Chủ Nhật, 05/04/2020 09:00

Nỗi ám ảnh dịch bệnh - vết sẹo của nền kinh tế Trung Quốc

Trung Quốc dường như đã kiểm soát được sự lây lan của dịch Covid-19. Tuy nhiên, người tiêu dùng nước này vẫn không dám ra đường vì sợ, khiến các nhà hàng, cửa hiệu điêu đứng. 

Theo South China Morning Post, tuần này lệnh phong tỏa đã được nới lỏng nhưng đường phố và cửa hàng ở Bắc Kinh vẫn vắng vẻ. Tình trạng đó cho thấy dịch virus corona chủng mới có tác động sâu sắc và lâu dài đối với ngành dịch vụ Trung Quốc hơn tưởng tượng.

Nhiều nhà hàng, quán cà phê, quán rượu ở Bắc Kinh vẫn đóng cửa. Nhưng các hàng quán đã mở cửa trở lại cũng không có mấy khách hàng.

Vương Phủ Tỉnh - khu phố mua sắm nổi tiếng nhất Bắc Kinh - chỉ có lác đác vài người qua lại. Tại một cửa hàng Apple, nhân viên còn đông hơn người mua, tất cả đều đeo khẩu trang. Dọc con phố, nhiều cửa hàng đóng cửa từ trước khi mặt trời lặn.

Người Trung Quốc vẫn e ngại, chưa ra đường nhiều. Ảnh: Getty Images

Nỗi sợ vẫn còn

Trong một khu chợ ẩm thực ở trung tâm thành phố, chỉ có vài thực khách dùng bữa vào giờ cao điểm. Mỗi người chỉ được ngồi trong một bàn nhỏ để duy trì khoảng cách xã hội.

Trung Quốc dường như đã kiểm soát được sự lây lan của dịch virus trong nước. Tuy nhiên, số ca nhiễm Covid-19 đang gia tăng mạnh trên toàn cầu lại tạo ra một mối đe dọa mới.

Một cuộc khảo sát được công bố hôm 3/4 cho thấy các doanh nghiệp nhỏ Trung Quốc thuộc ngành dịch vụ vẫn đối mặt nhiều khó khăn. Chỉ số quản lý thu mua (PMI) trong tháng 3 là 43,0, tức lĩnh vực đang bị thu hẹp.

“Có quá ít khách hàng. Chúng tôi chỉ bán được khoảng 100 bát mì, bằng một nửa so với bình thường”, chủ một cửa hàng mì nỏi tiếng ở Bắc Kinh than vãn.

Một cửa hàng sách tại trung tâm thành phố mới mở cửa lại sau hai tháng rưỡi đóng cửa, nhưng chỉ có vỏn vẹn 4 khách hàng, một trong số đó là phóng viên của South China Morning Post. Cả 4 người đều được yêu cầu kiểm tra thân nhiệt và ghi lại thông tin cá nhân trước khi vào.

Người Trung Quốc không dám ăn ở ngoài vì nỗi lo dịch bệnh. Ảnh: AFP

Người lao động trong các ngành dịch vụ cũng hoang mang vì không biết đến bao giờ tình trạng này mới kết thúc. “Tôi chưa bao giờ thấy cửa hàng KFC trống rỗng như vậy”, một nhân viên của KFC tại Vương Phủ Tỉnh vừa nói vừa chỉ vào phòng ăn trống khách.

Một người bán tạp hóa tại khu chợ thực phẩm gần đó liên tục lắc đầu khi nói đến số lượng khách hàng sụt giảm. Tháng trước, sau khi chính phủ Trung Quốc mở cửa trở lại khoảng 500 rạp chiếu phim trên toàn cầu, mỗi rạp chỉ có khoảng 2 khán giả mỗi ngày.

Hiện, nhiều nơi trên khắp Trung Quốc áp dụng lại các biện pháp kiểm soát vì lo sợ dịch bùng phát lại. Người Trung Quốc cũng không dám ra ngoài ngay cả khi cửa hiệu, nhà hàng đã mở cửa.

Vết sẹo chưa lành

Thượng Hải đã đóng cửa một số địa điểm du lịch, Tứ Xuyên cũng đóng cửa các phòng hát karaoke. Trong khi đó, rạp chiếu phim trên cả nước bị đóng cửa sau một thời gian ngắn mở cửa trở lại.

