Grab khẳng định vẫn tiếp tục mở rộng hoạt động tại Việt Nam
Ngay sau phiên tòa, Grab khẳng định phán quyết của tòa phúc thẩm không ảnh hưởng đến hoạt động hiện tại cùng kế hoạch mở rộng hoạt động của Grab tại Việt Nam và cam kết sẽ tiếp tục tuân thủ chặt chẽ hướng dẫn khi thực hiện nghị định 10.
Luật sư Nguyễn Hải Vân (bảo vệ Vinasun) hỏi đại điện của Grab tại phiên tòa phúc thẩm - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG
|
Ngay sau phiên tòa phúc thẩm, Công ty TNHH Grab đã có thông cáo báo chí, khẳng định phán quyết của tòa phúc thẩm không ảnh hưởng đến hoạt động hiện tại cùng kế hoạch mở rộng hoạt động của Grab tại Việt Nam và cam kết sẽ tiếp tục tuân thủ chặt chẽ hướng dẫn của Chính phủ, các bộ, ngành khi thực hiện nghị định 10.
Về kết quả phiên tòa phúc thẩm, đơn vị này cho rằng không có đủ bằng chứng thuyết phục để xác định Grab đã vi phạm các quy định về kinh doanh vận tải và vi phạm đề án 24. Tòa án đã vượt quá thẩm quyền khi can thiệp quyền hành pháp của Chính phủ và tạo nên tiền lệ không tốt, có thể dẫn đến thêm nhiều vụ kiện không công bằng và thiếu cạnh tranh xảy ra.
Trong tương lai, nếu bất kỳ doanh nghiệp nào không hài lòng với mô hình kinh doanh của một doanh nghiệp khác, họ cũng sẽ lợi dụng tòa án để kiện đối thủ của mình và đạt được phán quyết như mong muốn.
Phía Grab cho rằng tòa án đã vi phạm tố tụng, vi phạm khi áp dụng pháp luật nội dung. Lợi nhuận của Vinasun bị giảm sút là do các yếu tố nội tại của Vinasun, chứ không liên quan gì đến Grab...
Đơn vị này cho biết trên thực tế, Bộ Giao thông vận tải và các bộ ngành có liên quan đã xây dựng khung pháp lý cho các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ kết nối như Grab tiếp tục hoạt động kinh doanh, không còn giới hạn trong 5 tỉnh thành tham gia thí điểm, mà sẽ được phép hoạt động trên toàn quốc theo nghị định 10 (thay thế nghị định 86).
Điều này bao gồm việc tạo ra sân chơi bình đẳng để các doanh nghiệp taxi và công ty công nghệ có thể cùng tồn tại song song nhằm đáp ứng nhu cầu di chuyển của người dùng Việt Nam ngày càng tốt hơn.
Grab khẳng định phán quyết của tòa phúc thẩm không ảnh hưởng đến hoạt động hiện tại và kế hoạch mở rộng hoạt động của Grab tại Việt Nam. Đồng thời, Grab cam kết sẽ tiếp tục tuân thủ chặt chẽ hướng dẫn của Chính phủ, các bộ, ngành khi thực hiện nghị định 10.
Đồng thời, Grab cho biết sẽ tiếp tục thực hiện các thủ tục pháp lý cần thiết để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
Chiều 10-3, TAND cấp cao tại TP.HCM đã tuyên bác kháng cáo của Vinasun, bác kháng cáo của Grab và kháng nghị của VKS, giữ nguyên bản án sơ thẩm. Theo đó, Grab phải bồi thường cho Vinasun 4,8 tỉ đồng.
Cấp phúc thẩm cho rằng cách thức kinh doanh của Grab không phải là cung cấp kết nối hành khách và lái xe theo đề án 24, mà là kinh doanh vận tải taxi. Lợi ích mà Grab mang lại là không thể phủ nhận, tuy nhiên mô hình này đang biến tướng gây ra nhiều hệ lụy cho kinh tế và xã hội.
|
TUYẾT MAI
Tuổi trẻ
|