Giá heo hơi giảm nhẹ, giá bán lẻ thịt heo vẫn tăng
Giá heo cao từ cuối năm 2019 và dịch COVID-19 ảnh hưởng kép lên sức mua người dân, khiến nhu cầu tiêu thụ thịt heo giảm từ 20% đến 35% so với cùng kỳ.
Người tiêu dùng mua thịt heo tại siêu thị. Ảnh: TÚ UYÊN
|
Ngày 3-5, ghi nhận tại một số chợ lẻ, giá thịt heo vẫn còn ở mức khá cao.
Bà Nhi (tiểu thương chợ Gò Vấp, TP.HCM) cho biết ngày 3-5, giá heo mảnh mua từ Công ty CP Việt Nam là 100.000 đồng/kg, giảm 2.000 đồng so với ba ngày trước.
Tuy nhiên, giá bán lẻ các loại vẫn đang ở mức khá cao, nhất là hai loại được nhiều người tiêu dùng chọn mua như thịt ba rọi 180.000-200.000 đồng/kg; ba rọi rút sườn, sườn non 200.000-220.000 đồng/kg. Thịt đùi không biến động 140.000-150.000 đồng/kg; xương, giò 130.000 đồng/kg...
Trong khi đó, ông Bình (thương lái mua heo từ Công ty CP Việt Nam) cho biết giá heo hơi mua từ công ty này vẫn đúng giá 70.000 đồng/kg. Sản lượng heo mua cũng bị hạn chế và Công ty CP có bán heo mảnh sẵn, nhưng vì mối hàng thường quen heo đẹp nên vẫn phải mua heo hơi từ trại bên ngoài để bán.
Ông Bình nói: “Giá heo hơi từ một số trại bên ngoài giảm nhẹ còn khoảng 88.000-90.000 đồng/kg. Tuy nhiên, giá heo mảnh hôm nay bán vào chợ đầu mối được giá cao, heo đẹp 120.000-122.000 đồng/kg chứ mấy hôm trước 105.000-110.000 đồng/kg”.
Đại diện chợ đầu mối Hóc Môn cho biết trong hai ngày qua, lượng heo về chợ 3.000-3.100 con/ngày. Giá heo hơi vẫn 70.000 đồng/kg, giá heo mảnh ngày 1-5 là 105.000 đồng/kg; ngày 2-5 tăng 5.000 đồng, lên 110.000 đồng/kg...
Người tiêu dùng mua thịt heo tại siêu thị. Ảnh: TÚ UYÊN
|
Vì sao giá bán lẻ thịt heo vẫn tăng mà không giảm theo giá heo hơi?
Ông Quách Phong, Giám đốc bộ phận tư vấn Công ty tư vấn Ipsos Business Consulting, cho biết hiện nay heo hơi trên thị trường mua bán theo kiểu “mua đứt bán đoạn”. Đa số các doanh nghiệp (DN) chăn nuôi lớn nếu thêm công đoạn giết mổ thì cũng chỉ đáp ứng công suất phần nào.
Heo hơi sau khi bán từ trại thường sẽ qua ba công đoạn là giết mổ, phân phối về chợ đầu mối, phân phối về chợ, kênh bán lẻ trước khi pha lóc và bán cho người tiêu dùng.
Theo ông Phong, một số chuỗi cung ứng của DN lớn được tổ chức bài bản có rút ngắn các công đoạn cũng chỉ đáp ứng được một phần nhỏ nhu cầu thị trường. Nếu DN lớn có giảm giá thì các DN chăn nuôi khác và nông hộ nhỏ có giảm giá hay không? Thứ hai, nếu heo hơi giảm giá thì các công đoạn sau bán heo hơi có nâng giá lên cao hay không?
“Việc giảm giá heo hơi cho dù có xảy ra cũng không có gì đảm bảo thịt heo bán lẻ giảm giá được. Muốn giảm giá heo hơi, cần nhiều giải pháp đồng bộ từ nguồn cung là các trang trại cho đến cả chuỗi cung ứng thịt heo nữa” - ông Phong nói.
Nguồn cung thịt heo thiếu được cho là nguyên nhân đẩy giá heo hơi tăng. Đồng thời, dịch COVID-19 có tác động tiêu cực đến thị trường thịt heo không?
Ông Phong cho rằng thị trường đang chịu tác động kép từ dịch tả heo châu Phi và dịch COVID-19. Dịch COVID-19 tác động cả nguồn cung và nguồn cầu. Cụ thể là sau tết, nhiều lo ngại về việc tiếp xúc đã khiến chuỗi cung ứng heo có chậm lại do nông dân hạn chế ra ngoài và tiếp xúc với đối tác, đại lý, bạn hàng.
Giá heo cao từ cuối năm 2019 đến sau tết Nguyên đán 2020 và dịch COVID-19 ảnh hưởng kép lên sức mua người dân, khiến nhu cầu tiêu thụ thịt heo toàn quốc giảm từ 20% đến 35% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, ảnh hưởng lớn nhất của COVID-19 vẫn là đến tổng cầu.
"Hiện nay, có thể nói áp lực nguồn cung đã có giảm nhiều nhờ COVID-19 đã làm giảm nhu cầu tiêu thụ thịt heo. Tùy theo khả năng hồi phục kinh tế và sức mua mà tổng cầu có thể hồi phục nhanh, chậm trong năm 2020. Chúng tôi dự đoán có thể đến ít nhất giữa năm 2021, tổng nhu cầu tiêu thụ thịt heo mới hồi phục lại như đầu năm 2019” - ông Phong nói.
TÚ UYÊN
Pháp luật TPHCM
|