Campuchia: Xuất khẩu tăng 24% trong 2 tháng đầu năm
Theo dữ liệu của Bộ Kinh tế và Tài chính Campuchia, kim ngạch xuất khẩu của nước này tăng 24% trong 2 tháng đầu năm, đạt 2.563 tỷ USD dù phải đối mặt với ảnh hưởng của dịch Covid -19, Phnom Penh Post đưa tin.
Kim ngạch nhập khẩu đạt hơn 3.6 tỷ USD, tăng 22% so với cùng kỳ năm 2019.
Dữ liệu cho thấy các mặt hàng may mặc, giày dép, xe đạp và gạo đóng góp phần lớn vào tăng trưởng xuất khẩu, trong khi vật liệu xây dựng, máy móc và nhiên liệu là những mặt hàng nhập khẩu chính của Vương quốc.
Khu vực tư nhân cho rằng xuất khẩu của Vương quốc sẽ gánh chịu tổn thất nặng nề kể từ tháng 4 do Mỹ và châu Âu, những nền kinh tế hứng chịu thiệt hại lớn do đại dịch Covid-19, ngừng nhập khẩu hàng may mặc, giày dép và túi xách.
Theo Tổng Thư ký Ken Loo của Hiệp hội Các nhà sản xuất Hàng may mặc Campuchia (GMAC), Mỹ và châu Âu hiện đã dừng các đơn đặt hàng hàng hóa của Campuchia.
Ông Ken Loo nói: “Tôi nghĩ xuất khẩu của Campuchia sẽ giảm từ nay trở đi. Chúng tôi đang mất đi các thị trường xuất khẩu hàng may mặc, giày dép và các sản phẩm du lịch do dịch Covid-19 khiến Mỹ và châu Âu tạm dừng các đơn hàng. Khi nào dịch bệnh được khống chế và Mỹ, châu Âu mở cửa lại, chúng tôi mới có thể xuất khẩu đến các thị trường này được”.
Phó Chủ tịch Lim Heng của Phòng Thương mại Campuchia cũng đồng tình với quan điểm trên, ông cho rằng xuất khẩu của Vương được dự kiến bắt đầu sụt giảm kể từ tháng 4 này.
Ông nói: “Tôi nhận thấy xuất khẩu của Campuchia đã duy trì tăng trưởng ở 2 tháng trước do khi đó, dịch Covid-19 chưa lây lan nhanh chóng và rộng khắp như hiện nay”.
Bộ Thương mại gần đây kêu gọi những bên mua hàng may mặc, giày dép và các sản phẩm du lịch của Campuchia hãy tôn trọng các thỏa thuận mua hàng đang chờ giao.
Trong một thông báo, Bộ Thương mại nói: “Chúng tôi mong các bạn hãy tuân thủ các hợp đồng và đừng hủy đơn hàng đã đặt đối với những mặt hàng đã và đang trong quá trình sản xuất. Hãy góp phần vào sự phát triển xã hội của hàng triệu người Campuchia, họ đang phụ thuộc vào các lĩnh vực này để trang trải cuộc sống”.
GMAC cùng 9 thành viên khác thuộc mạng lưới Dệt may Bền Vững khu vực Đông Nam Á của 6 quốc gia sản xuất và xuất khẩu cũng đã kêu gọi tương tự.
Họ kêu gọi các công ty tên tuổi trên thế giới, các nhà bán lẻ và thương nhân hãy có trách nhiệm với các quyết định mua hàng bằng cách chấp nhận hàng hóa đã được giao và không rút lại các đơn đặt hàng hoặc thỏa thuận lại các điều khoản mua hàng.
Ông Loo nói: “Chúng tôi mong các bạn hợp tác để tất cả chúng ta có thể duy trì và tôn trọng những cam kết về quyền lao động, trách nhiệm xã hội cũng như để xây dựng lại chuỗi cung ứng bền vững. Chúng tôi yêu cầu các bạn hãy tôn trọng điều khoản của các thỏa thuận mua hàng đối với các đơn hàng đã đặt. Hãy hoàn thành nghĩa vụ của bạn và đừng thỏa thuận lại các điều khoản thanh toán. Hãy nhận hàng và thực hiện thanh toán như đã thỏa thuận đối với các sản phẩm đã được sản xuất cũng như đang trong quá trình sản xuất”.
Ông Loo nói thêm: “Tôi chắc rằng nếu tất cả chúng ta cùng hợp tác và làm việc, chúng ta sẽ vượt qua được những khó khăn và mạnh mẽ hơn. Quan trọng hơn là công nhân cũng có thể vượt qua khó khăn và chúng ta có thể gầy dựng lại cuộc sống, hoạt động kinh doanh và cả ngành dệt may”.
Đỗ Thảo (Theo Phnom Penh Post)
FILI
|