Trong chuyến thăm đến Hàng Châu hôm 3/4, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhấn mạnh rằng cả nước phải giữ cảnh giác. “Nếu các bạn muốn xem một bộ phim, hãy xem trực tuyến thay vì đến rạp”, ông nói.

Lĩnh vực dịch vụ chiếm 60% nền kinh tế Trung Quốc và tạo ra phần lớn việc làm. Tốc độ phục hồi chậm chạp của ngành này gây thêm áp lực lớn cho nền kinh tế thứ hai thế giới, trong khi các nhà sản xuất công nghiệp vẫn chật vật vì số lượng đơn hàng quốc tế sụt giảm.

“Chỉ riêng thiệt hại về tiêu dùng của Trung Quốc cũng có thể kéo tăng trưởng kinh tế sụt giảm 4,5% trong quý II/2020. Nỗi sợ của người Trung Quốc vẫn chưa tan biến”, South China Morning Post dẫn lời ông Liang Zhonghua, chuyên gia phân tích vĩ mô tại Zhongtai Securities, nhận định.

Hiện, người từ nơi khác đến Bắc Kinh phải cách ly trong vòng 14 ngày, các cuộc tụ họp đông người vẫn bị cấm. Những biện pháp này khiến nhiều lao động nhập cư không thể quay lại làm việc. Không ít người dân địa phương chọn làm việc tại nhà dù chính quyền khuyến khích mọi người ra ngoài và chi tiêu.

Các rạp chiếu phim tại Trung Quốc tiếp tục bị đóng cửa. Ảnh: Getty Images

Hôm 1/4, lưu lượng hành khách của hệ thống tàu điện ngầm Bắc Kinh là 3,05 triệu hành khách/ngày, chưa bằng 1/3 cùng kỳ năm ngoái, trong khi lưu lượng xe ôtô giảm 15%, theo dữ liệu của chính phủ.

Theo South China Morning Post, các lệnh phong tỏa kéo dài đã làm thay đổi hành vi tiêu dùng của người dân Trung Quốc. Nhiều người chuyển sang nấu ăn tại nhà để cắt giảm chi tiêu. “Tôi sẽ tiếp tục nấu ăn tại nhà ngay cả khi mọi thứ trở lại bình thường vì rẻ và tốt cho sức khỏe hơn”, một luật sư tên Li tại Bắc Kinh tiết lộ.

Sự thay đổi trong thói quen tiêu dùng khiến doanh thu bán lẻ tại Bắc Kinh sụt giảm 17,9% trong 2 tháng đầu năm, trong khi mức giảm toàn quốc là 20,5%.

Kể từ ngày 18/3, các doanh nghiệp Bắc Kinh đã tung ra hàng loạt chương trình ưu đãi có tổng giá trị 150 triệu NDT (21,14 triệu USD) để thu hút khách hàng. Nhưng với những khó khăn kinh tế trước mắt, "cơn bão" mà doanh nghiệp và người tiêu dùng phải hứng chịu vẫn chưa qua đi.

Phương Thảo

Zing.vn

Các tin tức khác

>   Singapore đóng cửa trường học, công sở vì Covid-19 (04/04/2020)

>   Khuyến cáo 'về nước' của Thủ tướng Úc: Nhìn từ Luật Di trú để không hoang mang (04/04/2020)

>   Chủ nhân Nobel Kinh tế không hài lòng cách Mỹ đối phó Covid-19 (04/04/2020)

>   Thâm hụt thương mại hàng hóa giữa Mỹ với Trung Quốc giảm gần 40% (04/04/2020)

>   Tốc độ lây lan của nCoV tại Đức bắt đầu giảm (03/04/2020)

>   Bia Corona bị ngừng sản xuất vì virus Corona (03/04/2020)

>   Loạt thách thức trên đường hồi phục kinh tế của Trung Quốc (03/04/2020)

>   Fitch hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Hàn Quốc năm 2020 xuống -0,2% (03/04/2020)

>   Người hùng thầm lặng trong cuộc chiến chống dịch Covid-19 (04/04/2020)

>   Mỹ có số lao động xin trợ cấp thất nghiệp cao nhất trong lịch sử (03/04/2020)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật