Định giá dựa trên lợi nhuận quá khứ bỗng mất đi ý nghĩa
Các con số P/E trượt của cổ phiếu bỗng mất đi ý nghĩa vốn có, khi mà lợi nhuận quá khứ của doanh nghiệp giờ đây khó có thể được lấy làm đầu vào cho dự phóng tương lai.
Dạo gần đây, nhà đầu tư thường kháo nhau rằng “cổ phiếu kia đã về mức P/E thấp thế này”, “cổ phiếu nọ đã về mức P/E vô lý”,… nhưng mọi sự liệu có đơn giản đến thế?
Bẫy giá trị
Các mức P/E trượt vẫn thường được giới đầu tư sử dụng để đánh giá nhanh về tính đắt rẻ của một cổ phiếu. Tuy nhiên, đấy là điều chỉ nên làm trong môi trường kinh doanh bình thường.
Dịch bệnh gây nên bởi virus Corona đang lây lan rộng khắp các lục địa. Không chỉ gây thiệt hại về sức khỏe, sinh mạng con người, mà sau khi căn bệnh quái ác này đi qua, di chứng nặng nề sẽ còn ở lại với các mô hình kinh doanh, chuỗi cung ứng không riêng gì tại Việt Nam mà trên phạm vi toàn cầu.
Nếu nhà đầu tư dựa vào những mức P/E trượt của quá khứ để quyết định hành động mua bán cổ phiếu, những chiếc bẫy giá trị sẽ làm túi tiền của họ phải “rỉ máu”. Bởi lẽ, chữ “E” trong hệ số kể trên, giờ đã là EBC, tức Earning before Corona – lợi nhuận trước khi virus corona xuất hiện.
Đối với những doanh nghiệp niêm yết, lợi nhuận trong thời gian tới đây sẽ chịu ảnh hưởng lớn khi hoạt động kinh doanh bị tàn phá bởi dịch bệnh, khách hàng thắt chặt chi tiêu, các đơn hàng bị hoãn hay thậm chí hủy bỏ,… Trong tương lai dài hơi hơn, nhu cầu và hành vi của khách hàng, người tiêu dùng có thể thay đổi, thậm chí đến mức sẽ xóa đi những lợi thế cạnh tranh tưởng chừng vững chắc nhất (trong những điều kiện kinh doanh bình thường).
Không nói đâu xa, mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý 1/2020 thật sự sẽ là thời gian nín thở đối với giới đầu tư.
Tác động kép
Đầu vào của hoạt động định giá cổ phiếu vẫn thường là những con số lợi nhuận, doanh thu,… của quá khứ. Chúng kết hợp với đánh giá về tương lai của doanh nghiệp, về các mức tăng trưởng kỳ vọng để ra những kết quả P/E, P/B dự phóng hay các mẫu hình định giá khác để ước lượng giá trị doanh nghiệp.
Trong những điều kiện bình thường, các mô hình này vốn đã không thường xuyên tạo ra những kết quả có độ chính xác cao, bởi lẽ quá trình hoạt động của doanh nghiệp luôn tiềm tàng những biến cố không thể đoán định trước. Giờ đây, trong bối cảnh bất định thì những dự phóng kiểu vậy sẽ còn có thể sai số lớn hơn nữa.
Việc đối diện với một tương lai bất định và ẩn chứa nhiều điều u ám sẽ thôi thúc nhà đầu tư yêu cầu các mức định giá thấp hơn đối với cổ phiếu mục tiêu để làm phần bù cho rủi ro. Đây là cơ chế khá thường thấy trên thị trường chứng khoán, tương tự như các mức định giá thấp (P/E thấp) trong những năm thuận lợi của doanh nghiệp hoạt động trong ngành mang tính chu kỳ cao, chẳng hạn như ngành thép.
Giữa bối cảnh bất định ngày một dâng cao, thị trường sẽ trở nên e sợ rủi ro và trả giá thấp cho những đồng lợi nhuận của doanh nghiệp. Điều này cộng hưởng với sự suy yếu trong việc làm ăn của các công ty có thể trở thành áp lực kép đè nặng lên giá cổ phiếu.
Nếu nhà đầu tư chỉ đơn thuần mua vào cổ phiếu bởi nguyên do P/E của chúng giờ đã ở mức thấp, đến một lúc nào đó, có thể họ sẽ chẳng được ngủ ngon.
Thừa Vân
FILI
|