Con trai Warren Buffett không hối tiếc khi đã tiêu hết 90,000 USD cổ phiếu Berkshire nhận được năm 19 tuổi
Hiện tại giá trị của số cổ phiếu này đã lên tới 200 triệu USD
Khi mới tròn 19 tuổi vào năm 1977, con trai của tỷ phú Warren Buffett – Peter Buffett – đã nhận được khoản tài sản thừa kế từ số tiền bán trang trại của ông nội và đã được cha anh chuyển đổi thành cổ phiếu Berkshire Hathaway trị giá 90,000 USD.
“Mọi người đều cho rằng tôi không nên hòi hỏi gì hơn nữa,” Peter Buffett đã viết trong cuốn hồi ký năm 2010 có tên “Life Is What You Make It” (tạm dịch: Tạo dựng cuộc sống của chính mình). Được biết, Peter là một nhạc sĩ từng giành giải Emmy và cũng là một nhà từ thiện. (Mặc dù anh và các anh chị em của mình đều đã được cha – tỷ phú Warren Buffett – cho một khoản tiền khá lớn để làm từ thiện, nhưng 90,000 USD là tài sản thừa kế duy nhất mà Peter nhận được để sử dụng cho mục đích cá nhân, ông cho biết trong một cuộc phỏng vấn của NPR).
Warren Buffett và con trai là Peter Buffett
|
Vậy một thiếu niên đang học đại học đã làm gì với tất cả số tiền đó? Tậu một chiếc xe ưa thích hay sở hữu một căn hộ bên bờ biển? Du lịch vòng quanh thế giới bằng máy bay trên những chiếc ghế hạng nhất?
Tuy nhiên, con trai út của nhà Buffett lại cho biết: “Tôi có được lợi thế là nhìn thấy hai anh chị của mình đã tiêu sạch phần lớn lượng tiền mặt của họ khá nhanh. Tôi không muốn mình đi vào vết xe đổ này”.
Peter Buffett tìm thấy tiếng gọi của đời mình như thế nào?
Ngay sau khi nhận được tiền thừa kế, Peter Buffett đã nhanh chóng quyết định theo đuổi giấc mơ trở thành nhạc sỹ. Do đó, anh đã bán toàn bộ cổ phiếu và sử dụng số tiền này để “mua lượng thời gian cần thiết để tìm hiểu xem liệu tôi có thể thực sự dấn thân vào lĩnh vực âm nhạc hay không”, anh viết trong hồi ký.
Việc đầu tiên mà Peter làm là bỏ học tại Đại học Stanford. Mặc dù thừa nhận là mình không hề biết một chút gì về việc làm thế nào để trở thành một nhạc sỹ chuyên nghiệp, nhưng Peter nhận ra rằng sẽ không thành công nếu cứ áp dụng tất cả những nguyên tắc và kiến thức thông thường”.
Do đó, Peter đã lên kế hoạch ngân sách và chuyển đến sống “rất cần kiệm” ở một studio nhỏ tại San Francisco. Sự phung phí duy nhất của anh ấy chính là “cập nhật và phát triển các thiết bị ghi âm”, Peter hồi tưởng.
Peter đã làm việc cật lực để hoàn thiện tay nghề, vừa là một nghệ sĩ piano vừa là một nhà sản xuất âm nhạc. Anh đã bắt tay vào viết giai điệu và tiến hành thử nghiệm âm thanh cũng như kỹ thuật thu âm. Anh cũng đăng tin quảng cáo rao vặt trên tờ San Francisco Chronicle. Ngoài ra, anh còn thử nhận một công việc không lương.
Cuối cùng, Peter đã đạt được thành công trong sự nghiệp âm nhạc như mình mong muốn. Tuy nhiên, bước ngoặt của Peter không liên quan gì đến người cha nổi tiếng của anh mà bắt đầu vào một ngày nọ, khi anh đang rửa “chiếc xe cũ nát” của mình thì một người hàng xóm mà anh thường thấy (nhưng hầu như không biết gì về người này) đã dừng lại và hỏi anh làm gì để kiếm sống.
“Tôi đã cho anh ấy biết rằng tôi là một nhà soạn nhạc đang khó khăn”, Peter nhớ lại trong hồi ký. Người hàng xóm này đã giới thiệu Peter với con rể của anh ta, một họa sỹ hoạt hình đang cần những giai điệu quảng cáo cho một kênh truyền hình mới ra đời. Kênh truyền hình này sau đó đã trở thành một hiện tượng văn hóa của thập niên 1980 với tên gọi MTV.
