Thứ Năm, 26/03/2020 09:14

Kinh tế vị kinh tế hay kinh tế vị nhân sinh?

Khi dịch bệnh đang bùng phát trên khắp thế giới và con số tử vong tăng lên mỗi ngày, người viết bỗng tự hỏi sự phát triển nhanh chóng của xã hội cuối cùng là “kinh tế vị kinh tế” hay “kinh tế vị nhân sinh”.

Hồi còn đi học, chúng ta ít nhiều đã từng được nghe thầy cô giảng về một cuộc tranh luận nảy lửa đã nổ ra trong thập niên 1930 giữa trường phái “nghệ thuật vị nghệ thuật” và “nghệ thuật vị nhân sinh”. Nhiều nhà văn, nhà thơ trẻ đã chịu ảnh hưởng mạnh của phong trào lãng mạn đương thời và sáng tác những bài văn, bài thơ dễ dãi. Nhà văn Nam Cao đã từng thừa nhận rằng ông cũng từng bị ảnh hưởng nhưng đã dần nhận ra thứ văn chương đó rất xa lạ với đời sống lầm than của đông đảo quần chúng nghèo khổ. Ông đã đoạn tuyệt với nó để tìm đến con đường "nghệ thuật vị nhân sinh". Theo ông, người cầm bút không được trốn tránh sự thực mà phải đứng trong lao khổ, mở tâm hồn ra đón lấy tất cả những vang động của đời: "Nghệ thuật không phải là ánh trăng lừa dối, không nên là ánh trăng lừa dối. Nghệ thuật chỉ có thể là tiếng kêu đau thương kia phát ra từ những kiếp lầm than".

Ngày nay, khi dịch bệnh đang bùng phát trên khắp thế giới và con số tử vong tăng lên mỗi ngày, người viết bỗng tự hỏi sự phát triển nhanh chóng của xã hội cuối cùng là “kinh tế vị kinh tế” hay “kinh tế vị nhân sinh”.

Nguồn: Flickr

Thế giới phương Tây hoa lệ - “Hoa” cho người giàu, “lệ” cho người nghèo

Y tế phát triển nhưng người nghèo không được hưởng lợi. Theo số liệu của Tạp chí Sức khỏe Cộng đồng Mỹ, các vấn đề y tế chiếm đến 66.5% các vụ phá sản cá nhân tại nước này. Lý do là chi phí chăm sóc sức khỏe tại Mỹ quá đắt đỏ và vượt quá khả năng chi trả của người lao động.

Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump tạo điều kiện cho người dân Mỹ được xét nghiệm Covid-19 miễn phí. Tuy nhiên, họ vẫn phải tự thanh toán chi phí điều trị (có thể lên đến 20,000 USD). Điều này đồng nghĩa với việc họ sẽ chịu gánh nặng tài chính cực lớn.

Trong một thế giới hoa lệ, “hoa” luôn dành cho người giàu và “lệ” (nước mắt) luôn thuộc về người nghèo. Thậm chí, nhiều người dân ở các nước phương Tây không dám đi xét nghiệm khi có biểu hiện bị bệnh.

Người viết không hề có ý định chê bai Hoa Kỳ hay các nước châu Âu mà chỉ muốn nêu lên một thực trạng. Thế giới phương Tây có rất nhiều điểm tốt và chúng ta cần học hỏi họ. Tuy nhiên, bạn có nhiều điểm tốt không có nghĩa là bạn không có khuyết điểm nào.

Nền y tế của Mỹ và châu Âu rất phát triển và luôn dẫn đầu thế giới. Câu hỏi đặt ra là sự phát triển đó phục vụ cho ai? Rõ ràng là những người giàu, những người mua các gói bảo hiểm đắt tiền, tiêu xài mà không phải đắn đo quá nhiều về chi phí... Nếu bạn mắc Covid-19 ở Việt Nam thì ít nhất bạn cũng có thể tự tin rằng khi khỏi bệnh sẽ không có một khoản nợ khổng lồ treo trên đầu mình.

