Cần khắc phục chồng chéo, bất hợp lý trong lĩnh vực đất đai
Trong phiên thảo luận về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội sáng nay (22/5), nhiều ý kiến của đại biểu kiến nghị cần khắc phục tình trạng chồng chéo trong quản lý sử dụng đất đai và bày tỏ đồng tình với Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong việc quyết định đưa ra khỏi Chương trình năm 2020 dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai.
Các đại biểu dự kỳ họp - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
|
Theo đại biểu Vũ Tiến Lộc (đoàn Thái Bình), đất đai là tài nguyên lớn nhất cho sự phát triển, bất cứ công trình dự án nào cũng có yêu cầu tiếp cận đất đai, nhưng đây đang là khó khăn hàng đầu.
Luật Đất đai là luật nền tảng, rất quan trọng, vì vậy cần đẩy nhanh việc sửa đổi Luật. Mặc dù việc này rất nhạy cảm, khó khăn nhưng chúng ta phải đối đầu với thực tiễn và giải quyết khó khăn từ thực tiễn, đại biểu Quốc hội đoàn Thái Bình phân tích.
Ông Lộc cho biết VCCI đã có kiến nghị báo cáo với Quốc hội, Chính phủ về tình trạng chồng chéo trong hệ thống pháp luật hiện hành. Rà xét trong lĩnh vực đất đai, đầu tư, xây dựng, hiện đang có 25 điểm chồng chéo, bất hợp lý, không chỉ doanh nghiệp mà các địa phương cũng gặp vướng mắc.
“Chúng tôi hoan nghênh Chính phủ đã có Tổ công tác để rà soát chồng chéo. Đề nghị một trong những nhiệm vụ quan trọng của Chương trình luật, pháp lệnh là tập trung vào điểm chống chéo, bất cập này và đưa vào sửa đổi các luật”, ông Lộc nhấn mạnh
Ông Vũ Tiến Lộc đề nghị bổ sung vào chương trình từ cuối năm nay một luật sửa đổi nhiều luật liên quan đến môi trường đầu tư kinh doanh, nếu trong thực tiễn chứng tỏ có bất hợp lý thì cần tập trung giải quyết ngay chứ không chờ sửa đổi theo trình tự.
“Thời gian tới, trong Chương trình xây dựng luật cần bảo đảm khắc phục ngay từ đầu những điểm chồng chéo đó”, đại biểu Vũ Tiến Lộc kiến nghị.
Bày tỏ đồng tình về việc rút dự án Luật Đất đai, đại biểu Nguyễn Minh Sơn (đoàn Tiền Giang) cho rằng đó là bởi vì Luật năm 2013 được ban hành, tổng kết rất kỳ công, thông qua tại 3 kỳ họp.
Đại biểu Nguyễn Minh Sơn nêu ý kiến nên để nhiệm kỳ sau tổng kết toàn diện kết hợp với văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc năm 2021, lúc đó sẽ sửa toàn diện Luật Đất đai.
“Qua theo dõi nhiều nội dung, Luật Đất đai không vướng ở luật mà do triển khai trong thực tế. Cần phân định rõ từng cái, chỗ nào vướng do luật, chỗ nào vướng do triển khai”, ông Sơn kiến nghị.
Chia sẻ với ý kiến của đại biểu Nguyễn Minh Sơn, đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm (đoàn TPHCM) cho rằng nên rút Luật Đất đai vì khâu chuẩn bị chưa bảo đảm để trình Quốc hội.
Bà Nguyễn Thị quyết Tâm cho rằng thực thi Luật Đất đai còn phải bảo đảm đồng bộ với Luật Quy hoạch, Luật Xây dựng, đồng thời bày tỏ kỳ vọng sửa Luật Đất đai đồng bộ với các luật này để bớt chồng chéo, vướng mắc, khó khăn trong thực thi pháp luật.
Theo đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm, hiện nay quá nhiều bất cập, tại sao người dân ủng hộ quy hoạch nhưng khi thu hồi đất thì xảy ra tranh chấp, khiếu nại? Thực tế cho thấy có độ vênh giữa quy định của pháp luật và thực tiễn.
“Việc rút Luật Đất đai không có nghĩa là không cần thiết sửa luật hoặc không có bất cập”, đại biểu Quốc hội TPHCM nhấn mạnh.
Nhật Quang
FILI
|