Đề xuất giãn tiến độ nộp tiền sử dụng đất
Giãn nộp tiền sử dụng đất sẽ giúp người dân và doanh nghiệp dễ thở hơn trong bối cảnh khó khăn vì dịch Covid- 19 hiện nay.
* Tranh cãi về tiền sử dụng đất dự án nhà ở: Người đòi nộp sớm, kẻ muốn… từ từ
* Hàng ngàn hộ nợ tiền sử dụng đất tính theo giá vàng được tháo gỡ
Tiền sử dụng đất đang là gánh nặng của người dân và doanh nghiệp trong đại dịch Covid-19. Ảnh: Đình Sơn
|
Mới đây, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) đề xuất giãn tiến độ nộp tiền sử dụng đất cho doanh nghiệp bất động sản và người dân để vượt qua khó khăn trong đại dịch Covid-19, đồng thời chuẩn bị các điều kiện cần thiết nhằm tái khởi động thị trường sau đại dịch.
Ngang với mua đất 2 lần
Đại diện Công ty QLC có dự án đang triển khai tại Q.2 (TP.HCM) cho biết số tiền sử dụng đất (TSDĐ) công ty phải đóng khoảng 1.700 tỉ đồng, chiếm khoảng 25% tổng vốn đầu tư. Thế nhưng đến thời điểm tính TSDĐ, dự án vẫn chưa có sổ đỏ nên không thể đi vay vốn từ ngân hàng mà phải bỏ tiền túi, kể cả tiền mua đất. Ngay sau khi có thông báo nộp TSDĐ, trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày ký thông báo của cơ quan thuế, doanh nghiệp (DN) phải nộp 50% TSDĐ, trong vòng 60 ngày tiếp theo phải nộp nốt phần còn lại. Nếu chậm, tiền chậm nộp theo mức bằng 0,03%/ngày tính trên số tiền chậm nộp. “Tuy nhiên, từ lúc nộp TSDĐ đến khi khởi công mất khoảng 1 - 2 năm và phải mất một thời gian khá dài nữa mới có thể mở bán. Trong thời gian này chi phí vốn đội lên khủng khiếp, khoảng 10%/năm. Chưa kể, trước khi nộp TSDĐ, DN phải bỏ một số tiền gấp nhiều lần để mua đất. Nên khi nộp xong TSDĐ rồi mà vẫn chưa thể xây dựng và thu tiền về thì đây là một gánh nặng rất lớn đối với DN”, ông này cho hay.
Khi thực hiện 1 dự án bất động sản, DN phần lớn phải tự thương lượng đền bù, mua đất của người dân với giá thị trường. Trong khi đó việc tính TSDĐ cũng theo giá thị trường, đồng nghĩa với việc DN phải mua cùng một khu đất 2 lần
|
Theo nhiều DN, khi thực hiện 1 dự án bất động sản, DN phần lớn phải tự thương lượng đền bù, mua đất của người dân với giá thị trường. Trong khi đó việc tính TSDĐ cũng theo giá thị trường, đồng nghĩa với việc DN phải mua cùng một khu đất 2 lần. Điều này đã đẩy giá nhà đất tăng cao và người mua nhà chịu thiệt.
Với người dân, gánh nặng TSDĐ cũng tương tự. Bà Đinh Thị Hiền ở xã Phước Kiển, H.Nhà Bè (TP.HCM), có 1.000 m2 đất và dự kiến cho 5 người con để các con ra ở riêng. Hiện nay theo quy định, trong số 1.000 m2 đất trên bà chỉ được đóng TSDĐ cho 300 m2 theo bảng giá đất trong hạn mức, 300 m2 tiếp theo tính TSDĐ theo hệ số K là 1,3 lần so với bảng giá đất và 400 m2 còn lại tính TSDĐ theo hệ số K là 1,9 lần bảng giá đất. “Giá đất đường Lê Văn Lương khoảng 3,4 triệu đồng/m2. Với giá đất này nhân với 700 m2, nhân với hệ số K nữa làm sao tôi có thể đóng nổi, trong khi tôi đang làm công nhân và các con tôi cũng chỉ làm những việc lao động chân tay”, bà Hiền cho hay.
Giảm gánh nặng cho người dân, DN
Theo ông Phan Viết Nuôi, đại điện Công ty Vạn Xuân, hiện nay sau khi có quyết định chuyển mục đích sử dụng đất (quyết định giao đất) thì chủ đầu tư phải liên hệ Sở Tài nguyên - Môi trường (TN-MT) để bắt đầu quá trình xác định TSDĐ, tính toán số tiền phải đóng. Nếu dưới 30 tỉ đồng thì hồ sơ sẽ được chuyển cho Cục Thuế để tính toán và ra thông báo thuế. Trường hợp trên 30 tỉ đồng thì Sở sẽ chọn đơn vị định giá và đơn vị thẩm định giá sẽ tính toán tiền nghĩa vụ tài chính, sau khi có chứng thư sẽ phải được Hội đồng Thẩm định giá TP phê duyệt. Đây là công đoạn mất rất nhiều thời gian của DN. Trong bối cảnh doanh thu không có, lãi vay ngân hàng đè nặng, nếu được giãn đóng, cũng giúp các DN dễ thở hơn. “Ngoài ra TSDĐ là biến số, cách tính chưa thống nhất dẫn đến DN bị động trong tính toán đầu tư. Vì vậy, cần thiết phải minh bạch hóa cách tính để chủ đầu tư có cơ sở xác định ngay từ giai đoạn đầu tư”, ông Nuôi kiến nghị.
Lãnh đạo Phòng TN-MT H.Nhà Bè cho biết trước đây nhà nước có quy định cho người dân ghi nợ TSDĐ trong thời gian 5 năm. Tuy nhiên mới đây quy định này đã bị “cắt”, từ đó cũng gây ra một số khó khăn cho người dân, nhất là dân nghèo ở các quận, huyện ngoại thành. Do đó, trong lúc khó khăn này, nếu không có chính sách cho ghi nợ TSDĐ cũng cần có chính sách giãn tiến độ đóng TSDĐ để hỗ trợ người dân.
Trước thực trạng đó, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA, đã thay mặt các DN trong lĩnh vực bất động sản và người dân kiến nghị Chính phủ xem xét, chấp thuận cho giãn tiến độ nộp TSDĐ dự án đối với DN có số nợ tiền sử dụng đất phải nộp phát sinh trong các tháng 3 - 6.2020 (sau 90 ngày kể từ ngày có thông báo nộp TSDĐ) được giãn tiến độ 5 tháng, tương tự quy định giãn thuế của Nghị định 41. Đồng thời xem xét, chấp thuận cho cá nhân, hộ gia đình cũng được giãn tiến độ nộp TSDĐ 12 tháng khi hợp thức hóa quyền sở hữu nhà ở, quyền sử dụng đất ở để hỗ trợ người dân, DN trong lúc khó khăn hiện nay.
Đình Sơn
Thanh niên
|