Phi nông bất ổn. Nhiều người vẫn luôn có tâm lý xem người nông dân châm lấm tay bùn, vất vả quanh năm ở một mức “thấp” hơn mình. Họ thường xem trọng, đề cao những người làm trong các ngành nghề “sang chảnh”, thu nhập hàng chục triệu một tháng, ngồi trong các văn phòng máy lạnh…

Tuy nhiên, khi dịch bệnh xảy ra, mọi người đổ xô đi mua lương thực thì mới vỡ òa ra chân lý “phi nông bất ổn”. Nếu Việt Nam không phải là một cường quốc nông nghiệp thì liệu người dân có yên tâm về cuộc sống giữa mùa dịch bệnh hoành hành như bây giờ? Không có nền nông nghiệp mạnh thì xã hội rất dễ lâm vào trạng thái bất ổn.

Cụ già đứng trước kệ siêu thị trống không ở TP Melbourne, Australia. Nguồn: Twitter

Việt Nam phát triển "kinh tế vị nhân sinh". Đã từng có những lập luận rằng Việt Nam nên dẹp bớt diện tích trồng lương thực đi để trồng các loại cây khác có hiệu quả kinh tế cao hơn. Nếu Việt Nam “kinh tế vị kinh tế” hơn và thu hẹp diện tích trồng lương thực đi thì sẽ dễ gây ra tình trạng mất an ninh lương thực. Việc duy trì một diện tích rất lớn để trồng lương thực chính là thể hiện khía cạnh “vị nhân sinh” trong quá trình phát triển của chúng ta. Người viết nói điều này không phải nhằm mục đích “nói xấu phương Tây, nâng tầm Việt Nam”. Vấn đề ở đây là mọi chiến lược phát triển đều có mặt tốt và mặt xấu. Quá tuyệt đối cái nào cũng sẽ gây mất cân bằng.

Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) cứ việc sử dụng các công cụ của mình để điều hành thị trường. Nhưng nếu dịch bệnh vẫn tràn lan làm hàng triệu người chết như dịch cúm Tây Ban Nha năm 1918 thì xin thưa đến mười người như ngài Jerome Powell đáng kính cũng không thể cứu nổi nền kinh tế Mỹ. Đây là một cuộc khủng hoảng đặc biệt mà không phải cứ ném tiền ra là giải quyết được!

Nhiều giáo sư kinh tế hàng đầu thế giới đã thừa nhận rằng chính sách tài khóa của Chính phủ cũng như chính sách tiền tệ của các ngân hàng trung ương sẽ khó phát huy tác dụng nếu chúng ta thất bại trong cuộc chiến chống dịch Covid-19. Ai có thể yên tâm làm ăn, sản xuất nếu như những người mang mầm bệnh chết người vẫn cứ thường xuyên lảng vảng xung quanh mình?

Chủ tịch Fed Jerome Powell. Nguồn: Reuters

Ai sẽ cứu thị trường bất động sản?

Sự ám ảnh của chu kỳ 10 năm. Thị trường bất động sản vẫn đang vật lộn với lời nguyền của chu kỳ 10 năm. Ví dụ điển hình là giai đoạn 2004-2014 với những biến động thăng trầm rõ nét. Trong giai đoạn 2004-2007, giá tăng phi mã. Nhiều địa phương giá tăng đến 300% và đây cũng là giai đoạn giá xác lập những mặt bằng mới một cách liên tục.

