IMF: Thế giới “rất có thể” chứng kiến cuộc suy thoái tồi tệ nhất kể từ Đại khủng hoảng
- IMF dự báo kinh tế toàn cầu sẽ giảm 3% trong năm 2020
- IMF kỳ vọng vào “đà phục hồi từng phần” trong năm 2021, nhưng điều này còn tùy thuộc vào sự cải thiện của cuộc khủng hoảng y tế.
Trong năm nay, kinh tế toàn cầu có thể chứng kiến cuộc suy thoái tồi tệ nhất kể từ Đại khủng hoảng khi các Chính phủ trên toàn thế giới chống chọi với đại dịch Covid-19, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho biết trong ngày thứ Ba.
Theo đó, tổ chức có trụ sở tại Washington dự báo tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu sẽ giảm 3% trong năm 2020, trái ngược với kỳ vọng tăng trưởng 3.3% mà tổ chức này đưa ra trong tháng 1.
“Rất có thể năm nay kinh tế toàn cầu sẽ chứng kiến cuộc suy thoái tồi tệ nhất kể từ Đại khủng hoảng, hơn cả những gì từng chứng kiến trong suốt cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu cách đây một thập kỷ”, Gita Gopinath, nhà kinh tế trưởng của IMF, cho biết trong báo cáo Triển vọng Kinh tế Thế giới mới nhất.
Kinh tế toàn cầu đang thu hẹp đáng kể
Trong tháng 1, IMF ước tính tăng trưởng GDP toàn cầu năm 2021 đạt 3.4% và dự báo này hiện đã được điều chỉnh lên 5.8% (mặc dù tăng trưởng có thể bắt nguồn từ xuất phát điểm thấp hơn sau đà sụt giảm được dự báo cho năm 2020).
Phát biểu trên CNBC trong ngày thứ Ba, bà Gopinath cho biết: “Đây là một cuộc khủng hoảng mà cú sốc đối với nền kinh tế không xuất phát từ chính sách kinh tế” và chưa rõ khi nào đại dịch sẽ kết thúc.
IMF kỳ vọng vào “phục hồi từng phần” trong năm 2021 với điều kiện đại dịch sẽ giảm bớt trong năm nay.
Việc mạnh tay hạ dự báo tăng trưởng toàn cầu trong năm nay của IMF diễn ra sau khi các tổ chức khác cũng cảnh báo rằng đại dịch virus corona đang gây ra những thách thức kinh tế rất lớn. Tuần trước, Tổ chức Thương mại Thế giới cho rằng thương mại toàn cầu sẽ giảm từ 13% đến 32% trong năm nay. Ngoài ra, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) cũng cảnh báo tác động từ virus đối với nền kinh tế sẽ diễn ra trong một thời gian dài sắp tới.
Để ngăn chặn sự lây lan của virus, nhiều Chính phủ đã thực hiện các biện pháp phong tỏa, chỉ cho phép người dân ra khỏi nhà để mua thực phẩm, thuốc men, và trong một số trường hợp là tập thể dục. Kết quả là hoạt động kinh doanh tại nhiều nước đã rơi vào đình trệ.
Đặt tên cho cuộc khủng hoảng hiện tại là “Đại Phong tỏa”, IMF cho rằng cuộc khủng hoảng này không giống như các cuộc khủng hoảng khác. Phát biểu tại cuộc họp báo ngày thứ Ba, ông Gopinath lý giải: “Cường độ và tốc độ sụt giảm của các hoạt động sau phong tỏa không giống như những gì chúng tôi từng chứng kiến trong cuộc đời mình”.
Eurozone sẽ bị tác động mạnh nhất
Dự báo mới nhất từ IMF cho thấy kinh tế Mỹ sẽ giảm 5.9% trong năm nay trong khi eurozone có thể sụt tới 7.5%, nhưng Trung Quốc lại có khả năng tăng trưởng 1.2% trong năm 2020.
Tình hình kinh tế tại Ý và Tây Ban Nha sẽ đặc biệt khó khăn khi GDP có thể giảm lần lượt 9.1% và 8% trong năm nay. Đây là 2 quốc gia bị tác động mạnh nhất bởi Covid-19 tại châu Âu với số ca nhiễm và tử vong đều cao hơn so với Trung Quốc – nơi đầu tiên virus xuất hiện vào cuối năm 2019.
Các Chính phủ nên phản ứng như thế nào?
IMF cho rằng các quốc gia nên tập trung vào cuộc khủng hoảng y tế trước, bằng cách đầu tư vào thiết bị xét nghiệm, thiết bị y tế và các chi phí khác liên quan đến chăm sóc sức khỏe.
Tổ chức này cũng cho rằng các Chính phủ nên tiến hành hoãn thuế, hỗ trợ lương và chuyển tiền mặt cho những cá nhân và doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề nhất, cũng như chuẩn bị cho việc dỡ bỏ các biện pháp phong tỏa.
Tuệ Nhiên (Theo CNBC)
FILI
|