Hai cựu Chủ tịch Đà Nẵng kêu oan
Ở phiên xét xử vụ án Phan Văn Anh Vũ thâu tóm công sản, hai cựu Chủ tịch TP.Đà Nẵng Trần Văn Minh và Văn Hữu Chiến đều kêu oan.
* Xét xử phúc thẩm cựu Chủ tịch Đà Nẵng cùng đồng phạm
* Cựu chủ tịch Đà Nẵng Trần Văn Minh lãnh 17 năm tù, Phan Văn Anh Vũ 25 năm tù
Các bị cáo có vai trò chính trong vụ án là: Trần Văn Minh, Văn Hữu Chiến, Phan Văn Anh Vũ đều kháng cáo kêu oan. Ảnh: Thái Sơn
|
Hàng loạt bị cáo trong vụ án “vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí vi phạm các quy định về quản lý đất đai” xảy ra tại TP.Đà Nẵng thay đổi kháng cáo, từ xin giảm nhẹ hình phạt sang kêu oan.
Ngày 4.5, HĐXX TAND cấp cao tại Hà Nội đã mở phiên xét xử theo trình tự phúc thẩm đối với 20 bị cáo trong vụ án vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí vi phạm các quy định về quản lý đất đai xảy ra tại TP.Đà Nẵng. Phiên tòa do thẩm phán Ngô Anh Dũng - Chánh tòa chuyên trách làm chủ tọa.
Các cựu lãnh đạo Đà Nẵng nộp thêm nhiều chứng cứ kháng cáo
Tại phiên tòa, bị cáo Trần Văn Minh, cựu Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng, khẳng định không rút kháng cáo mà nộp thêm nhiều chứng cứ để kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm đã tuyên với bị cáo. Bị cáo Văn Hữu Chiến, cựu Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng, cho biết đã nộp bổ sung kháng cáo, các chứng cứ và kêu oan cả 2 tội danh. Bị cáo Phan Văn Anh Vũ kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm vì cho rằng “bị cáo không phạm tội”.
Đáng chú ý, nhiều bị cáo đã đề nghị HĐXX cho bổ sung kháng cáo kêu oan. Trong đó, bị cáo Phan Xuân Ít, nguyên Phó chánh văn phòng UBND TP.Đà Nẵng, khi được HĐXX gọi hỏi đã nộp thêm các chứng cứ để xin giảm nhẹ hình phạt, ngay sau đó lại xin kháng cáo kêu oan. Bị cáo Nguyễn Thị Thu Hà, nguyên Phó giám đốc Sở Tài chính Đà Nẵng, trình bày đã kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt và 2 lần gửi đơn trình bày không có hành vi tham mưu hay giúp sức như kết luận của cấp sơ thẩm; đồng thời xin giảm miễn trách nhiệm dân sự. Sau khi được chủ tọa giải thích về quy định và trình tự xét xử phúc thẩm, bị cáo Hà đề nghị HĐXX xem xét theo hướng kêu oan.
Tại tòa, nhiều bị cáo khác, như: Nguyễn Điểu, nguyên Giám đốc Sở TN-MT TP.Đà Nẵng; Nguyễn Thanh Sang, nguyên Phó giám đốc Sở Tài chính Đà Nẵng; Nguyễn Đình Thống, nguyên Giám đốc Công ty quản lý và khai thác đất Đà Nẵng, cùng khẳng định không chấp nhận hình phạt tại bản án sơ thẩm mà kháng cáo kêu oan.
Nhiều bị cáo trong vụ án cũng đề nghị xem xét kháng cáo theo hướng giảm nhẹ hình phạt. Trong đó, bị cáo Huỳnh Tấn Lộc, nguyên Giám đốc Công ty CP công nghệ phẩm Đà Nẵng, cho biết đã có đơn xin nhận kỷ luật hành chính và cải tạo không giam giữ tại địa phương; các bị cáo: Lê Anh Tuấn - Chủ tịch HĐQT Công ty CP cung ứng tàu biển Đà Nẵng; Đào Tấn Bằng, nguyên Phó chánh văn phòng UBND TP.Đà Nẵng, xin được miễn trách nhiệm hình sự…
Đề nghị triệu tập chủ tịch đương nhiệm, tiền nhiệm
Trước đó, trong phần thẩm tra căn cước tại tòa, bị cáo Phan Văn Anh Vũ đề nghị HĐXX không sử dụng các tên gọi khác là: Lê Văn Sáu và Trần Đại Vũ vì không liên quan đến vụ án này. Theo bị cáo, đây là những cái tên thuộc “mật danh” của bị cáo trong quá trình làm nhiệm vụ tình báo và đã xét xử trong một vụ án khác.
Bị cáo Vũ cũng khẳng định không bị bắt theo lệnh truy nã như lý lịch đã ghi. Trong phiên tòa trước, bị cáo này khẳng định khi ở Singapore và xem ti vi thấy bị khởi tố nên chủ động về nước.
Bị cáo Trần Văn Minh đề nghị mời thêm ông Hoàng Tuấn Anh, nguyên Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng và ông Huỳnh Đức Thơ, đương kim Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng, nhằm làm rõ việc chuyển mục đích sử dụng đất; trách nhiệm trong việc quản lý sử dụng đất không đúng mục đích tại đơn vị bình phong của Bộ Công an. Ông Minh cũng đề nghị mời đại diện của Bộ Công an để làm rõ trách nhiệm trong thi hành pháp lệnh tình báo và giải thích văn bản của Thứ trưởng Bộ Công an gửi cho ông về việc cho công ty bình phong mua đất công. Tuy nhiên, chủ tọa nói, “nếu cần thiết sẽ triệu tập thêm người tham gia phiên tòa”.
Theo bản án sơ thẩm hồi tháng 1.2020, trong thời gian 2006 - 2014, bị cáo Trần Văn Minh, Văn Hữu Chiến là những người đứng đầu, có trách nhiệm trong chỉ đạo quản lý, sử dụng tài sản nhà nước, quản lý đất đai trên địa bàn TP.Đà Nẵng. Tuy nhiên, các bị cáo Minh, Chiến đã có hành vi cố ý làm trái các quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước, các quy định về quản lý đất đai, như: đồng ý chủ trương, ký ban hành nhiều văn bản và chỉ đạo cấp dưới thực hiện việc giao đất, thu hồi, cho thuê, chuyển quyền sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng đất và chuyển nhượng nhà, đất công sản trên địa bàn TP.Đà Nẵng; giảm giá, giảm hệ số sinh lợi, chuyển đổi tên người nhận quyền sử dụng đất trái quy định pháp luật đối với nhiều nhà, đất công sản và các dự án đầu tư xây dựng để tạo điều kiện thuận lợi cho bị cáo Phan Văn Anh Vũ trục lợi cá nhân trong việc mua bán, chuyển nhượng các nhà đất công sản và các dự án này.
HĐXX cấp sơ thẩm cũng xác định, bị cáo Trần Văn Minh là người giữ vai trò chính khi ban hành các chủ trương, chính sách trái pháp luật; trực tiếp quyết định trong việc chuyển nhượng, giao dự án và bán nhà, đất công sản của TP.Đà Nẵng. Bị cáo Minh đã chỉ đạo các bị cáo khác dưới quyền trong quá trình thực hiện việc phạm tội và trực tiếp cùng các bị cáo khác thực hiện hành vi phạm tội. Các bị cáo trong vụ án đã gây thiệt hại cho nhà nước hơn 22.000 tỉ đồng.
Thái Sơn
Thanh niên
|