Tuy nhiên, giai đoạn 2008-2009 lại là một thời kỳ đi ngang. Mặc dù, một số chủ đầu tư có những quyết định giảm giá để rút khỏi thị trường nhưng phần đông thì vẫn giữ nguyên giá bán. Bước sang giai đoạn 2010-2013, giá bất động sản xuống dốc không phanh và có khu vực xuống gần 50%. Hàng loạt chương trình khuyến mại giảm giá, hỗ trợ của chủ đầu tư đưa ra nhưng thị trường vẫn không tiếp nhận. Từ năm 2014 trở đi, giá bất động sản chững lại đà lao dốc và có dấu hiệu tăng nhẹ trở lại. Kể từ đây cũng bắt đầu một “chu kỳ 10 năm” mới.

Câu hỏi đặt ra là có một đợt lao dốc trong giai đoạn 2020-2023 giống như thời kỳ 2010-2013 hay không? Lao dốc thì chưa chắc nhưng trước mắt nhiều doanh nghiệp bất động sản đã bắt đầu lâm vào tình cảnh khó khăn.

Bất động sản cũng cần “vị nhân sinh”. Những người có khả năng giải cứu thị trường bất động sản nhất không phải là các đại gia lắm tiền nhiều của, cũng không phải là những “cá mập” lướt sóng với tiền tỷ. Nhiều khả năng những “cứu tinh” này sẽ chỉ là những người làm công ăn lương bình thường.

Tại sao ư? Bởi vì họ hầu như không quan tâm nhiều đến việc nhà mình mua có tăng giá hay không. Nói cách khác, đa số họ chỉ cần một chỗ để “chui ra chui vào” đủ kiên cố để che nắng che mưa cho gia đình. Trong khi đó, dân đầu tư thì phải thường xuyên cân nhắc đến đòn bẩy tài chính, vị trí đẹp xấu, khả năng thanh khoản của thị trường, uy tín của chủ đầu tư... Nếu không có khả năng sinh lời thì những người này sẽ không đầu tư.

Thị trường bất động sản lâu nay vẫn thường “vị đầu tư”; nghĩa là nghiêng về phái các nhà đầu tư, những người lướt sóng nhiều hơn. Điều này giúp thị trường sôi động nhưng cũng khiến cho tình trạng “giá tăng điên rồ” ngày càng phổ biến.

Giá cả bất động sản đã tăng nhiều đến mức mà ngay cả tầng lớp trung lưu cũng cảm thấy khó với tới. Đừng đề cập đến người nghèo ở đây làm gì. Người nghèo vẫn còn đang vật lộn mưu sinh để kiếm đủ tiền ăn, tiền thuê nhà giữa mùa dịch Covid-19 chứ chả có đầu óc để quan tâm đến các dự án căn hộ, đất nền…. Đây chính là thời điểm các doanh nghiệp bất động sản cần “vị nhân sinh” và hướng về những người có nhu cầu ở thực thay vì cứ chạy theo phục vụ những đại gia, “cá mập” chuyên đầu cơ.

Hãy thôi nghĩ về bản thân vì chúng ta đang trong thời chiến

Bạn nên biết ơn người chủ của mình. Nhiều bạn trẻ mới ra trường có chút tài năng nhưng cứ hay nghĩ rằng người chủ may mắn khi có được mình. Họ không nghĩ được là mình cũng may mắn khi tìm được người chủ biết trân trọng và thưởng thức tài năng của mình.

Nếu ngay lúc này bạn vẫn chưa thất nghiệp thì hãy cảm ơn người chủ của mình vì họ xứng đáng được như vậy. Đừng lúc nào cũng giữ suy nghĩ rằng mình đang bị bóc lột, phải làm việc vất vả để làm giàu cho người chủ.

Hãy nhìn những doanh nghiệp phải ngừng hoạt động, phá sản trong giai đoạn hiện nay để hiểu được nỗi khổ của người chủ. Việc làm chủ một doanh nghiệp giống như đi trên băng mỏng, lúc nào cũng có thể bị hụt chân chứ không hẳn là “ngồi mát ăn bát vàng” như nhiều bạn trẻ vẫn tưởng.

