Châu Âu cần một kế hoạch Marshall để ứng phó với dịch COVID-19
Hai cựu Ngoại trưởng Đức cảnh báo dịch COVID-19 về lâu dài có thể dẫn tới sự sụp đổ của EU nếu châu Âu không có một chương hỗ trợ kinh tế giống như Kế hoạch Marshall.
* Giới chức châu Âu đã làm gì cứu kinh tế
* Báo cáo triển vọng kinh tế ảm đạm ở các quốc gia châu Âu
* Tình cảnh chưa từng thấy, hãng hàng không số 1 Châu Âu sụp đổ
Chủ tịch EC Ursula von der Leyen trong cuộc họp báo về nỗ lực cứu vãn nền kinh tế EU trước ảnh hưởng dịch COVID-19, tại Brussels, Bỉ ngày 2/4/2020. (Ảnh: AFP/TTXVN)
|
Trong một bài viết trên báo Thế giới Chủ nhật (WaS), Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen đã đề cập đến kế hoạch đầu tư khổng lồ trong ngân sách của Liên minh châu Âu (EU).
Bà Leyen nói: “Chúng ta cần một kế hoạch Marshall cho châu Âu.”
Trong khi đó, Giám đốc Viện Kinh tế Đức (IW) Michael Hüther ủng hộ việc châu Âu tung ra “trái phiếu Corona”, coi đây như một “tín hiệu về tình đoàn kết” với những nước EU gặp khó khăn trong khủng hoảng như Italy và Tây Ban Nha.
Theo ông, "trái phiếu Corona" được tạo ra cho tình huống đặc biệt hiện nay cần có tổng trị giá từ 100-1.000 tỷ euro.
Hiện Chính phủ liên bang Đức vẫn từ chối một ý tưởng như vậy.
Trong khi đó, áp lực đang ngày càng gia tăng đối với EC liên quan việc tung ra “trái phiếu Corona.”
Ủy viên thị trường nội khối người Pháp Thierry Breton và Ủy viên Kinh tế người Italy Paolo Gentiloni đã kêu gọi các nước thành viên thành lập một quỹ trái phiếu cho vay dài hạn, được gọi là "trái phiếu Corona," để tái thiết nền kinh tế châu Âu sau khủng hoảng.
Hiện một số nước như Italy, Pháp, Tây Ban Nha,… ủng hộ biện pháp này, trong khi các nước Đức, Áo và Hà Lan lại phản đối.
Bệnh nhân mắc COVID-19 được điều trị tại bệnh viện dã chiến ở Madrid, Tây Ban Nha ngày 3/4/2020. (Ảnh: AFP/TTXVN)
|
Trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, hai cựu Ngoại trưởng Đức là Joschka Fischer và Sigmar Gabriel cảnh báo dịch COVID-19 về lâu dài có thể dẫn tới sự sụp đổ của EU nếu châu Âu không có một chương hỗ trợ kinh tế giống như Kế hoạch Marshall khổng lồ trước đây.
Trong bài bình luận đăng trên báo Tấm gương hằng ngày (Tagesspiegel), hai cựu ngoại trưởng viết: “Dịch COVID-19 có khả năng đẩy nhanh hai tiến trình đối nghịch nhau. Một là có thể làm sâu sắc thêm các rạn nứt tồn tại ở châu Âu và dẫn tới sự sụp đổi của liên minh, hoặc EU và các quốc gia thành viên có thể đoàn kết để cùng nhau chống dịch cũng như hậu quả của dịch."
Theo hai cựu ngoại trưởng, số tiền hỗ trợ mà EU dành cho Tây Ban Nha và Italy - hai quốc gia EU bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi COVID-19- là không đủ và cần phải có nhiều hơn nữa.
Theo hai ông, sự thành công về kinh tế của Đức sau cuộc Chiến tranh Thế giới thứ 2 sẽ không thể có được nếu không có tình đoàn kết của châu Âu.
Do đó, Berlin cần phải có trách nhiệm đặc biệt hỗ trợ các quốc gia khác trong cuộc khủng hoảng hiện nay.
Bài bình luận cho rằng đây là lý do Đức, bên cạnh Pháp, cần phải thể hiện sự sẵn sàng lãnh đạo châu Âu, với hai nhiệm vụ chính là hợp tác để cung cấp viện trợ trong khủng hoảng và đề ra một chương trình tái thiết chung sau khủng hoảng./.
Mạnh Hùng
Vietnam+
|