Thứ Năm, 28/05/2020 08:19

Khốn khổ vì dự án chậm tiến độ

Thiếu vốn, vướng mặt bằng, mắc cơ chế… dù ở giai đoạn nào, hàng loạt dự án hạ tầng giao thông quan trọng của TP.HCM vẫn có đủ các lý do để chậm trễ.

Chậm tiến độ, đội vốn được coi là vấn nạn của ngành giao thông TP.HCM. Ảnh: Đậu Tiến Đạt

Không vướng gì cũng trễ

Trong văn bản kết luận nội dung cuộc họp về tình hình thực hiện một số dự án giao thông trọng điểm trên địa bàn TP.HCM mới đây, Giám đốc Sở GTVT Trần Quang Lâm đánh giá 2 dự án mở rộng đường Hoàng Hoa Thám từ cổng doanh trại quân đội (giáp sân bay) đến đường Cộng Hòa và cải tạo đường Cộng Hòa từ hẻm số 2 đường Trần Quốc Hoàn đến đường Thăng Long (Q.Tân Bình) là các dự án trọng điểm của TP nhằm giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông khu vực sân bay Tân Sơn Nhất nhưng tiến độ thực hiện rất chậm.

Để đẩy nhanh tiến độ triển khai, Sở GTVT đề nghị UBND Q.Tân Bình quan tâm, chủ động phối hợp với các đơn vị liên quan hoàn thành công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng và bàn giao mặt bằng trống cho chủ đầu tư thi công trong thời gian sớm nhất.

Chuyện chưa có mặt bằng để thi công cũng xảy ra ở dự án nâng cấp, mở rộng đường Nguyễn Duy Trinh (đoạn từ Vành đai 2 đến đường vào KCN Phú Hữu, Q.9), dù phương án đã được Sở GTVT TP.HCM phê duyệt từ cuối năm 2019. Ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông, cho biết đơn vị này đang phối hợp chặt chẽ với UBND Q.9 trong việc đàm phán với người dân và dự án sẽ được khởi công ngay sau khi UBND Q.9 bàn giao mặt bằng “sạch” cho chủ đầu tư.

Việc dự án chậm triển khai do thiếu vốn, vướng mặt bằng là tình trạng gần như xảy ra với tất cả các dự án trên địa bàn TP.HCM. Nhanh thì chậm 1 - 2 năm, nhiều dự án phải chờ đến gần 2 thập niên vẫn chỉ nằm trên giấy. Điển hình như dự án mở rộng QL13 đoạn từ cầu Bình Triệu đến ngã tư Bình Phước đã gần 18 năm “án binh bất động”.

Ngay cả trường hợp lãnh đạo TP sát sao, các quận huyện liên tục hứa mốc thời gian bàn giao mặt bằng “sạch” cho chủ đầu tư như dự án chống ngập 10.000 tỉ đồng, thì đến nay đã gần 1 năm trôi qua, những cam kết vẫn chỉ dừng lại ở cam kết. Dự án tiếp tục phải lùi tiến độ đến tháng 10 và chưa biết có thể về đích đúng hẹn không vì vẫn phụ thuộc vào thời gian các bên giao nhận mặt bằng.

Cá biệt, theo Sở GTVT TP, dự án xây dựng cầu tạm (kết cấu thép) An Phú Đông (Q.12) mặc dù đã được bố trí đủ vốn, cơ bản không vướng mặt bằng, nhưng tiến độ thi công đến nay chậm khoảng 2 tháng so với kế hoạch.

Kéo theo điệp khúc đội vốn

Thực tế, các dự án hạ tầng chậm tiến độ không chỉ cản trở phát triển của TP mà còn khiến chi phí giải phóng mặt bằng đội lên rất nhiều, kéo theo điệp khúc đội vốn do trượt giá, biến động tỷ giá, tăng chi phí dự phòng...

