Bảo hiểm xe máy: Sẽ có thêm nhiều quy định mới mang tính căn cơ và lâu dài
Cơ quan quản lý sẽ giám sát chặt chẽ các doanh nghiệp bảo hiểm (DNBH) thực hiện bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới. Để giải quyết căn cơ các tồn tại, hiện Bộ Tài chính đã phối hợp với bộ, ngành, cơ quan, địa phương, DNBH xây dựng Nghị định thay thế Nghị định 103/2008/NĐ-CP.
* Tỷ lệ bồi thường bảo hiểm xe máy bắt buộc thấp kỷ lục
* Công ty bảo hiểm từ chối bồi thường ‘bảo hiểm vỉa hè’ đúng hay sai?
* Cẩn thận với bảo hiểm xe máy 2 năm
Đây là thông tin được lãnh đạo Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Cục QLGSBH - Bộ Tài chính) cho biết khi trao đổi với phóng viên TBTCVN về một số vấn đề mà dư luận và cơ quan báo chí phản ánh về việc bán bảo hiểm xe máy giảm giá, chiết khấu; bán bảo hiểm “vỉa hè”; hồ sơ bồi thường bảo hiểm khó khăn, phức tạp…
Ý nghĩa của chính sách đã được thể hiện rõ
Thông tin từ Cục QLGSBH cho biết, theo báo cáo đánh giá của các bộ, ngành có liên quan, các doanh nghiệp bảo hiểm (DNBH), Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, Bộ Tài chính đã tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện chế độ bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự (TNDS) của chủ xe cơ giới trong giai đoạn 10 năm (2008 - 2017).
Cơ quan quản lý sẽ giám sát chặt chẽ các DNBH thực hiện chế độ bảo hiểm bắt buộc TNDS của chủ xe cơ giới, đảm bảo phát huy tính nhân văn của chế độ này là bảo vệ tài chính cho các nạn nhân của các vụ tai nạn giao thông đường bộ thiệt hại về sức khỏe, tính mạng, tài sản.
Ông Phùng Ngọc Khánh
|
Cụ thể, bảo hiểm bắt buộc TNDS của chủ xe cơ giới đã đạt được nhiều kết quả tích cực như số lượt xe cơ giới tham gia bảo hiểm bắt buộc TNDS của chủ xe cơ giới lên đến trên 110,3 triệu (số lượt xe máy vào khoảng 93,5 triệu); đã giải quyết bồi thường bảo hiểm cho 593.658 vụ tai nạn giao thông (101.214 vụ tai nạn xe máy).
“Kết quả trên thể hiện rõ ý nghĩa nhân đạo của chính sách, kịp thời hỗ trợ nạn nhân tai nạn giao thông nhanh chóng khắc phục tổn thất về người và tài sản, giúp cho không chỉ nạn nhân mà còn chủ xe, người điều khiển xe nhanh chóng ổn định cuộc sống, sinh hoạt và hoạt động sản xuất kinh doanh, góp phần thực hiện mục tiêu an sinh - xã hội của Đảng và Nhà nước” - lãnh đạo Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm cho biết.
Tuy nhiên, kết quả thực hiện thời gian qua cũng cho thấy bảo hiểm bắt buộc TNDS của chủ xe cơ giới vẫn còn những tồn tại, vướng mắc cả về chính sách và công tác tổ chức, triển khai thực hiện. Tỷ lệ tham gia bảo hiểm của xe máy vẫn còn thấp, đạt khoảng 30% đối với xe máy (trong tổng số gần 60 triệu xe máy) so với tỷ lệ tham gia lên đến 90% đối với xe ô tô (trong tổng số trên 3 triệu xe ô tô).
Sẽ xử nghiêm nếu phát hiện doanh nghiệp vi phạm
Trao đổi với phóng viên TBTCVN, ông Phùng Ngọc Khánh – Cục trưởng Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm cho biết, ngay khi nhận được phản ánh của một số cơ quan báo chí, Bộ Tài chính (Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm) đã có văn bản (Công văn số 189/QLBH-PNT ngày 20/5/2020) yêu cầu các DNBH thực hiện ngay một số công việc.
Theo đó, Công văn 189 đã đề nghị các DNBH chủ động kiểm tra, rà soát việc triển khai bảo hiểm bắt buộc TNDS của chủ xe cơ giới trong toàn hệ thống, đảm bảo thực hiện đúng quy tắc, điều khoản, biểu phí và mức trách nhiệm bảo hiểm bắt buộc TNDS của chủ xe cơ giới theo quy định pháp luật hiện hành. Trường hợp phát hiện các hành vi vi phạm tiến hành chấn chỉnh, xử lý kịp thời.
Đồng thời, các DNBH cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền về chính sách bảo hiểm bắt buộc TNDS của chủ xe cơ giới; cung cấp đầy đủ thông tin liên quan đến hợp đồng bảo hiểm và giải thích rõ về quy tắc, điều khoản, biểu phí và mức trách nhiệm bảo hiểm bắt buộc TNDS của chủ xe cơ giới; quyền và nghĩa vụ của chủ xe cơ giới cho chủ xe cơ giới.