Khi khủng hoảng xảy ra, bạn mới biết có một chỗ đi về, một nơi để lãnh lương quan trọng như thế nào. Bởi vì nếu không có thì bạn có thể sẽ chết đói vì không có tiền trước khi chết vì dịch bệnh!

Phẩm chất “vị nhân sinh” của người Việt Nam. Ngày nay, chúng ta vẫn hay có thói quen đánh giá con người qua độ dày của cái ví, qua cái áo họ mặc. Khi đọc được thông tin có khá nhiều du học sinh chê bai tình trạng bẩn thỉu của những khu cách ly, người viết bỗng nhớ đến câu nói của ông bà ta: “Nhà giàu đứt tay bằng ăn mày đổ ruột”. Trong khi các bạn đang ngủ trong những căn phòng ấm áp (dù theo các bạn là không được sạch lắm) thì có rất nhiều tình nguyện viên phải ngủ ngoài sân ký túc xá.

Nguồn: Facebook

Các bạn du học sinh “quý tộc” thì đúng là nhà giàu rồi nhưng những người làm nhiệm vụ tình nguyện kia họ đâu phải “ăn mày”. Thậm chí, nhiều người trong số họ có điều kiện kinh tế không hề kém cạnh những bạn tự cho mình là “thượng đẳng”, “đứng trên xã hội”… Vậy tại sao họ biết mình thiệt thòi, thậm chí có nguy cơ nhiễm bệnh mà vẫn lao vào làm? Không phải vì họ sợ bạn hay coi trọng sự giàu có của gia đình bạn mà vì họ lo cho đất nước, cho dân tộc này. Nếu để dịch bùng phát như Ý hay Tây Ban Nha thì đến lúc đó bác sỹ phải lựa chọn cứu ai bỏ ai và rất nhiều người sẽ phải chết dần chết mòn trong đau đớn, tuyệt vọng. Đó sẽ thực sự là thảm họa với đất nước!

Nếu ai cũng thực dụng, cũng nghĩ cho mình thì các bác sỹ, y tá, chiến sỹ bộ đội… đã xin nghỉ phép cả rồi. Khi đó thì ai sẽ xông pha ra tuyến đầu của cuộc chiến chống dịch Covid-19? Những người hùng giấu mặt đó không cần bạn tặng hoa, không cần bạn nhớ tên và cũng không đòi hỏi các phần thưởng vật chất kiểu “mấy chục tháng lương”.

Nhưng tại sao họ vẫn lao đầu vào nguy hiểm? Thiết nghĩ đó chính là do phẩm chất “vị nhân sinh”, chấp nhận hi sinh vì tập thể mà dân tộc Việt Nam vẫn đang sở hữu bao đời nay. Có nhiều độc giả sẽ nghĩ yếu tố đó khá mơ hồ, khá “ảo” và không thể định lượng được. Tuy nhiên, tại những thời điểm khó khăn, chính những nhân tố có phần “duy ý chí” đó sẽ quyết định thành bại của một cuộc chiến.

Thế Phong

FILI

Các tin tức khác

>   Ước gì chẳng có thứ Hai! (25/03/2020)

>   Các thuật ngữ chứng khoán cần nhớ khi thị trường thất bát (27/03/2020)

>   Lại một lần đổ sụp, nhưng… tốt thôi (13/03/2020)

>   Hãy cùng nhìn lại dự báo năm 2020 của các chuyên gia (19/03/2020)

>   Có nên bắt đáy mùa Corona? (10/03/2020)

>   Niềm tin trong đại dịch (09/03/2020)

>   Cathie Wood: Người phụ nữ vàng trong làng đầu tư và ‘hạt đậu thần’ Tesla (08/03/2020)

>   Tính bầy đàn trên thị trường tài chính qua chuyện cái khẩu trang (11/03/2020)

>   ‘Truy tìm’ cổ phiếu theo Phil Town (12/03/2020)

>   Mùa dịch, nói chuyện đầu tư (02/03/2020)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật