Covid-19 có thể 'đốt' thêm 61 tỉ USD của các hãng hàng không
Các hãng hàng không có thể phải "đốt" 61 tỷ USD dự trữ tiền mặt trong quý 2/2020 do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
* Hàng không khủng hoảng vì dịch bệnh, Việt Nam có hãng bay mới ra đời
* Hàng không chuyển máy bay sang chở hàng
Ngành hàng không đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng chưa từng có trong lịch sử. Ảnh: Hà Mai
|
Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA) vừa công bố phân tích mới nhất về những thiệt hại mà các hãng hàng không trên toàn thế giới có thể phải gánh chịu trong năm 2020 này do tác động của dịch Covid-19.
Nhu cầu hàng không sẽ giảm 71%
Phân tích này dựa trên đánh giá tác động mà IATA công bố tuần trước, theo kịch bản các hạn chế đi lại nghiêm trọng sẽ tiếp tục kéo dài trong ba tháng tới. Trong kịch bản này, nhu cầu cả năm của ngành hàng không thế giới sẽ giảm 38% và doanh thu hành khách cả năm giảm 252 tỷ USD so với năm 2019. Ngành hàng không đã ghi nhận những chuyến bay chỉ có một vài hành khách và nhu cầu giảm sẽ xuống đến mức sâu nhất trong quý 2, với mức giảm 71%.
Phân tích của IATA cho thấy các hãng hàng không có thể phải "đốt" 61 tỷ USD dự trữ tiền mặt của họ trong quý 2, kết thúc vào ngày 30.6, trong khi lỗ ròng 39 tỷ USD hàng quý.
Ngành hàng không sẽ phải chịu những tác động nghiêm trọng do doanh thu dự kiến sẽ giảm 68%, con số này thấp hơn mức giảm 71% dự kiến do nhu cầu vận chuyển hàng hóa vẫn được duy trì.
Chi phí không cố định dự kiến sẽ giảm mạnh - khoảng 70% trong quý 2 đến quý 4, tỷ lệ thuận với việc giảm 65% dự kiến công suất trong quý 2. Giá nhiên liệu máy bay cũng giảm mạnh, mặc dù IATA ước tính rằng việc phòng ngừa nhiên liệu sẽ hạn chế mức giảm tới 31%.
Chi phí cố định và bán cố định chiếm gần một nửa chi phí của các hãng hàng không. IATA hy vọng chi phí bán cố định (bao gồm cả chi phí phi hành đoàn) sẽ giảm 1/3 do các hãng hàng không đang cố gắng cắt giảm tối đa chi phí trong khi vẫn cố gắng bảo toàn lực lượng lao động để phục hồi trong tương lai.
IATA dự báo những thay đổi về doanh thu và chi phí dẫn đến khoản lỗ ròng ước tính 39 tỷ USD cho các hãng hàng không trong quý 2. Ngoài ra, các hãng hàng không còn phải đối mặt với việc hoàn trả vé đã bán nhưng không sử dụng do một số lượng lớn đã bị hủy bỏ vì các chính sách hạn chế đi lại mà Chính phủ các nước đang áp dụng. Ước tính trong quý 2, số tiền phải trả cho những khoản này lên tới 35 tỷ USD.
"Đây thật sự là cuộc "đốt tiền" kinh khủng. Chúng tôi ước tính các hãng hàng không có thể đốt cháy 61 tỉ USD trong số dư tiền mặt của họ trong quý 2 này", ông Alexandre de Juniac, Giám đốc điều hành của IATA, thông tin.
Nhu cầu đi lại hàng không được dự báo sẽ giảm sâu nhất trong quý 2 này, giảm tới 71%. Ảnh: H.Mai
|
Tình huống chưa từng có trong lịch sử
Theo IATA, Chính phủ một số quốc gia đang phản ứng tích cực với việc ban hành chính sách cho các ngành công nghiệp cần cứu trợ do tác động của Covid-19. Trong đó, các quốc gia cung cấp nhiều gói hỗ trợ tài chính hoặc quy định cụ thể cho ngành hàng không bao gồm: Colombia, Mỹ, Singapore, Úc, Trung Quốc, New Zealand và Na Uy.
"Ngành du lịch đang gần như đóng cửa hoàn toàn. Đây là tình huống chưa từng có trong lịch sử. Các hãng hàng không cần vốn lưu động để duy trì hoạt động kinh doanh của họ vượt qua những biến động cực đoan của thị trường. Gần đây nhất, Chính phủ Canada, Colombia và Hà Lan cũng đã nới lỏng các quy định cho phép các hãng hàng không cung cấp phiếu mua hàng cho hành khách thay cho tiền hoàn lại. Đây là một bước đệm thời gian quan trọng để ngành hàng không có thể tiếp tục hoạt động. Đổi lại, điều đó sẽ giúp duy trì khả năng của ngành trong việc cung cấp các lô hàng hàng hóa quan trọng trong hiện tại cũng như duy trì bền vững hoạt động, cung cấp dịch vụ cho khách du lịch và các nền kinh tế trong giai đoạn phục hồi", ông Juniac nhận định.
Tại Việt Nam, ngành hàng không cũng đang phải đối mặt với giai đoạn cực kỳ khó khăn.
Báo cáo gửi Thủ tướng mới đây của Bộ GTVT ước tính thiệt hại ban đầu do dịch Covid-19 gây ra đối với các hãng hàng không trong nước là khoảng hơn 30.000 tỉ đồng. Việc dừng khai thác toàn bộ đường bay quốc tế và hạn chế tối đa đường bay, tần suất bay nội địa giúp các hãng hàng không giảm lỗ nhưng không thể thoát khỏi loạt chi phí lên tới hàng trăm, hàng ngàn tỉ đồng để duy trì hoạt động như thuê (hoặc mua) máy bay, tiền thuê sân đỗ, tiền lương nhân công, chi phí bảo dưỡng, bảo trì...
Hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines được đánh giá là chịu thiệt hại nặng nề nhất với hơn 100 máy bay tạm dừng khai thác. Tổng giám đốc Vietnam Airlines Dương Trí Thành cho biết với lịch bay và tình hình diễn biến dịch Covid-19 như hiện nay, dự kiến năm 2020, Vietnam Airlines sẽ giảm tải cung ứng khoảng 60%; doanh thu giảm 50.000 tỉ đồng, tương đương giảm 65% so với kế hoạch.
Để giảm tối đa thiệt hại cho doanh nghiệp, Vietnam Airlines kiến nghị Chính phủ, các cơ quan bộ, ngành và Cục Hàng không giảm 50% phí hạ, cất cánh, điều hành bay trong thời gian dịch bệnh đối với các hãng hàng không. Đồng thời miễn, hoặc giãn thuế nhập khẩu đối với nhiên liệu máy bay, tăng hạn mức tín dụng ngắn hạn...
Hà Mai
Thanh niên
|