh toán điện tử trên cổng một cửa quốc gia… Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu thuộc Bộ Công Thương, cho rằng không chỉ cần sự tham gia của các bộ quản lý chuyên ngành mà bản thân đơn vị vận hành cơ chế cũng cần sự chủ động hơn nữa. “Hiện nay, Bộ Công Thương mới kết nối 11 thủ tục hành chính với cổng thông tin một cửa quốc gia, còn sáu thủ tục chưa kết nối. Mặc dù chúng tôi đã chuẩn bị sẵn sàng kết nối cho sáu thủ tục này nhưng vẫn phải phụ thuộc vào đơn vị vận hành” - ông Hải chia sẻ.

Mỹ sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam

Cơ chế một cửa quốc gia là hệ thống một cửa để thực hiện các thủ tục thông quan hàng hóa nhằm giúp tinh giản các thủ tục hành chính về xuất nhập khẩu phù hợp với các tiêu chuẩn và thông lệ quốc tế. Đến nay, hệ thống đã triển khai được 198 thủ tục trên tổng số 250 thủ tục hành chính, kết nối 13 bộ ngành, cấp phép cho hơn 3 triệu hồ sơ của hơn 39.000 DN.

Số lượng nhân sự của 9/12 thủ tục hành chính tại DN đã giảm 1/2 so với trước đây. Tổng tiền tiết kiệm lên đến hơn 4,55 tỷ USD, tương ứng gần 107.000 tỉ đồng.

Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ khẳng định sẽ tiếp tục tích cực hỗ trợ chính phủ Việt Nam và khu vực tư nhân thực hiện cải cách và nâng cao mức độ hài lòng của cộng đồng DN đối với những công cụ tạo thuận lợi thương mại quan trọng tương tự như cơ chế một cửa quốc gia. 

AN AN

Pháp luật TPHCM

Các tin tức khác

>   FDI toàn cầu giảm mạnh và cú sốc MNEs (22/06/2020)

>   Đánh thức tiềm năng du lịch Hồ Núi Cốc (22/06/2020)

>   Bốn tháng không thu được 1 đồng, không còn sức chờ hưởng hỗ trợ (22/06/2020)

>   Hiệp định RCEP được kỳ vọng mang lại cục diện mới, kết cấu mới (22/06/2020)

>   Vì sao bất động sản công nghiệp khó chuyển mình? (21/06/2020)

>   Goldman Sachs: Giá vàng có thể vọt lên 2.000 USD (21/06/2020)

>   Nhờ kiểm soát dịch COVID-19, nguồn cung thuốc lá lậu giảm (21/06/2020)

>   Nhu cầu thuê nhà xưởng của một số nhóm ngành nghề sẽ gia tăng (21/06/2020)

>   Công nhân PouYuen thôi việc nhận trợ cấp 250 triệu đồng (21/06/2020)

>   Cơ cấu tổng cầu kinh tế Việt Nam thời bình thường mới (20/06/2020)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật