Bất chấp Covid- 19, Mỹ tăng mạnh mua tôm từ Việt Nam
Dự báo xuất khẩu tôm năm nay có thể đạt khoảng 3,8 tỷ USD bởi nhiều cửa sáng sau dịch Covid-19.
* Ngành tôm vượt khó hướng tới mục tiêu 3,5 tỷ USD
Xuất khẩu tôm sẽ thuận lợi trong thời gian tới. Ảnh: Chí Nhân
|
Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) nhận định, trong khi xuất khẩu các mặt hàng như cá tra, cá ngừ, hải sản đều giảm, thì con tôm Việt Nam xuất khẩu quý đầu năm nay vẫn khả quan hơn khi tăng trưởng nhẹ trong bối cảnh dịch Covid vẫn còn phức tạp trên toàn thế giới. Nếu dịch Covid-19 được giải quyết cơ bản cuối quý 2/2020, thị trường thế giới mở cửa trở lại, tôm Việt Nam có thể tranh thủ tận dụng cơ hội thời kỳ hậu Covid-19.
Cụ thể, xuất khẩu tôm sang Mỹ tăng mạnh trong quý 1/2020 với trị giá 115,5 triệu USD, tăng 18,2% so với cùng kỳ năm trước. Dịch Covid-19 lây lan rộng ở Mỹ bắt đầu từ tháng 3.2020 khiến hoạt động nhập khẩu hàng hóa, trong đó có tôm vào thị trường này bị đình trệ. Đây là thị trường nhập khẩu lớn thứ 2 của tôm Việt Nam. Trong khi nguồn cung tôm từ Ấn Độ, Ecuador và Thái Lan đang giảm sút do lệnh phong tỏa quốc gia, khách hàng Mỹ quay sang mua tôm Việt Nam.
Theo ghi nhận, Ấn Độ và Ecuador vẫn còn tiếp tục bị ảnh hưởng và dự kiến giảm đáng kể, khoảng 50% sản lượng do gặp khó về lao động và con giống nhập khẩu. Các nước Thái Lan, Indonesia, Philippines tuy chịu ảnh hưởng nhẹ hơn nhưng dự kiến giảm lượng cung khoảng 30%. Đây là cơ hội cho tôm Việt Nam nếu kịp thời có những quyết sách tốt trong lúc này.
Theo VASEP, những dấu hiệu thuận lợi cũng bắt đầu xuất hiện ngày một rõ ràng hơn như nhu cầu tiêu thụ tôm thế giới vẫn có vì đây là thực phẩm thiết yếu, việc kiểm soát dịch Covid-19 ở Trung Quốc, Hàn Quốc đang có chiều hướng tốt hơn sẽ có thêm hy vọng cho người nuôi và nhà máy chế biến khi đầu ra phần nào được tháo gỡ. Bên cạnh đó, năm nay tôm Việt Nam có thuế xuất khẩu vào Mỹ bằng 0. Hay tại thị trường EU, Việt Nam có lợi thế ưu đãi từ Hiệp định EVFTA dự kiến có hiệu lực vào tháng 7 tới, đặc biệt đối với sản phẩm tôm có mức thuế mà Ấn Độ, Thái Lan hay các nước khác không có lợi thế cạnh tranh. Đồng thời, niềm tin của đối tác nhập khẩu thủy sản rất quan tâm tôm từ Việt Nam.
Dựa trên cơ sở đó, tôm Việt Nam có cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu trong giai đoạn tới với mục tiêu đạt kim ngạch lên 3,8 tỷ USD thay cho dự báo đạt 3,5 tỷ USD đưa ra trong quý 1/2020. Tuy nhiên, các yếu tố rủi ro tiềm ẩn vẫn còn, nên doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu và người nuôi tôm vẫn cần liên kết chặt chẽ để vượt qua khó khăn, nắm bắt thời cơ khi thị trường hồi phục.
An Yến
Thanh niên
|