Thứ Sáu, 29/05/2020 09:32

Tăng vốn cho Agribank, cái khó của một doanh nghiệp nhà nước

Ủy ban Kinh tế của Quốc hội và Quốc hội đã dành một thời lượng không nhỏ trong tuần này để thảo luận về việc tăng vốn điều lệ cho Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank).

* Cấp bách tăng vốn cho các 'ông lớn' ngân hàng

* Chính phủ: Tăng vốn điều lệ cho Agribank bằng NSNN tối đa 3,500 tỷ đồng

Tổng tài sản của Agribank lên tới xấp xỉ 1,5 triệu tỉ đồng, cao nhất trong ngành ngân hàng. Ảnh: T.M

Vấn đề của Agribank tựu trung lại là: vốn điều lệ quá thấp và đã không được tăng từ nguồn lợi nhuận để lại từ nhiều năm nay trong khi tổng tài sản tăng nhanh; và Agribank gánh vác trách nhiệm quá nặng nề trong việc cung ứng vốn cho toàn bộ khu vực nông nghiệp - nông thôn, nơi mà nhu cầu về vốn ngày một đòi hỏi nhiều hơn.

Khi vốn điều lệ thấp, ngân hàng không đáp ứng được chỉ tiêu an toàn vốn (hệ số K) theo chuẩn mực quốc tế, dẫn đến không thể cho vay, tức hạn chế tín dụng - điều mà nông nghiệp nói riêng, những ngành nghề khác nói chung đang rất cần.

Agribank bắt đầu có những đề đạt chính thức lên Ngân hàng Nhà nước và các cấp về việc tăng vốn điều lệ năm 2018. Thời điểm đó, vốn điều lệ của Agribank gần 30.600 tỉ đồng, thấp nhất trong số bốn “ông lớn” hàng đầu và chỉ số an toàn vốn, nếu tính đúng tính đủ, đã không thỏa mãn được tiêu chí 9% theo quy định hiện hành.

Agribank đề nghị được tăng vốn thêm 12.500 tỉ đồng để có thể đáp ứng luôn chuẩn Basel II về hệ số K là 8%.

Lộ trình cổ phần hóa tại Agribank đã và đang bị chậm do vướng việc xác định giá trị doanh nghiệp liên quan đến đất đai. Một vấn đề khác cũng nan giải không kém là xác định giá trị thương hiệu Agribank và giải quyết nợ xấu tồn đọng.

Việc tăng vốn điều lệ cho Agribank là cần thiết đứng từ góc độ cổ phần hóa một ngân hàng thương mại 100% vốn nhà nước. Khi vốn Agribank tăng đủ mức cần thiết, người hưởng lợi duy nhất là Nhà nước.

Vốn càng nhiều, giá trị ngân hàng càng lớn, số lượng cổ phiếu phát hành càng cao, thì Nhà nước càng có khả năng thu về số tiền nhiều hơn. Quan trọng là với vốn lớn, quy mô của Agribank được cải thiện, quá trình phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng sẽ thu hút được các tổ chức ngoại tầm cỡ tham gia.    

Theo báo cáo tài chính năm 2019 đã kiểm toán và báo cáo tài chính quí 1-2020, tổng tài sản của Agribank lên tới xấp xỉ 1,5 triệu tỉ đồng, cao nhất trong ngành ngân hàng. Dư nợ cho vay của Agribank hiện ước 1,2 triệu tỉ đồng - cũng cao nhất hệ thống.

Năm ngoái lợi nhuận trước thuế của Agribank “bùng nổ” ở mức hơn 13.800 tỉ đồng, chưa kể lợi nhuận năm 2018 đã vượt 10.000 tỉ đồng.

Vậy việc tăng vốn cho Agribank khúc mắc ở chỗ nào và vì sao đến nay vẫn chưa thể thực hiện? Khúc mắc gây nhiều tranh luận là liệu Agribank không phải ngân hàng chính sách xã hội thì có nên sử dụng tiền ngân sách để tăng vốn cho ngân hàng?

Đúng, về bản chất Agribank là ngân hàng thương mại, nhưng là thương mại nhà nước. Nhiều chính sách an sinh xã hội, nhiều chương trình cho vay ưu đãi và thậm chí cả những dự án mang tính chính sách xã hội, Agribank đều tham gia. Agribank trên thực tế đang thực thi một phần nhiệm vụ của ngân hàng chính sách xã hội.

Cân đối ngân sách quốc gia chưa bao giờ là bài toán dễ dàng, cho nên việc sử dụng vốn ngân sách trực tiếp để tăng vốn cho một ngân hàng 100% vốn Nhà nước như Agribank khó nhận được sự đồng thuận. Các đại biểu Quốc hội, các ủy viên Ủy ban Kinh tế Quốc hội có lý do để cân nhắc, nhất là khi “món chi tiêu” này ở mức hàng ngàn tỉ đồng.

Để “đỡ” cho Agribank, Ngân hàng Nhà nước và cả Chính phủ đã nhiều lần đề cập đến phương án phát hành trái phiếu tăng vốn cấp 2. Lần này chính Agribank đề nghị số lượng trái phiếu tăng vốn cấp 2 dự định phát hành là 9.000 tỉ đồng. Trái phiếu tăng vốn thực chất là nguồn đi vay và sẽ đến lúc phải trả.

Một khi trái phiếu đến hạn, Agribank lại phải tính đến phương án phát hành trái phiếu khác thay thế, nên đó chỉ là phương án ăn đong, không thể bền vững lâu dài.

Khả thi hơn cả, nên chăng cho phép Agribank được giữ lại toàn bộ lợi nhuận năm 2018 và 2019 để tăng vốn, đồng thời ngân sách tạm ứng 3.500 tỉ đồng còn lại cho Agribank tăng vốn. Sự tạm ứng này sẽ được hoàn trả khi Agribank tiến hành phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng.

Hai tuần trước, trong phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4-2020, Chính phủ đã chấp thuận việc cấp bổ sung vốn điều lệ cho Agribank từ nguồn tăng thu và tiết kiệm chi ngân sách trung ương. Việc cấp vốn này dự kiến bằng số nộp ngân sách năm nay của ngân hàng.

Đây gần như là một sự hoán đổi và tương đối phức tạp. Sẽ đơn giản hơn nếu cho phép Agribank sử dụng lợi nhuận có được hàng năm của chính ngân hàng để tăng vốn.       

Hải Lý

TBKTSG

Các tin tức khác

>   Bắt giam cựu kế toán trưởng Tổng công ty CP Vận tải Dầu khí (28/05/2020)

>   ĐHĐCĐ SCB: 2 tháng vừa qua khó khăn không thể tả xiết (29/05/2020)

>   Mở rộng kinh doanh với gói tài chính linh hoạt từ HDBank (28/05/2020)

>   Ví điện tử đồng loạt giục người dùng gửi ảnh chân dung (28/05/2020)

>   ‘Tiền trực thăng’ và góc nhìn từ gói hỗ trợ 62,000 tỷ đồng (05/06/2020)

>   Ghế Phó Tổng Giám đốc VietinBank có người mới (28/05/2020)

>   VIB lên kế hoạch lãi sau thuế gần 3,890 tỷ đồng (28/05/2020)

>   Ngày không tiền mặt 2020, nhận ưu đãi siêu hấp dẫn tại HDBank (27/05/2020)

>   Sacombank đặt mục tiêu dư nợ tín dụng 2020 tăng 11% (27/05/2020)

>   Sacombank đồng hành cùng chuỗi sự kiện ngày không tiền mặt  (27/05/2020)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật