Nông sản Việt mở rộng thị trường ngoài Trung Quốc
Việc chỉ tập trung vào một thị trường duy nhất là Trung Quốc khiến nhiều doanh nghiệp lao đao mỗi khi việc xuất khẩu sang thị trường này gặp khó.
Quả vải thiều của Việt Nam được xuất khẩu chủ yếu sang TQ. Ảnh: MINH SƠN
|
LTS: Đại dịch COVID-19 khiến nhiều quốc gia nhận diện rõ nguy cơ khi các chuỗi cung ứng của họ quá lệ thuộc vào Trung Quốc. Việt Nam cũng không là ngoại lệ khi hàng loạt doanh nghiệp bị đình trệ sản xuất vì thiếu nguyên liệu và tắc đầu ra, do vậy đã đến lúc tìm cách giảm lệ thuộc vào thị trường Trung Quốc.
Trung Quốc (TQ) là thị trường truyền thống, đồng thời cũng là thị trường tiêu thụ lớn nhất của ngành nông lâm thủy sản Việt Nam, nhất là xoài, nhãn, mận, chuối, thanh long, chanh leo… Tuy nhiên, việc chỉ chú tâm đến một thị trường duy nhất khiến nông sản Việt Nam khó thoát khỏi bị lệ thuộc và lúng túng mỗi khi thị trường này có các diễn biến mới bất lợi.
Thị trường Trung Quốc “hắt hơi”, nông sản Việt lao đao
Ngay từ sau tết Nguyên đán 2020, khi dịch COVID-19 lan rộng, TQ lập tức tạm đóng cửa biên giới. Hàng Việt xuất khẩu sang thị trường này gần như tê liệt, thực phẩm, nông sản ùn ứ. Có thời điểm hơn 2.000 xe chở nông sản ùn tắc tại cửa khẩu. Nông dân, doanh nghiệp (DN) Việt điêu đứng.
Liên tiếp sau đó, TQ cho mở cửa khẩu rồi lại tạm đóng, siết chặt… Điều này khiến DN Việt hoàn toàn bị động, thiệt hại rất lớn. Giá nông sản rớt thảm hại, như thanh long có thời điểm từ hơn 30.000 đồng/kg giảm còn 5.000 đồng/kg mà không có người mua.
Thật ra không phải đến đại dịch các nhà kinh doanh Việt Nam mới thấy rõ hậu quả của việc nông sản quá lệ thuộc vào TQ. Những năm gần đây, nông sản Việt liên tục rơi vào tình trạng ùn ứ, ách tắc tại cửa khẩu mỗi khi TQ ngừng thu mua, tạm đóng cửa khẩu, thay đổi quy định nhập khẩu...
Điển hình như mặt hàng gạo, thị trường này đang từ chỗ nhập hơn 3 triệu tấn gạo thì nay có lúc không nhập hoặc nhập rất ít. Một trong nguyên nhân chính là do chiến tranh thương mại Mỹ-Trung bùng nổ khiến hàng TQ bị tồn đọng nhiều, họ ưu tiên tiêu thụ trong nước dẫn đến nhu cầu nhập khẩu giảm mạnh. Bên cạnh đó, TQ siết chặt nhập khẩu tiểu ngạch và đưa ra nhiều chính sách mới về nhập khẩu hàng hóa. Hậu quả là gạo của Việt Nam bị ép giá, thu hẹp thị trường, thậm chí có lúc bí đầu ra.
Bà Ngô Tường Vy, Phó Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu, thừa nhận thị trường TQ chiếm đến 70% thị phần xuất khẩu của công ty. Từ sau tết Nguyên đán đến nay, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 khiến sức tiêu thụ tại TQ giảm, cộng với việc thông quan bị siết chặt khiến công ty bị ảnh hưởng không nhỏ. Trước đó, hồi năm ngoái, khi TQ siết chặt nhập khẩu tiểu ngạch, đẩy mạnh xuất khẩu chính ngạch thì công ty cũng bị ảnh hưởng.
“Thị trường TQ có sức tiêu thụ lớn, khoảng cách vị trí địa lý ngay cạnh Việt Nam nên vận chuyển dễ dàng. Tập quán và thói quen tiêu dùng nông sản cũng gần như tương đồng với nước ta nhưng việc quá tập trung vào một thị trường khiến chúng tôi phải nhìn lại và chuyển đổi thêm một số thị trường khác” - bà Vy nói.
Quả vải thiều của Việt Nam được xuất khẩu chủ yếu sang TQ. Ảnh: MINH SƠN
|
Bấp bênh và thất thường
Trường hợp như Công ty Chánh Thu không phải là cá biệt, bởi theo thống kê từ các cơ quan chức năng hiện nay có đến 70%-80% số đơn hàng nông sản phụ thuộc vào thị trường TQ. Công ty TNHH MTP Safari cho hay TQ là thị trường chính và gần như duy nhất của đơn vị. Do đó, khi việc xuất khẩu sang thị trường này gặp khó thì doanh thu của Safari cũng giảm theo.
“Có thời điểm tất cả kho lạnh của công ty đầy ứ thanh long vì tắc đường xuất khẩu sang TQ. Cứ thế nhiều ngày, chất lượng thanh long giảm dần, đến khi bán được thì không có lãi vì bị ép giá” - ông Nguyễn Minh Phương, Giám đốc Công ty Safari, Hội trưởng Hội DN và phát triển thanh long miền Tây, kể.