Công văn số 189 nêu rõ, trường hợp các DNBH vi phạm, tùy theo mức độ, Cục sẽ xem xét, xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Nghị định số 103/2008/NĐ-CP ngày 16/9/2008 của Chính phủ về bảo hiểm bắt buộc TNDS của chủ xe cơ giới, Nghị định số 98/2013/NĐ-CP ngày 28/8/2013 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm, kinh doanh xổ số và Nghị định số 48/2018/NĐ-CP ngày 21/3/2018 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 98/2013/NĐ-CP.
“Bộ Tài chính sẽ giám sát các DNBH thực hiện, tuân thủ nghiêm chỉnh, chặt chẽ chế độ bảo hiểm bắt buộc TNDS của chủ xe cơ giới, đảm bảo phát huy tính nhân văn của chế độ này là bảo vệ tài chính cho các nạn nhân của các vụ tai nạn giao thông đường bộ thiệt hại về sức khỏe, tính mạng, tài sản, ngay cả khi không xác định được xe gây tai nạn, xe không tham gia bảo hiểm hoặc tai nạn không thuộc phạm vi bảo hiểm” – ông Phùng Ngọc Khánh nhấn mạnh.
Sẽ sửa đổi quy định hướng tới chính sách căn cơ, lâu dài
Đặc biệt hơn, theo thông tin chia sẻ từ Cục trưởng Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm, để giải quyết cơ bản, căn cơ mang tính lâu dài, hạn chế tối đa việc bán bảo hiểm như báo chí đã phản ánh thời gian qua, hiện nay Bộ Tài chính đã phối hợp với Bộ Công an, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tư pháp, Ủy ban Quốc gia về An toàn giao thông, Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các DNBH xây dựng Nghị định thay thế Nghị định số 103/2008/NĐ-CP nhằm hoàn thiện chế độ bảo hiểm bắt buộc TNDS của chủ xe cơ giới.
Theo đó, dự thảo nghị định sẽ theo hướng tăng cường ứng dụng thương mại điện tử trong việc bán bảo hiểm, cấp Giấy chứng nhận bảo hiểm điện tử; tạo điều kiện cho DNBH chủ động thiết kế, xây dựng mẫu Giấy chứng nhận bảo hiểm nhưng vẫn đảm bảo công tác kiểm tra, kiểm soát việc thực hiện chế độ bảo hiểm bắt buộc.
Cùng với đó, mức phí bảo hiểm tương ứng với rủi ro của xe cơ giới (bao gồm xe máy), chủ xe và người lái xe; tăng mức trách nhiệm bảo hiểm cơ bản đảm bảo chi phí thực tế về giá dịch vụ khám, điều trị, chăm sóc y tế và chi phí khắc phục thiệt hại đối với tài sản.
Đồng thời, sẽ quy định linh hoạt thời hạn bảo hiểm theo hướng tối thiểu là 1 năm và tối đa là 3 năm đối với xe máy; tối thiểu là 1 năm và tối đa tương ứng với thời hạn kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của xe ô tô.
Cũng theo ông Phùng Ngọc Khánh, dự thảo sẽ mở rộng phạm vi và rút ngắn thời gian tạm ứng bồi thường nhằm kịp thời đảm bảo nạn nhân và gia đình có nguồn kinh phí điều trị y tế; mở rộng phạm vi và nâng mức hỗ trợ nhân đạo. Mặt khác sẽ cụ thể hóa hồ sơ bồi thường bảo hiểm theo hướng đơn giản hóa, tăng trách nhiệm và tính chủ động của DNBH nhưng vẫn đảm bảo phòng, chống gian lận bảo hiểm.
Song song với đó, sẽ xây dựng cơ sở dữ liệu bảo hiểm phục vụ mục tiêu quản lý, giám sát chặt chẽ việc thực hiện chế độ bảo hiểm bắt buộc TNDS của chủ xe cơ giới (bao gồm xe máy).
“Dự kiến trong tháng 5/2020, Bộ Tài chính sẽ trình Chính phủ xem xét, cho ý kiến đối với hồ sơ dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 103/2008/NĐ-CP” – lãnh đạo Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm cho biết.
Bên cạnh đó, "chúng tôi sẽ phối hợp với các cơ quan liên quan và các DNBH tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền để người dân nắm rõ được chính sách, ý nghĩa của chính sách bảo hiểm bắt buộc TNDS xe cơ giới, từ đó, chủ động và tích cực tham gia. Song hành với đó, việc mở rộng mạng lưới phân phối, đa dạng hình thức cung cấp dịch vụ, đẩy mạnh áp dụng công nghệ thông tin, nâng cao chất lượng dịch vụ bảo hiểm; cũng như việc nâng cao trình độ, kỹ năng tư vấn;… là các vấn đề mà cơ quan quản lý, cũng như các DNBH phải thực sự chú trọng, để hướng tới mục tiêu cao nhất của chính sách đó là nhân văn, vì an sinh, xã hội" - ông Phùng Ngọc Khánh chia sẻ thêm./.