Ở độ tuổi 62, Peter đã phát hành hơn hàng chục album phòng thu, chủ yếu là dòng nhạc thời đại mới và ambient (thể loại nhạc liên quan đến môi trường xung quanh). Ông cũng viết nhạc nền cho bộ phim Viễn Tây được giới phê bình đánh giá khá cao là “Khiêu vũ với bầy sói”.
Tại sao thời gian có thể là khoản đầu tư lớn nhất?
Nhìn lại hành trình đã qua, Peter cho rằng anh có thể đã chọn một con đường khác: Tốt nghiệp đại học và tìm một công việc ổn định, lương cao – có lẽ là tại công ty của cha anh – và không đụng đến khoản tài sản thừa kế bằng cổ phiếu để tích lũy giá trị. (Theo tính toán của CNBC, tại ngày 06/05/2020, 90,000 USD cổ phiếu Berkshire Hathaway trong năm 1977 hiện có giá trị hơn 200 triệu USD, tương ứng mức sinh lời hơn 250,000%.)
“Nhưng tôi đã không lựa chọn như vậy và không hề hối tiếc vì điều đó”, Peter viết. “Tôi đã sử dụng tiền thừa kế để mua một thứ còn quý giá hơn tiền: Đó là thời gian”. Và thời gian đó đã cho phép Peter tìm được thành công trong công việc mình yêu thích.
Ngay từ khi còn nhỏ, Peter đã học được một bài học rất quan trọng về đạo đức nghề nghiệp. Quan điểm nghề nghiệp mà cha anh đã dạy anh là không phải kiếm được càng nhiều tiền càng tốt (mà là đạo đức làm giàu, Peter giải thích). Thay vào đó, chính là làm điều mình yêu thích, điều khiến bạn cảm thấy hứng thú khi bước xuống giường mỗi sáng.
Sự khác biệt đó có thể không đúng trong trường hợp của Warren Buffett vì công việc mà ông yêu thích nhất – chính là đầu tư – là về tiền. Đó là một công việc mà nếu bạn làm tốt và làm với đam mê thì bạn sẽ trở nên rất giàu có. Nhưng Warren Buffett lại không bao giờ đầu tư vì tiền. Trên thực tế, ông khuyên giới trẻ ngày nay: “Hãy làm những việc cần làm nếu bạn muốn độc lập về mặt tài chính”.
Không chọn con đường bằng phẳng
Đa số chúng ta sẽ không có cơ hội để làm được như những gì Peter đã làm. “Tôi biết rõ rằng [khoản thừa kế của mình] nhiều hơn so với những gì mà hầu hết những người trẻ tuổi có được khi khởi nghiệp”, anh thừa nhận trong hồi ký. “Có được khoản tiền đó là một đặc ân, một món quà mà tôi chưa kiếm được”.
Nhưng điều mà Peter muốn nhấn mạnh là: “Có rất nhiều người cũng nhận được đặc ân như vậy, cả về tiền bạc lẫn tinh thần hay đại khái như tài năng hoặc cơ hội ‘có một không hai’. Tuy nhiên, họ không hiểu được giá trị của thời gian mà thay vào đó cố gắng chạy theo số phận của mình và kết quả là họ phải “làm những việc có thể phù hợp hoặc không phù hợp với mình, và cũng có thể hoặc không thể hoàn thành ước mơ của mình”.
“Nếu không có hàng trăm giờ làm việc không lương chỉ để loay hoay với các thiết bị ghi âm, tôi sẽ không bao giờ tìm được âm thanh hoặc phương án tốt nhất cho mình. Nhưng muốn làm được như vậy, cần phải có thời gian và sự kiên nhẫn”, anh viết.
“Trong những thời điểm khó khăn như vậy, tôi đã biết thêm về bản thân và sức chịu đựng của mình nhiều hơn so với nếu tôi có một đống tiền và sống một cách hời hợt”, Peter cho biết trong cuộc phỏng vấn với NPR. “Thành thật mà nói, tôi cảm thấy việc cha tôi không cho phép [để tôi có thể bước ra dễ dàng] là một hành động đầy tình yêu thương”, như thể cha muốn nói ‘Cha tin tưởng con, và con không cần sự giúp đỡ của cha’”.
Tuệ Nhiên (Theo CNBC)
FILI
|