Ngân hàng Nhà nước vừa công bố dự thảo sửa đổi Thông tư 01, theo hướng mở rộng diện được hỗ trợ nhưng cũng thiết lập các mốc thời gian cụ thể hơn.
Thông tư 01 được đánh giá là phản ứng kịp thời của cơ quan quản lý các tổ chức tín dụng. Hình: NHNN.
|
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa công bố dự thảo sửa đổi Thông tư 01, ban hành 13-3-2020, quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Sự thay đổi đầu tiên và đáng kể là quy định cụ thể khoảng thời gian phát sinh nghĩa vụ trả nợ gốc và, hoặc lãi của khoản cho vay, cho thuê tài chính được cơ cấu lại thời hạn trả nợ. Theo đó, các tổ chức tín dụng (TCTD), chi nhánh Ngân hàng được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ đối với các khoản cho vay, cho thuê tài chính phát sinh nghĩa vụ trả nợ trong khoảng thời gian từ ngày 23-1-2020 đến ngày 31-12-2020.
Trong khi Thông tư 01 trước đó quy định khoảng thời gian từ ngày 23-1-2020 đến ngày liền kề sau ba tháng kể từ ngày Thủ tướng Chính phủ công bố hết dịch Covid-19.
“Đến nay, Việt Nam đã và đang kiểm soát được dịch Covid -19, vì vậy, thời điểm mà Thủ tướng Chính phủ công bố hết dịch có thể sẽ đến sớm”, NHNN lý giải.
Theo cơ quan quản lý các TCTD, mốc thời gian 31-12-2020 được xác định theo sự đánh giá thận trọng của đơn vị này, căn cứ trên kịch bản về tăng trưởng kinh tế năm 2020 của Việt Nam (trong điều kiện Việt Nam đã cơ bản khống chế và kiểm soát dịch từ nửa cuối tháng 4-2020 và các quốc gia là đối tác thương mại, đầu tư quan trọng với Việt Nam cũng khống chế được dịch trong quí 4 năm nay.
Quy định thay đổi thứ 2 là cho phép TCTD, chi nhánh Ngân hàng được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, giữ nguyên nhóm nợ đủ tiêu chuẩn đối với nợ được giải ngân từ ngày 23-01-2020 đến trước ngày 25-4-2020.
Trước đó, quy định này của Thông tư 01 chỉ có tác dụng đối với các khoản giải ngân trước ngày 23-1-2020. Lý do, chỉ với các khoản nợ trước thời điểm này mới có kết quả phân loại nợ, Thông tư 01 vì vậy được hiểu là không áp dụng cho các khoản giải ngân sau ngày này.
Theo NHNN, thời điểm 24-4-2020 là phù hợp bởi đây là thời điểm Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 19 về việc tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trong tình hình mới.
Đồng thời, đến thời điểm này thì các TCTD, chi nhánh Ngân hàng đã nắm bắt được đầy đủ tình hình dịch bệnh trong nước và quốc tế, cũng đã xây dựng các kịch bản ứng phó dịch. Điều này cũng đồng nghĩa với việc các khoản giải ngân sau ngày này được ngầm hiểu rằng các TCTD đã có sự đánh giá đầy đủ về mức độ ảnh hưởng của Covid-19. Do đó, các tổ chức tín dụng phải căn cứ vào đặc điểm của khách hàng để thống nhất với khách hàng lịch trả nợ phù hợp mà không được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ theo quy định tại Thông tư 01.
Ngoài ra, NHNN còn dự kiến cho phép các TCTD, chi nhánh ngân hàng không tính số lần cơ cấu lại thời hạn trả nợ theo quy định tại Thông tư 01 khi thực hiện phân loại nợ, đối với nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ quy định tại Thông tư 01 nhưng khách hàng không trả được nợ theo thời hạn cơ cấu lại. Lý do vì lo ngại các khoản nợ xấu này nếu được phân loại thành nhóm 4, nhóm 5 thì dẫn đến tỷ lệ nợ xấu tăng cao.
Thông tư 01 ban hành vào giữa tháng 3 được các chuyên gia đánh giá cao vì khả năng ứng phó nhanh và cho phép các ngân hàng chủ động xử lý hồ sơ khách hàng trong bối cảnh Covid-19 tác động mạnh mẽ đến nền kinh tế. Tuy nhiên, các doanh nghiệp vẫn phản ánh rằng rất khó tiếp cận vốn và được Ngân hàng hỗ trợ, trong đó nhắc đến nhiều về định nghĩa: “Khách hàng chịu ảnh hưởng do dịch Covid-19”. Còn tại các cuộc hội nghị kết nối ngân hàng – doanh nghiệp được tổ chức liên tiếp gần đây, hầu hết các đơn vị đều kiến nghị nên kéo dài thời gian hỗ trợ cho các doanh nghiệp.