Muốn tạm dừng đóng bảo hiểm, phải sa thải thêm người lao động?
Chưa kịp mừng với chính sách tạm dừng đóng bảo hiểm xã hội trong tình hình khó khăn vì dịch bệnh Covid-19 thì các doanh nghiệp phải dở khóc dở cười với điều kiện kèm theo.
Nếu doanh nghiệp sa thải ít hơn 50% nhân viên là không được dừng đóng BHXH?
Ảnh: Ngọc Thắng
|
Dở khóc dở cười với quy định tạm dừng đóng bảo hiểm xã hội
Ông Q., chủ một doanh nghiệp (DN) sản xuất ở TP.HCM, chia sẻ vì tình hình kinh tế khó khăn do ảnh hưởng dịch Covid-19, nên đành phải cắt giảm nhân sự. Công ty ông có 400 lao động, cắt giảm 150, còn 250 lao động.
Tuy nhiên, khi làm thủ tục xin lập hồ sơ làm căn cứ tạm dừng đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) vào quỹ hưu trí và tử tuất, thì phía BHXH cho biết DN chỉ được tạm dừng đóng BHXH khi có một trong các điều kiện, đó là: Không bố trí được việc làm cho người lao động, trong đó số lao động tham gia BHXH phải tạm thời nghỉ việc từ 50% tổng số lao động có mặt trước khi tạm dừng sản xuất - kinh doanh trở lên. Nghĩa là ông Q. phải cắt giảm 50% tức 200 lao động mới được hưởng quy định trên.
Ông bức xúc: “Giờ tôi cũng ráng gượng, chỉ giảm 150 nhân công và cố gắng giữ lại tối đa có thể. Nhưng quy định như vậy thì tôi phải cho nghỉ thêm 50 công nhân?”.
Tương tự, ông T., giám đốc một DN may tại TP.HCM, cho biết công ty ông chỉ có khoảng 70 lao động và dù doanh số đang sụt giảm mạnh nhưng vẫn cố gắng duy trì hoạt động, đảm bảo công việc cho nhân viên. Mỗi tháng, công ty phải đóng gần 100 triệu đồng phí BHXH các loại nên nếu được tạm dừng đóng BHXH trong thời gian này thì sẽ đỡ hơn. “Khoản tiền phải đóng BHXH hằng tháng còn nhiều hơn tiền thuế giá trị gia tăng (GTGT) mà công ty phải đóng. Lúc mới nghe thông báo tạm dừng đóng BHXH tôi rất mừng nhưng thấy hướng dẫn thì mình lại không đủ điều kiện. Không lẽ để được dừng đóng BHXH mà tôi phải cho hơn 35 anh chị em nghỉ việc. Làm vậy tội lắm”, ông T. nói.
Theo Công văn số 860/BHXH của BHXH Việt Nam ban hành ngày 17.3, các DN thuộc các ngành nghề dịch vụ vận tải hành khách, du lịch, lưu trú, nhà hàng và các ngành nghề đặc biệt khác gặp khó khăn do dịch bệnh gây ra, dẫn đến không bố trí được việc làm cho người lao động, trong đó số lao động thuộc diện tham gia BHXH phải tạm thời nghỉ việc từ 50% tổng số lao động có mặt trước khi tạm dừng sản xuất, kinh doanh trở lên, hoặc bị thiệt hại trên 50% tổng giá trị tài sản do dịch bệnh gây ra (không kể giá trị tài sản là đất) mới được tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất. Các điều kiện này được trích dẫn theo quy định tại điều 88 luật BHXH năm 2014; điều 16 Nghị định 115/2015 của Chính phủ và điều 28 Thông tư số 59/2015 của Bộ Lao động - Thương binh - Xã hội.
Như vậy, chỉ có các DN một số ngành nghề, dịch vụ mới được tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất. Thời gian tạm dừng đóng quỹ hưu trí và tử tuất tính đến hết tháng 6.2020.
Vô tình đẩy người lao động ra đường
Ông Nguyễn Đức Nghĩa, Chủ nhiệm Câu lạc bộ đại lý thuế TP.HCM, nhận định: Việc đưa ra tỷ lệ khống chế “tạm thời nghỉ việc từ 50% tổng số lao động” mới được xem là điều kiện để tạm dừng đóng bảo hiểm là hết sức vô lý.
Chẳng khác nào hướng DN đến việc cắt giảm lao động. Đặc biệt, với những DN có số lượng người lao động lớn đến hàng nghìn, chục nghìn người mà cắt giảm 50% có thể gây bất ổn trong xã hội. Trong mọi hoàn cảnh, việc ổn định công ăn việc làm cho người lao động, giúp an sinh xã hội nên được đặt lên hàng đầu.
Ông Nguyễn Đức Nghĩa đề xuất do quy định được nêu trong luật và nghị định, nên để hỗ trợ nhanh trong giai đoạn này, Thường vụ Quốc hội có thể xem xét ban hành quy định “dễ thở” hơn để hỗ trợ DN. Quy định cho DN tạm thời chưa nộp BHXH bắt buộc sau khi đã có thống nhất giữa công đoàn cơ sở.
Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty luật Basico, cũng cho rằng những quy định về điều kiện để tạm dừng đóng bảo hiểm có từ 5 năm nay, nhưng tình huống hiện nay hoàn toàn mới, dịch Covid-19 là chưa có trong lịch sử. Thành ra quy định “tạm thời nghỉ việc từ 50% tổng số lao động” để được hỗ trợ xem ra quá chặt, không giúp được gì cho DN.
“Ở đây Bộ Lao động - Thương binh - Xã hội cần có ý kiến lên Chính phủ để gỡ nút thắt này, chung tay hỗ trợ DN một ít trong bối cảnh dịch bệnh lây lan. Nếu không DN càng khó khăn khi phải tạm dừng các hoạt động sản xuất kinh doanh, nguyên liệu không có; người lao động thì được kêu gọi ở nhà...”, ông Đức nói.
Đồng tình, luật sư Nguyễn Văn Đức, Giám đốc Công ty luật một thành viên Kinh Luân (TP.HCM), cho rằng áp dụng điều kiện phải cắt giảm 50% lao động mới được tạm dừng đóng BHXH là quá cứng nhắc.
“Tôi cho rằng trong bối cảnh dịch bệnh kéo dài và tác động ngày càng lớn đến mọi DN cũng như đời sống người dân, Chính phủ cần có văn bản hướng dẫn thực hiện vấn đề này và áp dụng ngay vì tình hình khẩn cấp. Chẳng hạn đối với các DN trong các ngành bị ảnh hưởng trực tiếp bởi dịch Covid-19 thì sẽ được tạm dừng đóng BHXH với quỹ hưu trí và tử tuất đến hết tháng 6”, luật sư Đức nói.
Việc tạm dừng đóng số tiền này đồng nghĩa sau đó khi DN hoạt động ổn định vẫn phải đóng chứ không phải là được miễn luôn, nên cũng không cần thiết phải áp dụng thêm các điều kiện khắt khe như quy định nêu trên.
Luật sư Nguyễn Văn Đức
|
Thanh Xuân
Thanh niên
|