Trước sự bấp bênh và thất thường của thị trường TQ, nhiều bộ, ngành phải liên tục làm việc với phía TQ để giải cứu nông sản và gỡ khó cho DN. Điển hình như vào tháng 3 năm nay, Bộ NN&PTNT phải soạn văn bản gửi các bộ, UBND các tỉnh đề nghị tháo gỡ khó khăn trong việc nhập khẩu giống tằm để phục vụ kịp thời cho ngành dâu tằm tơ Việt Nam.
Lý do là sản xuất tơ tằm ở Tây Nguyên gặp khó vì không nhập khẩu được giống tằm lưỡng hệ kén trắng từ TQ do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Loại giống tằm này Việt Nam mới chủ động sản xuất được 10%, còn lại 90% là phải nhập từ TQ.
Đẩy mạnh đa dạng hóa thị trường
Từ đầu năm 2020, hàng hóa nông sản Việt Nam xuất khẩu sang thị trường TQ bị đình trệ, Bộ NN&PTNT, Bộ Công Thương chỉ đạo các đơn vị liên quan phối hợp với các thương vụ, đại sứ quán Việt Nam tại các nước trên thế giới triển khai nhiều giải pháp. Qua đó nhằm phát triển thị trường tại các địa bàn trọng điểm, tiềm năng và thị trường ngách, tạo sự đột phá trong đa dạng hóa thị trường thay vì chỉ tập trung vào TQ. Đơn cử như thị trường Dubai, Mỹ, Nga, Brazil, Nhật Bản, Úc, Hàn Quốc…
|
Trả giá đắt vì sự dễ dãi
Ông Nguyễn Tất Quyền, Giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu nông sản Rạng Đông, đánh giá thị trường TQ hấp dẫn đối với hàng nông sản Việt Nam. Bởi đây là thị trường dễ tính, tiêu thụ được hầu hết mặt hàng nông sản của nước ta. Tuy nhiên, chính vì sự dễ tính, dễ dãi đó nên trong nhiều năm, nông dân sản xuất theo kiểu xuề xòa, chưa chú trọng đến chất lượng để đáp ứng các tiêu chuẩn cao hơn. Hệ quả là khi thị trường TQ bị tắc, nhiều nông sản muốn tìm kiếm các thị trường mới cũng gặp khó vì không đáp ứng tiêu chuẩn.
“Thị trường TQ rất gần, có thể đi được bằng mọi phương tiện như đường bộ, đường biển. Các thị trường khác như Mỹ, EU, Ấn Độ, Nhật Bản... phải đi máy bay, đường biển vận chuyển rất xa và cước phí đắt. Quan trọng nhất là khâu bảo quản nông sản, vì xa như thế nên nhiều khi đến nơi mở hàng ra nông sản đã hỏng rồi. Thanh long để kho lạnh kéo dài được 20 ngày, còn mít hay sầu riêng ra cửa khẩu mà bị kéo dài thông quan 10 ngày thì hỏng hết” - ông Quyền nói.
Để tận dụng được thị trường TQ, đồng thời tránh tình trạng bị phụ thuộc mỗi khi việc xuất khẩu sang thị trường này gặp khó, ông Quyền cho rằng các nhà vườn, thương lái, kho vựa phải nắm thông tin thật tốt. Đơn cử như trong tháng 5 này là mùa vụ thu hoạch nhiều loại trái cây của TQ thì các nhà vườn đừng để trái nhiều. Đến tháng 7, khí hậu TQ lạnh hơn thì có thể tăng cường xuất khẩu mít, sầu riêng…, như thế mới có lời.
Đồng quan điểm, ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, cũng cho rằng để giảm bớt phụ thuộc vào thị trường TQ thì nông sản Việt cần đẩy mạnh sản xuất theo hướng chất lượng, an toàn. Cạnh đó đẩy mạnh công nghệ bảo quản sau thu hoạch, đẩy mạnh logistics..., như vậy mới đi được đường dài đến các thị trường xa hơn, giảm bớt phụ thuộc vào thị trường TQ.
“Điều cốt yếu là nông sản Việt phải đáp ứng mọi tiêu chuẩn khắt khe của các thị trường khó tính như Mỹ, Nhật, Đức... Như vậy, cùng với công nghệ chế biến, hệ thống kho lạnh thì không lo cảnh được mùa rớt giá, hay bị lệ thuộc vào bất cứ thị trường nào” - ông Nguyên nhấn mạnh.
Thủy sản không còn lệ thuộc vào Trung Quốc
Ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam, đánh giá chuỗi cung ứng vật tư và nuôi trồng, chế biến của thủy sản nước ta hầu như không còn bị lệ thuộc vào thị trường TQ. Các mặt hàng như thuốc, hóa chất, bao bì vật tư… phục vụ cho nuôi trồng thủy sản và chế biến phát triển tại Việt Nam tạo điều kiện cho các DN chủ động hơn trong sản xuất.
Xe chở nông sản Việt liên tục rơi vào tình trạng ách tắc tại cửa khẩu với TQ. Ảnh: AH
|
“Ngoài ra, qua dịch COVID-19, các nhà đầu tư thế giới đang có xu hướng dịch chuyển sản xuất từ TQ sang các nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam. Đây cũng là một cơ hội để kinh tế Việt Nam, trong đó có ngành thủy sản phát triển mạnh mẽ trở lại” - ông Hòe cho biết.
Đồng quan điểm, nhiều chuyên gia cho rằng từ khi chiến tranh thương mại giữa Mỹ-Trung bùng nổ, nhiều DN đã chuyển hoạt động sản xuất ra khỏi TQ. Nay dịch bệnh COVID-19 thúc đẩy quá trình này diễn ra nhanh hơn và đây cũng là cơ hội cho Việt Nam nếu biết tận dụng.
AN HIỀN
Pháp luật TPHCM
|