Đơn cử, dự án mở rộng QL13 được UBND TP.HCM đề xuất từ năm 2002, khi đó, chi phí giải phóng mặt bằng chỉ mất khoảng 2.500 tỉ đồng, tổng vốn đầu tư hơn 4.000 tỉ đồng. Sau 18 năm, tổng mức đầu tư dự án này hiện đã lên tới 9.992 tỉ đồng, trong đó chi phí giải phóng mặt bằng đội lên 8.176 tỉ đồng.

Hai dự án xóa ùn tắc cửa ngõ phía tây nam gồm dự án nâng cấp, mở rộng đường Tân Kỳ - Tân Quý (đoạn từ Lê Trọng Tấn đến Cộng Hòa) với tổng mức đầu tư hơn 742 tỉ đồng và dự án nâng cấp, mở rộng đường Trường Chinh (đoạn từ Cộng Hòa đến Âu Cơ) tổng mức đầu tư là 2.147 tỉ đồng cũng đã được triển khai cách đây 15 năm với tổng mức đầu tư ban đầu cho cả 2 dự án khoảng gần 600 tỉ đồng, chỉ gần bằng 1/5 so với hiện nay.

Theo kỹ sư Vũ Thắng, nguyên Phó ban Chuẩn bị đầu tư hạ tầng cơ sở giao thông TP.HCM, nguyên nhân gốc rễ của tình trạng này là do lỗi hệ thống điều hành các dự án đầu tư không khớp với nhu cầu của sự phát triển. Quy hoạch tràn lan, “vống” lên đủ các dự án nhưng không có sắp xếp trật tự ưu tiên, không xác định tầm quan trọng của từng dự án để tìm nguồn lực tương xứng. Trong quá trình triển khai, các lãnh đạo thường có tâm lý khoanh vùng, việc gì dễ, trong khả năng làm được sớm thì làm trước. Các vấn đề “khó nhằn” thì dù có là ưu tiên, trọng điểm vẫn bị dồn lại cho các giai đoạn, nhiệm kỳ sau.

“Muốn giải quyết các lỗi quản lý này, cần sự thay đổi toàn diện từ hệ thống lãnh đạo. Phải kiên quyết và minh bạch. Dự án nào, thuộc giai đoạn nào phải làm dứt điểm trong giai đoạn đó. Những dự án chậm trễ phải kiên quyết đình chỉ, thu hồi, quy rõ và xử lý trách nhiệm cụ thể từng cá nhân, đơn vị”, kỹ sư Vũ Thắng đề xuất.

Việc các dự án hạ tầng trọng điểm chậm trễ là nguyên nhân chính khiến bức tranh giao thông TP.HCM ngày càng tồi tệ, ùn tắc từ trong ra ngoài, các công trình xây dựng tiếp theo chỉ mang tính chất chắp vá, quá lỗi thời so với nhu cầu thực tế.

Trong khi đó, các dự án đã khởi công nhưng chậm về đích lại hình thành hàng trăm lô cốt bủa vây khắp các tuyến đường, cản trở lưu thông, gây nhếch nhác bộ mặt đô thị.

Hà Mai

Thanh niên

Các tin tức khác

>   19.500 tỷ đồng làm cao tốc Buôn Ma Thuột - Nha Trang (26/05/2020)

>   Áp lực 'tiền có, khó tiêu' trong các dự án giao thông (26/05/2020)

>   Có để Kiểm toán Nhà nước kiểm toán toàn bộ dự án PPP? (25/05/2020)

>   Không chuyển cả 8 dự án cao tốc Bắc - Nam sang đầu tư công (25/05/2020)

>   Từ sân bay Long Thành nhìn lại quy mô các sân bay quốc tế khác (25/05/2020)

>   Đột phá từ thành phố phía đông (25/05/2020)

>   Điều chỉnh quy hoạch 3 khu vực ở Khu đô thị sáng tạo (25/05/2020)

>   Dự án chống ngập 10.000 tỉ tiếp tục lùi đích đến tháng 10 (23/05/2020)

>   'Đề nghị Đà Nẵng xử lý việc người Trung Quốc núp bóng lấy đất nhạy cảm' (23/05/2020)

>   'Vỡ' kế hoạch di dời 20.000 căn nhà ven kênh, rạch (23/05/2020)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật