Các nước làm gì để cứu hàng không giữa mùa dịch?
Dịch Covid-19 giáng đòn nặng nề vào ngành hàng không, du lịch, khiến nhiều quốc gia phải gấp rút đưa ra chính sách hỗ trợ doanh nghiệp hàng không trong giai đoạn khó khăn.
* Hãng hàng không Flybe của Anh tuyên bố phá sản do kinh doanh bết bát
* Nhiều hãng hàng không châu Á đứng trước bờ vực phá sản vì Covid-19
Theo Tổ chức hàng không dân dụng quốc tế (IATA), thiệt hại mà dịch Covid-19 gây ra cho hàng không toàn cầu đã lên hơn 110 tỷ USD, tăng mạnh so với ước tính trước đó của tổ chức này là 29 tỷ USD.
Đã có những hãng hàng không đầu tiên trên thế giới tuyên bố phá sản vì Covid-19, buộc các chính phủ phải có điều chỉnh về chính sách cũng như hỗ trợ về tài chính để giúp ngành hàng không sinh tồn qua dịch.
Dịch Covid-19 đã giáng đòn nặng nề vào ngành hàng không, du lịch, khiến nhiều quốc gia phải gấp rút đưa ra chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp hàng không.
|
Cụ thể, tại Trung Quốc, điểm nóng về dịch đầu tiên trên thế giới, chính phủ nước này đã thực hiện trợ giá cho các hãng hàng không ngay từ đầu tháng 3. Với mỗi hãng bay nội địa và quốc tế không dừng khai thác hoặc khai thác trở lại các đường bay quốc tế trong mùa dịch sẽ nhận được trợ giá 0,0176 nhân dân tệ cho mỗi km/ghế với các chuyến dạng nối chuyến.
Với đường bay thẳng, mức trợ giá sẽ là 0.0528 nhân dân tệ cho mỗi km/ghế mà các hãng cung ứng. Điều này đồng nghĩa với một chuyến bay thẳng bằng máy bay thân rộng từ Bắc Kinh tới Singapore, các hãng bay sẽ nhận khoản trợ giá khoảng gần 60.000 nhân dân tệ, tương đương gần 200 triệu đồng.
Chính phủ Trung Quốc cũng nêu rõ, với những hãng hàng không thực hiện những chuyến bay khẩn cấp, mức hỗ trợ sẽ còn cao hơn để doanh nghiệp bù đắp chi phí.
Với một quốc gia coi hàng không là một trong những công cụ chính để điều chỉnh ngành du lịch và kinh tế, Thái Lan đã có nhiều chính sách đi vào hiệu lực để giúp các hãng bay vượt dịch. Ngay từ khi dịch bệnh lây lan, chính phủ Thái Lan đã ngay lập tức giảm 96% thuế môi trường đối với nhiên liệu trong 7 tháng (từ 6/2 đến 30/9) cho các đường bay nội địa.
Chính phủ Thái Lan cũng đang xét duyệt giảm 20-50% phí bay qua bầu trời, giảm 50% phí cất hạ cánh, sân đỗ cũng như giảm 30% phí sân bay cho khách hàng không nước này.
Tại Singapore, Chính phủ đã đưa ra gói hỗ trợ lên đến 4 tỷ SGD (khoảng 2,8 tỷ USD) trong đó bao gồm miễn giảm thuế TNDN (25% trên tổng số thuế phải đóng), đồng thời giảm chi phí cất cánh, hạ cánh, chi phí phục vụ mặt đất tại sân bay Changi. Riêng sân bay Changi cũng được hưởng mức giảm 15% thuế bất động sản.
Đồng thời, các doanh nghiệp Singapore cũng được vay ưu đãi tối đa mỗi doanh nghiệp 1 triệu SGD với mức lãi suất trần 5%/năm.
Các hãng hàng không tại Philippines cũng đang mong chờ được vay ưu đãi để thanh toán các khoản chi phí ngắn hạn trong bối cảnh doanh thu thất thoát nghiêm trọng vì dịch Covid-19. Lãnh đạo nhiều hãng bay tại đây khẳng định hỗ trợ tài chính của chính phủ có thể đến từ những khoản vay lãi suất thấp tại Ngân hàng Phát triển Philippines, một ngân hàng quốc doanh.
Với những khó khăn như vậy, ngay từ đầu dịch, Cục Hàng không Việt Nam đề xuất Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) báo cáo Chính phủ cho phép ban hành chính sách hỗ trợ giá dịch vụ hàng không cho các hãng hàng không.
Cơ quan này mong muốn Chính phủ thông qua áp dụng chính sách giảm 50% giờ cất hạ cánh tàu bay và giá dịch vụ điều hành bay đi đến đối với các chuyến bay nội địa, thời gian dự kiến từ 1/3 đến 31/5, giai đoạn các hãng bay đang mong muốn kích cầu trong dịch Covid-19. Cục cũng đề xuất có thể điều chỉnh tùy theo diễn biến của dịch bệnh.
Nhiều chính sách hỗ trợ ngành hàng không Việt Nam đã được đề xuất, nhưng tới giữa tháng 3 vẫn chưa có đề xuất nào hiệu lực.
|
Bên cạnh đó, nhà chức trách hàng không cũng đề xuất cho phép áp dụng mức giá tối thiểu 0 đồng đối với các dịch vụ chuyên ngành hàng không thuộc danh mục Nhà nước quy định khung giá. Việc này nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ thực hiện giảm giá cho các hãng hàng không và các doanh nghiệp sử dụng dịch vụ khác, từ đó gián tiếp giảm giá vé máy bay.
Cục cũng đề nghị Bộ GTVT báo cáo Chính phủ giao Bộ Tài chính chủ trì xem xét việc miễn thuế nhập khẩu, thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay trong thời hạn 3 tháng.
Nếu cân đối ngân sách gặp khó khăn, cơ quan này đề xuất thực hiện chính sách giảm 50% thuế nhập khẩu, thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay. Đồng thời, cho phép các doanh nghiệp được giãn thời hạn nộp thuế và các khoản đóng góp ngân sách.
Những đề xuất trên được kỳ vọng sẽ giúp các hãng bay giảm thiểu thiệt hại trong mùa dịch và đưa giá vé máy bay xuống mức dễ tiếp cận hơn nữa với khách bay nội địa. Tuy nhiên các chính sách hỗ trợ này vẫn dừng ở mức đề xuất và chưa đi vào hiệu lực.
Hồng Khang
Zing.vn
|