Thứ Hai, 25/05/2020 18:20

Có để Kiểm toán Nhà nước kiểm toán toàn bộ dự án PPP?

Với dự án luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư dự kiến được Quốc hội thông qua tại kỳ họp này vẫn còn quan điểm khác nhau về việc Kiểm toán Nhà nước kiểm toán toàn bộ dự án, hay chỉ kiểm toán phần vốn công.

Thảo luận tại tổ về dự án luật này ở kỳ họp trước, Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc đã cho rằng phải kiểm toán dự án PPP như dự án đầu tư công. Ảnh: Ngọc Thắng

Theo điều 86 dự thảo luật hiện nay, Kiểm toán Nhà nước sẽ kiểm toán 3 nội dung trong giai đoạn nhà đầu tư thực hiện và vận hành dự án. Thứ nhất là kiểm toán tuân thủ về quá trình chuẩn bị dự án, kết quả lựa chọn nhà đầu tư đối với dự án PPP. Thứ hai là kiểm toán việc sử dụng vốn nhà nước để bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư, sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư BT... Thứ ba là kiểm toán hoạt động để đánh giá tính kinh tế, hiệu lực và hiệu quả trên cơ sở các chỉ số đánh giá chất lượng sản phẩm, dịch vụ của dự án PPP.

Kiểm toán Nhà nước chỉ kiểm tra toàn bộ giá trị của dự án PPP khi chuyển giao cho nhà nước.

Tuy nhiên, tại văn bản góp ý dự thảo luật gửi đến Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Kiểm toán Nhà nước cho rằng, quy định này chưa phù hợp với Hiến pháp và luật Kiểm toán Nhà nước, vì dự thảo điều 86 “xác định nội dung (loại hình) kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước”, trong khi Hiến pháp quy định “Kiểm toán Nhà nước hoạt động độc lập và chỉ tuân theo pháp luật” và luật Kiểm toán Nhà nước giao quyền cho tổng Kiểm toán nhà nước quyết định về loại hình (nội dung) kiểm toán theo yêu cầu của từng cuộc kiểm toán.

Kiểm toán Nhà nước cũng cho rằng, quy định như dự thảo sẽ khiến cơ quan này phải tiến hành đến 4 cuộc kiểm toán trong 1 dự án PPP. Quy định này cũng sẽ “không thể đánh giá được toàn diện quá trình thực hiện dự án, đặc biệt là không đánh giá được việc chấp hành pháp luật của nhà nước, nhà đầu tư trong quá trình thực hiện dự án, không xác định được giá trị thực tế của công trình, cũng như tính kinh tế, hiệu quả của dự án và làm cơ sở cho việc đánh giá chất lượng sản phẩm, dịch vụ của dự án PPP (tương ứng với chi phí thực tế), đồng thời làm cơ sở cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt quyết toán dự án đầu tư.

Cũng theo Kiểm toán Nhà nước, nếu chỉ thực hiện kiểm toán giá trị tài sản của dự án PPP tại thời điểm chuyển giao cho nhà nước (nhiều năm sau khi kết thúc quá trình đầu tư) sẽ khó khăn trong khắc phục các sai sót, vi phạm xảy ra trong quá trình đầu tư, làm hạn chế hiệu quả phòng, chống tham nhũng.

Trong khi đó, việc xác định chi phí đầu tư sau khi kết thúc quá trình đầu tư là căn cứ quan trọng để xác định mức thu phí, thời gian thu phí hoặc làm cơ sở để xác định nghĩa vụ thanh toán của nhà nước cho dự án.

Tại văn bản góp ý này, Kiểm toán Nhà nước vẫn giữ quan điểm dự án PPP do nhà nước quyết định chủ trương đầu tư là hình thức đầu tư công, thuộc đối tượng kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước. Chi phí đầu tư là cơ sở để nhà nước trả cho nhà đầu tư theo các hình thức, nên phải được kiểm toán.

Thêm vào đó, theo Kiểm toán Nhà nước, kết quả kiểm toán trên thực tế thời gian qua cho thấy nhiều dự án PPP tiềm ẩn rủi ro, thất thoát, lãng phí. Do đó, việc kiểm toán thời gian qua đã góp phần tăng cường tính minh bạch, hạn chế thất thoát, lãng phí, giảm bớt gánh nặng cho người dân, ngân sách nhà nước, doanh nghiệp và tạo niềm tin cho nhân dân.

Với các lập luận trên, Kiểm toán Nhà nước cho rằng phải sửa điều 86 thành “Kiểm toán Nhà nước thực hiện kiểm toán để đánh giá việc tuân thủ pháp luật, giá trị công trình và tính kinh tế, hiệu lực, hiệu quả dự án PPP làm cơ sở cho việc quyết toán vốn đầu tư và báo cáo, công khai kết quả kiểm toán theo quy định của luật Kiểm toán Nhà nước”.

Vũ Hân

Thanh niên

Các tin tức khác

>   Không chuyển cả 8 dự án cao tốc Bắc - Nam sang đầu tư công (25/05/2020)

>   Từ sân bay Long Thành nhìn lại quy mô các sân bay quốc tế khác (25/05/2020)

>   Đột phá từ thành phố phía đông (25/05/2020)

>   Điều chỉnh quy hoạch 3 khu vực ở Khu đô thị sáng tạo (25/05/2020)

>   Dự án chống ngập 10.000 tỉ tiếp tục lùi đích đến tháng 10 (23/05/2020)

>   'Đề nghị Đà Nẵng xử lý việc người Trung Quốc núp bóng lấy đất nhạy cảm' (23/05/2020)

>   'Vỡ' kế hoạch di dời 20.000 căn nhà ven kênh, rạch (23/05/2020)

>   TP Hồ Chí Minh tạo quỹ đất thu hút đầu tư vào khu công nghiệp (22/05/2020)

>   TP.HCM sẽ sống chung với nước? (22/05/2020)

>   Dự án đường sắt đô thị Nhổn – ga Hà Nội: Khó về đích do vướng mặt bằng? (22/05/2020)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật