Mỹ thông qua dự luật giảm tác động kinh tế do dịch COVID-19
Các hãng hàng không lớn của Mỹ ngày 16/3 yêu cầu chính phủ nước này cứu trợ hơn 50 tỷ USD, trong bối cảnh Nhà Trắng đang khẩn cấp xây dựng một gói hỗ trợ tài chính do ảnh hưởng của COVID-19.
* Goldman Sachs hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Mỹ do dịch COVID-19
* 5 chỉ báo sớm về ảnh hưởng của Covid-19 tới kinh tế Mỹ
Ảnh chỉ có tính minh họa. (Nguồn: Air Cago Week)
|
Sáng 17/3 (giờ Việt Nam), Hạ viện Mỹ đã thông qua dự luật giảm thiểu tác động kinh tế do dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 gây ra.
Theo phóng viên TTXVN tại Washington, dự luật bao gồm các điều khoản cho phép người lao động Mỹ nghỉ phép hưởng lương trong tình huống khẩn cấp và được xét nghiệm miễn phí virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19. Dự luật sẽ được chuyển tới Thượng viện để bỏ phiếu thông qua.
Trước khi Hạ viện tiến hành bỏ phiếu, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã bày tỏ sự ủng hộ dự luật. Trên trang mạng Twitter, ông nhấn mạnh rằng dự luật này là bước tiếp theo sau khi ông yêu cầu miễn phí xét nghiệm SARS-CoV-2 và trả lương nghỉ ốm cho những người lao động bị ảnh hưởng.
Tổng thống Trump nêu rõ: "Tôi đã chỉ đạo Bộ trưởng Tài chính và Bộ trưởng Lao động ban hành các quy định tạo điều kiện linh hoạt giúp các doanh nghiệp nhỏ không bị ảnh hưởng. Tôi khuyến khích các nghị sỹ đảng Cộng hòa và Dân chủ hợp tác với nhau và thông qua dự luật".
Cùng ngày, chính quyền Tổng thống Trump và các nghị sỹ đảng Cộng hòa hàng đầu đã lên tiếng kêu gọi Thượng viện nhanh chóng thông qua dự luật trên cũng như cân nhắc nghiêm túc về một dự luật kích thích kinh tế mới quy mô lớn.
Trao đổi với báo giới sau cuộc gặp các thượng nghị sỹ của đảng Cộng hòa, Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin cho hay ông đang tìm kiếm một “con số lớn” dành cho gói kích thích bổ sung nhằm hỗ trợ nền kinh tế Mỹ trong bối cảnh dịch COVID-19 bùng phát.
Ông nêu rõ: "Chúng tôi sẽ tìm kiếm sự hỗ trợ cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng như một số ngành nghề nhất định chịu ảnh hưởng nặng nề do dịch bệnh như hàng không, khách sạn...."
Lần đầu tiên kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát tại Mỹ, Tổng thống Trump đã phải thừa nhận nền kinh tế đầu tàu thế giới "có lẽ" đang đi theo hướng suy thoái, sau khi dịch bệnh đã cướp đi sinh mạng của hơn 7.000 người trên toàn cầu và khiến chứng khoán Phố Wall trải qua ngày tồi tệ nhất kể từ năm 1987, mất gần 13% giá trị. Trong bối cảnh Mỹ theo chân các quốc gia châu Âu đóng cửa trường học, các địa điểm công cộng, rạp chiếu phim, nhà hàng, quán bar, ông chủ Nhà Trắng dự báo cuộc khủng hoảng mang tên COVID-19 sẽ còn kéo dài ít nhất là vài tháng.
Hiện dịch COVID-19 đã lan rộng trên 49 bang, thủ đô Washington và các vùng lãnh thổ Mỹ là Puerto Rico, Guam, Virgin. Bang New Jersey và thành phố San Francisco trong ngày 16/3 đã phải ban bố lệnh giới nghiêm trong nỗ lực ngăn chặn dịch bệnh lây lan. Trong khi đó, Puerto Rico đã trở thành vùng lãnh thổ đầu tiên của Mỹ áp đặt lệnh giới nghiêm từ 21h tối tới 5h sáng hôm sau.
Thống đốc Wanda Vazquez cho biết người dân được yêu cầu ở trong nhà 24/7 cho tới ngày 30/3 tới. Chỉ những người được phép mới có thể ra khỏi nhà trong khoảng 5h sáng tới 21h tối để mua thực phẩm, xăng dầu hoặc thuốc men.
Dịch bệnh bùng phát cũng khiến nhiều bang hoãn tổ chức các cuộc bầu cử sơ bộ của đảng Dân chủ sang tháng 6. Bất chấp sự từ chối của thẩm phán, Thống đốc bang Ohio Mike DeWine ngày 16/3 tuyên bố sẽ hoãn tổ chức cuộc bầu cử sơ bộ tại bang này, dự kiến sẽ diễn ra trong ngày 17/3. Ông DeWine cho biết Giám đốc Cơ quan Y tế bang Ohio sẽ ra lệnh hoãn tổ chức các cuộc bỏ phiếu như một phần của biện pháp y tế khẩn cấp.
Trong một diễn biến khác, các hãng hàng không lớn của Mỹ ngày 16/3 yêu cầu chính phủ nước này cứu trợ hơn 50 tỷ USD, trong bối cảnh Nhà Trắng đang khẩn cấp xây dựng một gói hỗ trợ tài chính sau khi nhu cầu đi lại ở Mỹ giảm mạnh do ảnh hưởng của dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.
Airlines for America, tổ chức đại diện cho nhiều hãng hàng không lớn ở Mỹ, cảnh báo nếu không hành động, các hãng hàng không có thể sẽ “khánh kiệt” vào cuối năm nay, thậm chí là sớm hơn nếu các công ty thẻ tín dụng bắt đầu từ chối thanh toán, và các hãng hàng không cùng nhiều công ty khác trong ngành sẽ phải cho hàng chục nghìn nhân viên nghỉ việc.
Airlines for America cho biết ngành hàng không đang cần 25 tỷ USD trợ cấp và 25 tỷ USD vốn vay, cùng các chính sách miễn giảm thuế lớn trị giá hàng chục tỷ USD đến ít nhất là hết năm 2021. Ngành hàng không Mỹ cũng tìm kiếm một gói cứu trợ trị giá 8 tỷ USD dành cho các hãng vận chuyển hàng hóa.
Bên cạnh đó, theo các nguồn thạo tin, các sân bay ở Mỹ đang đề nghị chính phủ hỗ trợ khẩn cấp 10 tỷ USD. Các nguồn tin này cho hay các sân bay đang thảo luận với Nhà Trắng và các nghị sỹ Mỹ. Hội đồng các sân bay quốc tế-Bắc Mỹ (ACI-NA) đã thay đổi dự báo về mức thiệt hại trong năm nay lên ít nhất là 8,7 tỷ USD và cảnh báo con số này có thể còn gia tăng.
Nếu đề nghị trên được chấp thuận, các hãng hàng không sẽ nhận được hỗ trợ tài chính trong vòng 15 ngày. Các hãng hàng không Mỹ đã cắt giảm số chuyến bay và nhóm họp với Nhà Trắng vào tuần trước để kêu gọi hành động khẩn cấp./.
Vietnam+
|