Dầu xuống thấp nhất trong 2 tuần, chịu sức ép bởi sự suy giảm nhu cầu
Các hợp đồng dầu thô tương lai giảm mạnh xuống mức đóng cửa thấp nhất trong 2 tuần vào ngày thứ Ba (14/04), chịu sức ép bởi tình trạng dư cung dầu thô toàn cầu khi nhu cầu suy giảm vì sự gián đoạn đi lại và thương mại do đại dịch COVID-19, MarketWatch đưa tin.
Giá dầu chịu sức ép từ nhu cầu suy yếu và tình trạng dư cung đã lấn át hỗ trợ từ thỏa thuận cắt giảm sản lượng hồi cuối tuần trước của các nhà sản xuất chủ chốt, kết thúc cuộc chiến giá dầu kéo dài 1 tháng giữa Ả-rập Xê-út và Nga.
“Trong khi động thái cắt giảm này vượt xa những thỏa thuận kỷ lục trước đó, bài toán cân bằng vẫn kiên quyết nghiêng về tiêu cực”, Robbie Fraser, Chuyên gia phân tích hàng hóa cấp cao tại Schneider Electric, nhận định. “Thỏa thuận giúp loại bỏ 10% nguồn cung toàn cầu được đưa ra khi nhu cầu toàn cầu mất 20-30%, gần như chắc rằng loạt dầu thô và các sản phẩm sẽ hướng đến các kho lưu trữ trong ngắn hạn và trung hạn”.
Kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Ba, hợp đồng dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 5 trên sàn Nymex rớt 2.30 USD (tương đương 10.3%) xuống 20.11 USD/thùng, sau khi tích tắc sụt xuống đáy 19.95 USD/thùng. Hợp đồng này đóng cửa tại mức thấp nhất kể từ ngày 30/03/2020, dữ liệu từ Dow Jones Market cho thấy.
Hợp đồng dầu Brent giao tháng 6 trên sàn Luân Đôn mất 2.14 USD (tương đương 6.7%) còn 29.60 USD/thùng, mức đóng cửa thấp nhất kể từ ngày 01/04/2020.
Sau nhiều ngày đàm phán căng thẳng, các thành viên Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) cùng với các đồng minh, được gọi chung là nhóm OPEC+, đã đồng ý hôm Chủ nhật (12/04) sẽ cắt giảm sản lượng 9.7 triệu thùng/ngày bắt đầu từ ngày 01/05 đến ngày 30/06 năm nay.
Tổng lượng cắt giảm sẽ giảm xuống 8 triệu thùng/ngày từ ngày 01/07 đến ngày 31/12, sau đó là mức cắt giảm nhỏ hơn 6 triệu thùng/ngày từ ngày 01/01/2021 đến ngày 30/04/2022.
Triển vọng kinh tế toàn cầu vẫn tác động tiêu cực đến dầu, với việc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) vào ngày thứ Ba dự báo sự thu hẹp kinh tế toàn cầu đạt 3% trong năm nay, sau đó phục hồi 5.8% trong năm 2021. Đây là cuộc suy thoái còn sâu hơn cuộc khủng hoảng tài chính giai đoạn 2008-2009. IMF cho biết nền kinh tế Mỹ sẽ sụt 5.9% trong năm nay.
Ủy ban Đường sắt (RRC) Texas hôm thứ Ba đã tổ chức một phiên điều trần để thảo luận về khả năng giảm 20% sản lượng dầu cho bang này, tương đương 1 triệu thùng/ngày trong tổng sản lượng 5 triệu thùng/ngày ở Texas. Bang này chiếm khoảng 40% tổng sản lượng tại Mỹ.
Trong một thông cáo báo chí, Viện Xăng dầu Mỹ (API) kêu gọi RRC Texas tránh can thiệp vào thị trường dầu mỏ, chỉ ra rằng “các nhà sản xuất ở Texas và trên khắp nước Mỹ đã cắt giảm sản lượng để phù hợp với các điều kiện thị trường và nhu cầu sụt giảm mà không cần chỉ thị từ Chính phủ”.
Cũng trong phiên giao dịch ngày thứ Ba, hợp đồng xăng giao tháng 5 tiến 2.4% lên 72 xu/gallon. Trong khi đó, hợp đồng dầu sưởi giao tháng 5 sụt 5.1% xuống 94.42 xu/gallon.
Hợp đồng khí thiên nhiên giao tháng 5 mất 4.3% còn 1.65 USD/MMBtu.
An Trần
FILI
|