Giống như nhiều người chơi chứng khoán, tôi luôn muốn có ngày đến thị trường chứng khoán New York cho biết. Rồi mong ước này đã được thực hiện.
Nhà điêu khắc Arturo Di Modica (bên phải) đang xem việc làm tượng “Bò húc”. Nguồn: chargingbull.com
|
Đó là một sáng trời còn buốt giá ở thành phố New York sôi động, không biết ngủ là gì - nhưng giờ lại vắng hoe, theo lời một người thân ở đó, vì đại dịch Covid-19.
Khi đến trước cổng vào cái thị trường chứng khoán được cho là lớn nhất thế giới này, thật quá đỗi ngạc nhiên, khác xa với trí tưởng tượng về tầm vóc của thị trường. Tòa nhà - nơi thường thấy trong phim ảnh với đầy máy tính nhấp nháy những con số, biểu đồ, đầy người giơ tay chỉ trỏ mua bán - lại quá nhỏ, bề ngang chỉ 10 mét hoặc hơn một chút. Và nó lại còn bị kẹp giữa hai tòa nhà với bề ngang cũng khoảng 10 mét nhưng cao gần gấp đôi.
Chỉ có thể ngắm “bò”
Trước sự kiện ngày 11-9-2001, khi tòa nhà World Trade Center bị máy bay do không tặc khống chế đâm vào, khách du lịch có thể vào xem cảnh mua bán bên trong thị trường; sau đó thì không.
Ở ngoài vẫn có cái để nhìn ngắm, mà lại hấp dẫn do những câu chuyện liên quan. Đó là con bò trong tư thế húc tới trước, to lớn, bằng đồng, nặng 3.200 ki lô gam, chiều cao 3,4 mét, chiều dài 4,9 mét, tên “Charging Bull”, đứng tại công viên nhỏ Bowling Green nằm giữa hai con đường nhập vào, ngang với số nhà 26 của Broad Street.
Arturo Di Modica, nhà điêu khắc sáng tác con bò, cho biết đây là một con bò đực đang sẵn sàng lao vút tới, húc tung mọi rào cản.
Trước đó, vào năm 1973, từ Ý, Arturo Di Modica nhảy lên tàu biển đến New York; tới nơi thì hầu như không còn lấy một xu dính túi. Rồi ông dần gầy dựng danh tiếng, trở thành một nhà điêu khắc nổi tiếng, kiếm ra nhiều tiền. Bởi thế, ông thấy mình như mắc nợ nước Mỹ, đặc biệt là thành phố New York, nên đã sáng tác “Bò húc” - và mướn đúc hết cỡ 350.000 đô la Mỹ bằng tiền riêng - để tặng cho thành phố này.
Thật ra, Arturo Di Modica cũng kiếm được tiền nhờ đúc thêm một số phiên bản của “Bò húc”; có con cao 1,8 mét được mua với giá... 405.000 đô la Mỹ.
Việc đặt “Bò húc” trước cửa thị trường chứng khoán New York được thành lập từ năm 1817 - nhưng có gốc gác từ năm 1792 - cũng hết sức ly kỳ, theo trang mạng Investopedia. Không cứ hễ quà tặng là muốn để đâu cũng được.
Vào đầu giờ sáng thứ Sáu, ngày 15-12-1989, Arturo Di Modica cùng một vài người bạn đưa con bò xuống Broad Street, trước cửa thị trường chứng khoán New York. Nhiều đêm trước đó, ông đã đến đây, dùng đồng hồ bấm giờ để kiểm tra, và nhận thấy, cứ mỗi 5-6 phút, cảnh sát sẽ lại đi tuần ngang qua đó. Vì thế, ông biết chỉ được “thả” bò xuống xe, đưa vào đặt tại công viên chỉ trong vòng 4 phút rưỡi.
Nhưng vào buổi sáng hôm ấy, Arturo Di Modica cùng bạn mình phát hiện ra rằng có một cây thông Noel thiệt lớn, cao hơn 12 mét đã được dựng lên tại vị trí đó rồi. Ngay tức khắc, nhà điêu khắc đã quyết định đặt “Bò húc” dưới gốc cây thông. Ngày hôm sau - hồi đó chưa có Internet và mạng xã hội kiểu Facebook - tin tức mới được loan ra về “món quà” bí ẩn này.
Tác phẩm điêu khắc trên đã bị chở đi vào cuối ngày thứ Sáu. Nhưng rồi nhờ ông Henry Stern, phụ trách công viên; ông Ed Koch, Thị trưởng New York; và ông Arturo Piccolo, Chủ tịch Hiệp hội Bowling Green, “Bò húc” được quay lại, đến một chỗ gần đó, cũng trong công viên Bowling Green.
Chỗ “Bò húc” thường rất đông, khó mà vào được tận nơi để sờ sừng hoặc bi bò, nếu không đủ thời gian. Nguồn: unsplash.com
|
Húc cho thị trường tăng
Hãy tiếp tục quay ngược lại với thời gian để hiểu tại sao con bò lại đứng với cái tư thế húc tới như thế.
