Kinh tế Trung Quốc lần đầu tăng trưởng âm trong nhiều thập kỷ
Trung Quốc công bố tổng sản phẩm quốc nội (GDP) quý 1 giảm 6.8% so với cùng kỳ năm ngoái do đại dịch virus corona đã tác động nghiêm trọng đến nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Nguồn: CNBC
|
Theo số liệu được Cơ quan Thống kê Trung Quốc (NBS) công bố sáng ngày thứ Sáu (17/04), Reuters cho biết đây là lần đầu tiên GDP Trung Quốc sụt giảm kể từ ít nhất là năm 1992, khi số liệu GDP hàng quý chính thức được thu thập.
Trước đó, các nhà phân tích trong cuộc thăm dò của Reuters dự báo GDP Trung Quốc sẽ giảm 6.5% so với cùng kỳ 2019. Được biết, dự báo của 57 nhà phân tích được thăm dò dao động từ mức sụt giảm 28.9% đến tăng trưởng 4%.
Kinh tế Trung Quốc đã rơi vào đình trệ vào đầu năm nay khi Bắc Kinh áp dụng các biện pháp cách ly và đóng cửa trên diện trộng để hạn chế sự tiếp xúc của người dân nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh virus corona (Covid-19).
Được biết, trong quý trước đó từ tháng 9 đến tháng 12/2019, kinh tế Trung Quốc tăng trưởng 6%. Và nếu so với giai đoạn này thì GDP quý 1 giảm tới 9.8%.
Theo NBS, Trung Quốc đang đối mặt với áp lực rất lớn trước những bất ổn ngày càng cao từ đại dịch virus corona. Ngoài ra, nước này cũng đang đối mặt với những khó khăn và thách thức mới trong việc quay trở lại với công việc và sản xuất.
Số liệu của NBS, trong quý 1 vừa qua, doanh số bán lẻ tại Trung Quốc giảm 19% so với cùng kỳ năm ngoái trong khi sản lượng công nghiệp cùng kỳ giảm 8.4%.
Trước đó, Trung Quốc công bố xuất khẩu tháng 1 và tháng 2 giảm mạnh so với cách đây một năm, hoạt động sản xuất cũng lao dốc.
Kinh tế Trung Quốc đang bắt đầu quay trở lại với các hoạt động bình thường với việc nhiều doanh nghiệp đã mở cửa trở lại, nhưng phải đối mặt với nhiều khó khăn khi phần còn lại của thế giới vẫn đang chống chọi với dịch bệnh và nhu cầu toàn cầu suy yếu.
Một cuộc thăm dò riêng của Reuters cho thấy tăng trưởng GDP Trung Quốc có thể giảm tốc mạnh còn 2.5% trong năm 2020 từ mức 6.1% trong năm 2019.
Bắc Kinh từng cam kết sẽ áp dụng thêm nhiều biện pháp để chống chọi với tác động của đại dịch khi ngày càng nhiều việc làm biến mất khỏi nền kinh tế có thể đe dọa đến ổn định xã hội.
Ngân hàng trung ương nước này đã nới lỏng chính sách tiền tệ để khơi thông dòng chảy tín dụng vào nền kinh tế nhưng việc nới lỏng cho đến nay được cân nhắc kỹ càng hơn so với trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.
Nomura kỳ vọng Bắc Kinh sẽ công bố một gói kích thích trong ngắn hạn và có thể được tài trợ bởi ngân hàng trung ương thông qua nhiều kinh khác nhau.
Tuệ Nhiên (Theo Reuters, CNBC)
FILI
|