Đà hồi phục chậm rãi của Trung Quốc báo điềm chẳng lành cho kinh tế toàn cầu
Đà hồi phục mong manh của nền kinh tế Trung Quốc báo hiệu chặng đường gian khổ cho phần còn lại của thế giới.
Hàng loạt dữ liệu quan trọng cho thấy sản lượng sản xuất, chi tiêu tiêu dùng và đầu tư tiếp tục cải thiện trong tháng 5/2020, nhưng hầu như chẳng có dấu hiệu nào cho thấy kinh tế sẽ phục hồi theo hình chữ "V".
Câu hỏi được đặt ra là nếu việc Trung Quốc kiểm soát thành công dịch bệnh còn chẳng thể thúc đẩy sự tự tin và giúp kinh tế nhanh chóng bình thường trở lại, thì quốc gia nào có thể làm được chuyện đó. Nỗi lo ngại này càng thêm nghiêm trọng bởi thông tin Bắc Kinh vừa ghi nhận thêm hơn 100 ca nhiễm mới từ ngày 13/06.
“Những gì đang diễn ra ở Trung Quốc cho tới nay ám chỉ rằng nền kinh tế toàn cầu sẽ gặp nhiều khó khăn trong quá trình phục hồi”, Shaun Roache, Chuyên gia kinh tế trưởng khu vực châu Á-Thái Bình Dương tại S&P Global Ratings, cho biết. “Chúng tôi vẫn kỳ vọng vào đà phục hồi trong 6 tháng cuối năm, nhưng những ai kỳ vọng nhu cầu sẽ tăng vọt có lẽ sẽ phải thất vọng”.
Những điểm sáng ở Trung Quốc bao gồm giá nhà ở mới – vốn tăng nhanh nhất trong 7 tháng vào tháng 5/2020 khi các lệnh phong tỏa được gỡ bỏ. Các chỉ báo khác cũng cho thấy sự cải thiện.
- Sản lượng công nghiệp tăng 4.4%.
- Doanh thu bán lẻ giảm 2.8%, so với mức giảm 7.5% trong tháng 4/2020.
- Đầu tư tài sản cố định giảm 6.3% trong 5 tháng đầu năm.
- Sản lượng thép tăng lên kỷ lục.
Đà giảm kéo dài của hoạt động đầu tư khu vực tư nhân Trung Quốc và sự bối rối của người tiêu dùng phản ánh điều kiện nội địa yếu ớt và sự thiếu hụt nhu cầu về sản phẩm Trung Quốc.
“Sự thiếu hụt nhu cầu đang là vấn đề chính yếu của nền kinh tế Trung Quốc tại thời điểm này”, Shen Jianguang, Chuyên gia kinh tế trưởng của nhà bán lẻ trực tuyến JD.com, nói với Bloomberg Television.
Các nhà quyết sách ở Bắc Kinh tiếp tục hỗ trợ một cách cẩn trọng. Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC) cung ứng cho các ngân hàng khoảng 200 tỷ Nhân dân tệ (tương đương 28 tỷ USD) thanh khoản mới trong ngày thứ Hai (15/06), đồng thời để một khoản cho vay trước đó hết hạn.
Những dữ liệu mới nhất về Trung Quốc được đưa ra giữa lúc xuất hiện những quan điểm trái chiều về đà phục hồi của kinh tế toàn cầu. Hôm Chủ nhật (14/06), Giám đốc Kinh tế Nhà Trắng Larry Kudlow cho biết “khả năng rất cao” là kinh tế Mỹ sẽ phục hồi theo hình chữ “V”. Cách đó vài ngày, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), Jerome Powell lên tiếng cảnh báo đà phục hồi sẽ cần thời gian.
Các chuyên gia kinh tế tại Morgan Stanley cho rằng nền kinh tế toàn cầu đang trong chu kỳ tăng trưởng mới và sản lượng sẽ trở về mức trước đại dịch Covid-19 vào quý 4/2020, đồng thời dự báo sẽ có “suy thoái mạnh, nhưng chỉ trong thời gian ngắn”.
“Chúng tôi rất tự tin vào dự báo phục hồi theo hình chữ V, khi xét tới những đà tăng bất ngờ trong dữ liệu tăng trưởng và các động thái chính sách”, các chuyên gia kinh tế tại Morgan Stanley cho biết trong báo cáo nghiên cứu triển vọng giữa năm.
Tuần trước, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cảnh báo rằng nền kinh tế toàn cầu đang phục hồi chậm chạp hơn dự báo và vẫn còn đó “sự bất ổn sâu sắc” về triển vọng. Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) dự báo kinh tế toàn cầu giảm 6% trong năm nay, và đó là trong trường hợp dịch Covid-19 được kiểm soát.
Các chuyên gia kinh tế tại JPMorgan Chase nhấn mạnh đến khả năng các chính phủ có thể giảm bớt quy mô kích thích tài khóa vì lượng nợ và thâm hụt tài khóa tăng vọt.
Phần lớn vẫn còn phụ thuộc vào diễn biến dịch bệnh Covid-19. Các quan chức Trung Quốc đang chạy đua kiểm soát đợt bùng phát mới ở Bắc Kinh. Từ ngày 13/06, Bắc Kinh đã ghi nhận hơn 100 ca nhiễm mới, phần lớn đến từ chợ đầu mối Tân Địa Phát.
“Dữ liệu tháng 5/2020 cho thấy sự cải thiện thêm, mặc dù mức độ phục hồi không mạnh hơn chúng tôi và thị trường dự báo”, Helen Qiao, Chuyên gia kinh tế khu vực Trung Quốc tại Bank of America, cho hay. “Sự bùng phát dịch Covid-19 ở Bắc Kinh cho thấy rủi ro tác động tới hoạt động kinh tế vẫn còn đó”.
* Doanh nghiệp Mỹ kêu gọi chính quyền Trump tẩy chay các công ty Trung Quốc
* Sức ép của Mỹ có thể tạo cơ hội cho thị trường tài chính Trung Quốc
* Trung Quốc - tia hy vọng của các thương hiệu xa xỉ toàn cầu
Vũ Hạo (Theo Bloomberg)
FILI
|