Cơ sở pháp lý của chính sách bảo hiểm TNDS của chủ xe cơ giới:
1.1. Bảo hiểm TNDS của chủ xe cơ giới là loại hình bảo hiểm bắt buộc theo quy định tại khoản 2 Điều 8 Luật Kinh doanh bảo hiểm.
1.2. Nghị định số 103/2008/NĐ-CP ngày 16/9/2008 của Chính phủ hướng dẫn thực hiện khoản 2 Điều 8 của Luật Kinh doanh bảo hiểm, quy định các nội dung cơ bản của chế độ bảo hiểm bắt buộc TNDS của chủ xe cơ giới (Nghị định số 103/2008/NĐ-CP), cụ thể:
- Chủ xe cơ giới tham gia giao thông trên lãnh thổ Việt Nam và DNBH có trách nhiệm thực hiện bảo hiểm bắt buộc TNDS của chủ xe cơ giới theo quy tắc, điều khoản, biểu phí do Bộ Tài chính quy định.
- Phạm vi bồi thường bảo hiểm bao gồm: Thiệt hại về thân thể, tính mạng và tài sản đối với bên thứ ba do xe cơ giới gây ra và thiệt hại về thân thể, tính mạng của hành khách theo hợp đồng vận chuyển hành khách do xe cơ giới gây ra. Thời hạn bảo hiểm: 1 năm (trừ một số trường hợp đặc biệt được quy định cụ thể như xe tạm nhập, tái xuất; xe có niên hạn sử dụng dưới 1 năm…).
- Giấy chứng nhận bảo hiểm (CNBH) bắt buộc TNDS của chủ xe cơ giới (Giấy CNBH) là bằng chứng giao kết hợp đồng bảo hiểm; Bộ Tài chính quy định cụ thể mẫu Giấy CNBH.
- Quỹ bảo hiểm xe cơ giới do các DNBH đóng góp (trích 1% doanh thu phí bảo hiểm bắt buộc TNDS của chủ xe cơ giới) để thực hiện chi hỗ trợ nhân đạo cho các nạn nhân tai nạn giao thông không xác định được xe gây tai nạn, xe không tham gia bảo hiểm hoặc loại trừ trách nhiệm bảo hiểm và chi cho các mục tiêu khác như đề phòng, hạn chế tổn thất; tuyên truyền, giáo dục về an toàn giao thông và chế độ bảo hiểm bắt buộc TNDS của chủ xe cơ giới…
- Về tổ chức thực hiện, Bộ Tài chính chủ trì hướng dẫn, tuyên truyền thực hiện chế độ bảo hiểm bắt buộc TNDS của chủ xe cơ giới, kiểm tra, giám sát, xử phạt vi phạm hành chính các DNBH có vi phạm quy định về bảo hiểm bắt buộc TNDS của chủ xe cơ giới…; Bộ Công an chỉ đạo các lực lượng cảnh sát giám sát, kiểm tra các chủ xe cơ giới trong việc tuân thủ chế độ bảo hiểm bắt buộc TNDS của chủ xe cơ giới khi tham gia giao thông…
1.3. Thông tư số 22/2016/TT-BTC ngày 16/02/2016 của Bộ Tài chính quy định quy tắc, điều khoản, biểu phí và mức trách nhiệm bảo hiểm (thay thế Thông tư số 126/2008/TT-BTC, Điều 1 Thông tư số 151/2012/TT-BTC), cụ thể:
- Mức trách nhiệm bảo hiểm: Đối với thiệt hại về người là 100 triệu đồng/người/vụ tai nạn; đối với thiệt hại về tài sản là 100 triệu đồng/vụ tai nạn do xe ô tô gây ra, 50 triệu đồng/vụ tai nạn do xe máy gây ra. Mức hỗ trợ nhân đạo: 20 triệu đồng/người/vụ.
- Mức phí bảo hiểm: Đối với xe mô tô 2 bánh (xe máy) từ 50cc trở xuống là 55.000 đồng, trên 50cc là 66.000 đồng (đã gồm VAT).
- Hồ sơ bồi thường bảo hiểm: Chủ xe có trách nhiệm cung cấp các tài liệu liên quan đến xe, lái xe (giấy đăng ký, giấy phép lái xe, giấy tờ tùy thân của lái xe, Giấy CNBH), tài liệu chứng minh thiệt hại về người; tài liệu chứng minh thiệt hại về tài sản; DNBH có trách nhiệm thu thập các bản sao tài liệu của cơ quan có thẩm quyền về vụ tai nạn (cảnh sát giao thông, cơ quan cảnh sát điều tra…).
|
Duy Thái
Thời báo Tài chính
|