Vào ngày “thứ Hai đen tối” - ngày 19-10-1987, thị trường chứng khoán Mỹ bị sụp đổ. Những lệnh bán được lập trình sẵn đã được kích hoạt ào ạt khiến giá cổ phiếu rơi theo chiều thẳng đứng. Chỉ số Dow Jones mất ngay 508,32 điểm, tức 22,6%, so với ngày hôm trước; 500 tỉ đô la Mỹ biến mất - mức sụt giảm lớn nhất trong một ngày kể từ khi thị trường chứng khoán New York ra đời. Thị trường ở nhiều nước khác cũng bị tác động, sụp đổ theo.
Trước đó, thị trường chứng khoán New York liên tục tăng điểm đến cả gần chục năm liền bởi nền kinh tế Mỹ đã thoát khỏi suy thoái. Tổng thống Mỹ thời đó - ông Ronald Reagan - đã cho thực hiện một số chính sách ủng hộ doanh nghiệp. Nhưng rồi thâm hụt thương mại tăng quá cao, khiến “đồng bạc xanh” từ từ giảm giá; Quốc hội Mỹ đã bàn đến việc tăng thuế doanh nghiệp.
Hơn nữa, lúc ấy, Iran tấn công hai tàu chở dầu đang rời Kuwait. Và nước Anh thì bị tê liệt do bão cực kỳ lớn; thị trường chứng khoán London phải đóng cửa ngay vào cuối tuần trước “thứ Hai đen tối” ở Mỹ...
Thế là chuyện hoảng loạn, gây sụp đổ thị trường chứng khoán New York cùng các thị trường chứng khoán khác đã diễn ra.
Nhưng theo nhà điêu khắc Arturo Di Modica, tư thế con bò của ông hàm ý rồi ra thị trường chứng khoán sẽ lại tăng trưởng mạnh mẽ.
Quả thật, sau đó thị trường chứng khoán New York đã phục hồi - một cách mạnh mẽ, kéo theo sự tăng trưởng của những thị trường chứng khoán khác.
Đương nhiên, chẳng phải nhờ con bò húc!
Gần đây, ngay khi đại dịch Covid-19 diễn ra ở Mỹ, thị trường chứng khoán New York đã lao dốc, trong những ngày hoảng loạn ban đầu, rồi cũng phục hồi lại.
Đương nhiên, chẳng phải nhờ con bò húc!
Sờ cho hên và thăng tiến
Đối với một số cá nhân, đặc biệt là người châu Á - như tôi từng thấy - lại có niềm tin vào con bò húc. Một cách khác.
Theo một niềm tin mơ hồ nào đó, dường như một số người cho rằng sờ sừng bò trước cửa thị trường chứng khoán New York sẽ được thăng tiến trong công việc; sờ “bi” bò thì sẽ được hên về tài chính! Bởi thế, không thiếu những người đến đây, sắp hàng để... sờ.
Toàn thân con bò đã hơi ngả màu đen đen, nhưng đầu hai sừng cùng hai hòn bi của nó lại bóng lưỡng, ánh lên màu đồng.
Thật ra, tôi đã tới đây hai lần. Lần đầu tiên, do đi tour liên thành phố, nên ít thời gian. Tới chỗ “Bò húc” thì thấy đã khá đông người bu vào đó chụp hình. Đứng không xa con bò huyền thoại, mà đành chịu, chẳng được tấm hình nào ra hồn.
Chỉ đến lần thứ hai, cũng đi tour, nhưng là tour riêng về tài chính với điểm hẹn “Bò húc”, đến trước hơn cả tiếng đồng hồ, mới canh chụp hình (được); sờ... bi bò (cũng được luôn)!
Và giờ thì những cổ phiếu đang nắm giữ đều lên giá hết. Có phải do sờ bi bò năm xưa?
Nhưng, từ ba tháng nay, hẳn không ai lui tới nơi này được do lệnh “giãn cách xã hội” của chính quyền New York, chắc sừng và bi bò đã bớt bóng loáng. Lệnh đó nhằm bảo vệ dân khỏi con virus corona chủng mới, mà nếu kéo dài vài tháng nữa, bi và sừng sẽ ngả màu đen đen như toàn thân con bò là cái chắc!
Thêm một chút thông tin thời sự về Thị trường chứng khoán New York.
Nếu như “Bò húc” từng bị dỡ mang đi (và hồi tháng 11-2019, chính quyền thành phố cũng có ý định đưa nó đi chỗ khác vì lý do an ninh, nhưng rồi lại thôi vì bị phản đối), thị trường chứng khoán New York cũng từng phải đóng cửa dài ngày. Ngay những ngày đầu đại dịch Covid-19 ở Mỹ, từ 23-3 năm nay, do có hai nhân viên giao dịch dính Covid-19. Vậy nên không tổ chức giao dịch tại chỗ được nữa, mà chỉ qua các phương tiện điện tử.
Theo tờ Wall Street Journal, đã có kế hoạch mở cửa lại thị trường từng phần vào ngày 26-5-2020. Nhưng người ra vào đều phải đeo khẩu trang và kiểm tra thân nhiệt.