Myanmar đối mặt với áp lực lạm phát
Theo dữ liệu mới nhất của Tổ chức Thống kê Trung ương Myanmar, mức lạm phát trong tháng 8 đã tăng lên đến 8.53% và được kỳ vọng sẽ tiếp tục gia tăng trong những tháng còn lại của năm nay do giá điện tăng, theo The Myanmar Times.
Theo đó, lạm phát đã tăng từ mức 6.94% hồi tháng 1 do được thúc đẩy bởi giá cả thực phẩm tăng, bao gồm gạo, dầu ăn, thịt, cá, rau củ và những hàng hóa cơ bản khác. Giá các sản phẩm khác không phải là thực phẩm như giá vàng và giá xăng cũng biến động ngay cả khi đồng nội tệ tương đối bình ổn so với USD.
Theo báo cáo cập nhật Kinh tế Đông Á-Thái Bình Dương của Ngân hàng Thế giới (WB) phiên bản tháng 10/2019, các áp lực lạm phát đối với Myanmar được kỳ vọng vẫn duy trì ở mức cao trong trung hạn với mức lạm phát dự báo trong năm nay là 8.5%.
Theo WB, giá cả đang ngày càng gia tăng là do giảm nguồn cung. Theo dữ liệu của Chính phủ, trong năm nay, hơn 600,000 cánh đồng lúa của Myanmar đã bị ngập lụt, trong số đó có khoảng 20% đã bị hư hại. Trong khi đó, những tổn thất đối với các công trình cầu, đường chính gần biên giới Myanmar - Trung Quốc do chiến tranh giữa các nhóm bạo loạn và Lực lượng Vũ trang Myanmar hồi tháng rồi cũng đã đẩy giá cả lên cao hơn nữa.
Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cũng cảnh báo về lạm phát cao hơn tại Myanmar. ADB dự báo mức lạm phát trong năm nay tại Myanmar sẽ chạm 8%, cao hơn so với mức dự báo đưa ra hồi tháng 4 là 6.8%. Thực tế, các mức hiện nay cũng như những con số dự báo về lạm phát của Myanmar đang ở mức cao nhất tại khu vực Đông Nam Á.
Một trong những nguyên nhân khác góp phần thúc đẩy lạm phát tăng là tăng giá điện, được áp dụng kể từ đầu tháng 7 năm nay.
Tại thị trường trong nước, người dân đã bắt đầu cảm nhận được hệ quả của chi phí sản xuất cao hơn do tăng giá điện. Do chi phí sẽ được chuyển đến người tiêu dùng nên giá cả của những thực phẩm cơ bản như mì chiên, bánh ngọt, bánh mì, thức uống và cả thuốc lá, bia cũng tăng dần kể từ tháng 8.
Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng việc tăng giá điện vẫn là một động thái tốt trong dài hạn.
U Aung Ko Ko, một thành viên nhóm cố vấn kinh tế của Liên minh Quốc gia vì Dân chủ, cho rằng: “Sự thật là giá điện tăng sẽ tốt hơn cho đất nước so với việc giảm cung cấp điện. Giảm cung điện có thể khiến thâm hụt ngân sách lớn hơn, điều này cuối cùng sẽ ảnh hưởng đến chính người dân. Chúng ta cần nhìn vào những lợi ích dài hạn, dù rằng có thể có một số thách thức như lạm phát cao trong ngắn hạn. Chúng ta thậm chí có thể chứng kiến kết quả tốt đẹp hơn nếu các chủ doanh nghiệp không lợi dụng cơ hội này để tăng giá sản phẩm”.
Dù đối mặt với những áp lực về lạm phát nhưng nền kinh tế Myanmar vẫn được WB kỳ vọng sẽ đạt mức tăng trưởng 6.6% trong năm 2019 nhờ sự thúc đẩy từ gia tăng xuất khẩu, lượng khách du lịch quốc tế và đầu tư trực tiếp nước ngoài.
WB cũng dự báo tăng trưởng kinh tế của Myanmar vào các năm 2021 và 2022 lần lượt sẽ là 6.7% và 6.8%. Các giải pháp chính sách để khuyến khích đầu tư cũng có khả năng thúc đẩy tăng trưởng trong các lĩnh vực sản xuất, bảo hiểm và xây dựng.
Đỗ Thảo (Theo The Myanmar Times)
FILI
|