Myanmar: Lạm phát chạm mức cao nhất 12 tháng
Theo dữ liệu công bố mới nhất của Tổ chức Thống kê Trung ương (CSO), tỷ lệ lạm phát năm 2019 của Myanmar chạm mức 8.81% hồi tháng 12, mức cao nhất trong 12 tháng, Myanmar Times đưa tin.
Nguyên nhân chính khiến tỷ lệ lạm phát gia tăng do biểu giá điện tăng mạnh, được Chính phủ áp dụng hồi tháng 7/2019.
Bên cạnh đó, theo CSO, mốt số yếu tố khác cũng khiến lạm phát cao hơn, trong đó có gia tăng giá thực phẩm như gạo, dầu ăn, thịt, rau củ và những mặt hàng cơ bản khác, chủ yếu do ảnh hưởng bởi tình trạng biến động tỷ giá. Sự biến động này còn ảnh hưởng đến các mặt hàng không phải thực phẩm, chủ yếu là nhiên liệu nhập khẩu.
Dù vậy, các chuyên gia không dự báo giá cả sẽ tiếp tục tăng. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo lạm phát sẽ giảm dần về 6-7% trong vài tháng tới do sự ảnh hưởng nhất thời của biểu giá điện tăng sẽ kết thúc và áp lực từ xu hướng tăng giá thực phẩm sẽ lắng dịu.
Trong khi Ngân hàng Thế giới (WB) đồng ý rằng sự ảnh hưởng của giá điện cao chỉ là tạm thời, họ cũng cảnh báo áp lực từ giá cả cao hơn có thể tiếp tục diễn ra do các doanh nghiệp có thể đẩy chi phí điện cao hơn sang cho người tiêu dùng.
Trong báo cáo gần đây, WB lưu ý tỷ lệ lạm phát cao có thể ảnh hưởng bất lợi đến những hộ có thu nhập thấp và làm giảm tính cạnh tranh thương mại. Lạm phát cao gây khó khăn cho những người hưởng lương cố định và thu nhập thấp do họ phải chi tiêu phần lớn thu nhập vào việc mua thực phẩm.
Theo WB, tính cạnh tranh bên ngoài của Myanmar cũng có thể yếu hơn nếu tỷ lệ lạm phát của nước này vượt những đối tác thương mại chính trong một thời gian lâu.
Lạm phát của Myanmar chạm mức đỉnh điểm trên 10% hồi tháng 4/2016. Đến tháng 3/2018, Chính phủ đã kiểm soát thành công và đưa tỷ lệ lạm phát về mức thấp 4%.
Đỗ Thảo (Theo Myanmar Times)
FILI
|