'Vỡ' kế hoạch di dời 20.000 căn nhà ven kênh, rạch
Theo kế hoạch, đến năm 2020, TP.HCM phải hoàn tất và thực hiện dự án di dời toàn bộ 20.000 căn nhà trên và ven kênh rạch, nhưng đến nay chương trình gần như vẫn giậm chân tại chỗ.
Những hộ dân sống bên kênh Đôi (Q.8, TP.HCM). Ảnh: Ngọc Dương
|
Trên địa bàn TP.HCM đang có 2.953 tuyến sông, kênh, rạch. Tuy nhiên đa số các con sông, kênh rạch đều bị người dân lấn chiếm để xây dựng nhà cửa. Theo thống kê của Sở Xây dựng TP.HCM, trên địa bàn TP có 21.851 căn nhà trên và ven kênh rạch, tập trung nhiều nhất ở Q.8 (gần 10.000 căn), Q.Bình Thạnh (hơn 1.800 căn), Q.7 (hơn 1.700 căn), Q.4 (hơn 1.600 căn)... TP phấn đấu giai đoạn 2016 - 2020 cơ bản hoàn tất di dời hơn 20.000 căn nhà trên và ven kênh, rạch, tổ chức lại cuộc sống dân cư tốt hơn, gắn với chỉnh trang đô thị dọc hai bên bờ kênh, rạch.
Để giải quyết mục tiêu trên, TP sẽ phải thực hiện 65 dự án với tổng kinh phí bồi thường giải phóng mặt bằng và tái định cư ước tính hơn 44.000 tỉ đồng. Trong đó vốn ngân sách là 22.000 tỉ đồng, vốn xã hội hóa bằng hình thức PPP khoảng 19.000 tỉ đồng và số tiền còn lại từ các dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại kết hợp chỉnh trang đô thị. Trong đó, TP sẽ ưu tiên triển khai các dự án di dời, cải tạo bờ nam kênh Đôi, rạch Xuyên Tâm, rạch Văn Thánh, rạch Cầu Dừa, hồ Song Tân, rạch Bần Đôn… Dù kế hoạch đề ra quá “hoành tráng”, nhưng đến cuối năm 2019, toàn TP hiện mới di dời được 2.400 hộ gia đình trong mục tiêu di dời 20.000 hộ trên và ven kênh rạch.
Vớt rác không xuể
Hơn 2 năm quay trở lại, chúng tôi ghi nhận kênh A41 - 1 trong 3 hướng thoát nước chính của sân bay Tân Sơn Nhất - vẫn chưa thoát khỏi ô nhiễm. Ngay sau cơn mưa trưa 20.5, rác thải từ phía đầu nguồn trôi về dồn ứ thành đống ngay đoạn cống xả đoạn chảy qua khu dân cư P.4, Q.Tân Bình. Nước mương đen ngòm, lòng mương bị lấn chiếm nghiêm trọng, bồi lấp nặng nề. Kết cấu bờ mương và lòng mương trước đây là 8 m và 6 m, sâu 3,5 m nhưng hiện có chỗ chỉ còn chưa đến 0,5 m.
Hiện nay, nhà đầu tư tự đi thương lượng giải phóng mặt bằng họ rất ngán, nhưng nay nhà nước đi giải phóng mặt bằng bằng tiền ứng trước của doanh nghiệp, sau đó giao dự án cho nhà đầu tư và giao đất đối ứng thì họ rất phấn khởi. Vấn đề là nhà nước quy hoạch và xác định bao nhiêu dự án bởi hiện nay quỹ đất ven kênh rạch có thể lên đến 500 ha. Cần làm theo kiểu nhà chung cư cũ là bia kèm mồi, đấu thầu giao doanh nghiệp có dự án tốt và kèm dự án xấu. Nhà nước là người đứng ra giải phóng mặt bằng, doanh nghiệp ứng trước và không tính lãi. Nếu làm được như vậy nhà nước sẽ không tốn nguồn lực mà chương trình vẫn chạy tốt.
Ông Lê Hoàng Châu (Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM)
|
Cũng trên địa bàn Q.Tân Bình, kênh Hy Vọng - đoạn chảy qua đường Phan Huy Ích (P.15) gắn liền với hình ảnh ngập kín rác. Rác ùn ứ, đọng ngay dưới chân các hộ gia đình, thêm cái oi nóng giữa trời trưa Sài Gòn, mùi hôi bốc lên nồng nặc. Bà Hoành Thị Lài, đã hơn 20 năm sống tại khu vực này, ngay đoạn rác ùn nhiều nhất, than tình trạng “sống trên rác” của gia đình bà cũng như các hộ xung quanh xảy ra đã gần 4 năm, kể từ khi cơ quan chức năng xây lại cầu Hy Vọng, lắp cống hộp nhỏ hơn khiến nước khó thoát, rác từ phía sân bay đổ về tắc nghẽn tại đây.
Người dân quanh khu vực rạch Xuyên Tâm (Q.Bình Thạnh, đoạn từ kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè đến sông Vàm Thuật) bao năm qua vẫn chưa thoát cuộc sống ô nhiễm. Không chỉ những con rạch nhỏ len lỏi trong khu dân cư khốn khổ vì rác, những nhánh kênh lớn bao quanh TP, bộ mặt đô thị cũng không “thoát nạn”. Kênh Tàu Hủ - Bến Nghé dài hơn 22 km bắt đầu từ sông Sài Gòn đến kênh Lò Gốm; nhiều đoạn kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè sau gần 1 thập niên miệt mài cải tạo, nạo vét, tốn hàng ngàn tỉ đồng từ ngân sách TP, nay cũng đã bắt đầu có dấu hiệu ô nhiễm trở lại...
