Các nền kinh tế lớn nỗ lực thoát khỏi 'bóng đen' của đại dịch Covid-19
Để đối phó với đại dịch Covid-19, các nền kinh tế lớn đã đưa ra nhiều biện pháp "giải cứu", tăng sức "đề kháng" để tránh nguy cơ suy thoái nghiêm trọng.
* Fed tung gói hỗ trợ chưa từng có, tác động thế nào với Việt Nam?
* Nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu bất chấp Fed cắt giảm lãi suất
* Dịch bệnh COVID-19 lây lan, Fed giảm lãi suất về gần 0%
Ðại dịch Covid-19 đã lan rộng toàn thế giới, đẩy kinh tế toàn cầu đối mặt nguy cơ suy thoái nghiêm trọng. Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) vừa cảnh báo rằng, tác động của dịch sẽ làm chậm lại đà tăng trưởng kinh tế thế giới, thậm chí có thể rơi vào cuộc khủng hoảng tồi tệ hơn cả khủng hoảng tài chính cách đây hơn chục năm.
Cuộc chiến chống dịch Cobid-19 đang ngày càng quyết liệt trên mặt trận kinh tế. (Ảnh minh họa: fpri.org)
|
Trước lo ngại đại dịch Covid-19 đang phủ "bóng đen" lên triển vọng kinh tế toàn cầu, Tổng Giám đốc IMF Kristalina Georgieva kêu gọi các nỗ lực ứng phó chung. IMF nhận định, tác động của dịch Covid-19 sẽ làm tăng trưởng kinh tế toàn cầu chững lại, suy giảm dưới mức 2,9% của năm 2019.
Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) ngày 2/3 đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu xuống chỉ còn 2,4% - mức tăng chậm nhất kể từ năm 2009.
Hội nghị Liên Hợp Quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD) cảnh báo, dịch Covid-19 có thể khiến kinh tế toàn cầu tổn thất đến 2.000 tỷ USD trong năm nay.
UNCTAD nhận định, những nền kinh tế bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất là những quốc gia phụ thuộc nặng nề vào xuất khẩu dầu thô và những mặt hàng khác, cũng như những nước có quan hệ thương mại mật thiết với Trung Quốc và những quốc gia bị Covid-19 tấn công đầu tiên.
Mới đây, Bloomberg cũng đưa ra 4 kịch bản kinh tế đối với nền kinh tế toàn cầu do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Theo kịch bản tệ nhất, nền kinh tế Mỹ, Nhật Bản và khu vực đồng euro đều rơi vào suy thoái, tăng trưởng GDP thế giới giảm về mức 0%, sản lượng toàn cầu tổn thất đến 2.700 tỷ USD.
Giới phân tích cho rằng, khủng hoảng dịch bệnh sẽ kéo theo khủng hoảng kinh tế khi các doanh nghiệp đối mặt nguy cơ vỡ nợ, thị trường chứng khoán liên tục chìm trong sắc đỏ.
Nền kinh tế toàn cầu lao đao và đối mặt suy thoái, thị trường chứng khoán rơi tự do. (Ảnh minh họa: Reuters)
|
Trong bối cảnh nêu trên, hạn chế tác động tiêu cực của dịch về kinh tế đang là ưu tiên hàng đầu của tất cả các nền kinh tế lớn. Tại châu Âu - tâm dịch mới của thế giới hiện nay, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) vừa thông qua gói kích thích kinh tế trị giá 120 tỷ euro nhằm hỗ trợ các nền kinh tế khu vực.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen mô tả dịch Covid-19 là "cú sốc" lớn với nền kinh tế châu Âu. Bà cho biết Liêm minh châu Âu (EU) sẽ huy động ít nhất 37 tỷ euro (tương đương 41 tỷ USD) để chống dịch bệnh.
Nền kinh tế số 1 châu Âu là Ðức cũng tung ra gói cứu trợ kinh tế lớn nhất trong lịch sử hậu chiến của nước này. Theo đó, Chính phủ Ðức quyết định hỗ trợ 550 tỷ euro cho các công ty mới khởi nghiệp. Để bảo vệ nền kinh tế, Thủ tướng Đức Angela Merkel cho biết bà sẵn sàng đảo ngược quy tắc duy trì ngân sách cân bằng.
Tại nền kinh tế lớn nhất thế giới là Mỹ, Tổng thống Donald Trump tuyên bố sẽ đưa ra các biện pháp then chốt nhằm hỗ trợ nền kinh tế. Cụ thể, Chính phủ Mỹ đang xem xét việc cắt giảm thuế để giúp khuyến khích chi tiêu tiêu dùng và hỗ trợ các hộ gia đình đang gặp khó khăn trong việc trả tiền thuê nhà và tiền nợ thế chấp đúng hạn, hay trang trải các chi phí y tế khi số giờ làm việc của các thành viên trong gia đình bị rút ngắn trong thời gian bùng phát dịch bệnh.
Ngày 3/3, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã quyết định hạ lãi suất khẩn cấp để ứng phó với nguy cơ dịch Covid-19 tác động đến nền kinh tế nước này. Đến ngày 15/3, Fed lại tuyên bố sẽ cắt lãi suất cơ bản xuống còn từ 0% đến 0,25% - mức thấp nhất kể từ năm 2008 - nhằm tăng sức "đề kháng" cho nền kinh tế Mỹ.
Fed vừa thông báo cắt lãi suất cơ bản đồng USD xuống còn từ 0% đến 0,25%. (Ảnh minh họa: KT)
|
Trung Quốc cũng đã tung ra các biện pháp mới để vực dậy "sức khỏe" cho nền kinh tế số 2 thế giới đang bị tác động bởi đại dịch. Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) thông báo sẽ tiến hành cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với các ngân hàng có đủ điều kiện từ ngày 16/3. Ðộng thái này sẽ giúp khơi thông 78,6 tỷ USD từ các khoản dự trữ dài hạn để giúp các ngân hàng trong nước có thêm vốn để "bơm" vào nền kinh tế.
Tại các nền kinh tế lớn khác như Hàn Quốc, Nhật Bản, các biện pháp "giải cứu" nền kinh tế khỏi nguy cơ suy thoái cũng đã được lên kế hoạch và triển khai. Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã hối thúc nước này triển khai các biện pháp "chưa từng có" để ứng phó những hậu quả kinh tế của dịch. Ngân hàng trung ương Hàn Quốc (BoK) đang xem xét tổ chức một cuộc họp khẩn cấp để bàn thảo về khả năng cắt giảm lãi suất để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.
Trong khi đó, tại nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới là Nhật Bản, Thủ tướng Shinzo Abe cho biết sẽ xem xét các lựa chọn khác nhau, bao gồm đề xuất tạm thời cắt giảm thuế tiêu dùng để hỗ trợ nền kinh tế.
Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, thách thức đối với các ngân hàng trung ương lúc này là họ đang cạn kiệt các biện pháp tiền tệ sau một thời gian dài ứng phó với tác động tiêu cực của các cuộc chiến thương mại, căng thẳng địa chính trị và tác động của lạm phát thấp. Một số người đã kêu gọi các chính phủ điều chỉnh mức chi tiêu, song vấn đề nợ công vẫn là một thách thức.
Các chuyên kinh tế hy vọng rằng một khi dịch Covid-19 được kiểm soát, môi trường lãi suất thấp hơn sẽ tạo ra những khoảng trống để làm dịu đi những khó khăn tài chính của nhiều công ty và giúp nền kinh tế thế giới nhanh chóng phục hồi một khi virus đã được kiểm soát./.
Trần Ngọc
VOV
|