Những căn nhà lụp xụp hai bên rạch Xuyên Tâm, Q.Bình Thạnh, TP.HCM. Ảnh: Ngọc Dương
|
Mong sớm được di dời
Có mặt tại khu vực kênh Đôi (Q.8) trưa 22.5, chúng tôi chứng kiến cảnh người dân chen chúc sống trong những căn nhà tạm bợ được xây dựng trên con kênh. Ở nhiều đoạn nhà bên bờ kênh này có thể bước qua nhà bờ kênh bên kia. Dưới dòng kênh rác ngập ngụa.
Theo anh Nhơn Bùi, một người dân có nhà nằm trên kênh Đôi, năm 2016 - 2017 khi nghe thông tin giải tỏa nhà ven kênh, rạch để chỉnh trang đô thị người dân đã rất mừng vì sắp được đổi đời, được lên “bờ” không phải ngửi mùi hôi thối từ dòng kênh bốc lên. Tại thời điểm đó, có nhà đầu tư đến khảo sát, chính quyền địa phương cũng đã phát phiếu khảo sát, yêu cầu người dân khai báo về nhân khẩu. Tuy nhiên từ đó đến nay không thấy dự án khởi động.
Ghé vào khu vực kênh Tàu Hủ (Q.8), tình cảnh của những hộ dân sống ven và trên hai bờ kênh này cũng tương tự. Họ đã nghe nói đến chương trình giải tỏa, di dời nhà ở ven, trên kênh rạch. Tại khu vực họ đang sống, cơ quan chức năng cũng đã đến khảo sát, đo đạc nhưng sau đó cũng “một đi không trở lại”, chưa có thông báo gì cụ thể. Đa số tâm lý của người dân đều lo sợ không biết chương trình giải tỏa, đền bù và tái định cư sẽ như thế nào vì đa số là nhà xây dựng trái phép trên kênh rạch.
Nhà ông Kiệt, ở hẻm 1072 đường Phạm Thế Hiển (Q.8), đã xây dựng trên con kênh này được 55 năm, với diện tích khoảng 40 m2. Khi nghe việc di dời, giải tỏa thì ông vui nhưng cũng lo lắng bởi không biết chính sách bồi thường, giải phóng mặt bằng như thế nào. “Căn nhà này là chỗ sinh sống của 4 con người. Những năm trước đây địa phương cho làm giấy tờ nhà, nhưng lúc đó khó khăn, không có tiền làm. Đến khi nhà nước có chủ trương giải tỏa thì không làm được. Chúng tôi mong muốn nhà nước làm sớm để người dân đi nơi khác sinh sống chứ hiện nay cứ thấp thỏm lo lắng”, ông Kiệt nói.
Mở rộng hành lang giải tỏa
Trong một buổi làm việc với Sở Xây dựng TP.HCM mới đây, ông Võ Văn Hoan, Phó chủ tịch UBND TP.HCM, thừa nhận chương trình di dời nhà trên và ven kênh rạch đến nay chưa đạt mục tiêu đề ra.
Theo ông Hoan, những căn nhà của người dân xây dựng trên kênh rạch do không có đất nên rất khó để bồi thường, chỉ có thể bồi thường những vật kiến trúc. Nhưng vật kiến trúc đa số cũng tạm bợ, chủ yếu là tôn mục, ván cũ. Do đó số tiền bồi thường cũng không nhiều. Nếu để dân cầm mấy chục triệu đồng tiền hỗ trợ, gia đình 2 - 3 thế hệ của họ sẽ ở đâu. Rất có thể người dân lại tìm một chỗ ở khác cũng ô nhiễm, cũng trên kênh rạch để tiếp tục lấn chiếm, cơi nới xây dựng nhà sinh sống vì họ không đủ tiền mua nhà.
“Do vậy, chính quyền chỉnh trang đô thị, TP thay hình đổi dạng thì người dân trên kênh rạch cũng phải được đổi đời”, ông Hoan khẳng định quan điểm của TP.
PGS-TS Nguyễn Minh Hòa, nguyên Trưởng khoa Đô thị học (Trường ĐH KHXH - NV TP.HCM), nhận xét muốn dứt điểm kiểm soát các hộ gia đình ven sông thì phải làm bằng được chương trình giải tỏa nhà ven sông, kênh, rạch. Tuy nhiên, đây đều là những dự án lớn, cần vốn “khủng”. Trong khi đó, trần nợ công cao, TP.HCM không thể vay thêm theo hình thức ODA. Doanh nghiệp tư nhân đầu tư nhà ở xã hội thì càng làm càng lỗ, chưa kể cũng không đủ tiềm lực để đảm đương các dự án quá lớn như vậy.
“Chỉ còn cách mở rộng hành lang giải tỏa ven sông, kênh, rạch để có quỹ đất thương mại. Đơn cử, anh dự tính giải tỏa hai bên con kênh đó mỗi bên 20 m thì bây giờ giải tỏa thêm vào 20 m nữa, số đất này đem đi đấu giá lấy tiền xây chung cư tái định cư cho người dân và thực hiện chỉnh trang kênh rạch. Muốn như vậy, TP phải có vốn mồi từ ngân sách để thực hiện giải phóng mặt bằng. Chính phủ cần hỗ trợ bằng cách tăng tỷ lệ điều tiết ngân sách về cho TP, tránh để TP tiếp tục vì thiếu tiền mà phải giật gấu vá vai, làm kiểu manh mún càng thêm tốn kém”, PGS-TS Nguyễn Minh Hòa kiến nghị.
Hà Mai
Thanh niên
|