Thời trang ngoại đổ bộ, hàng nội địa trước cuộc chiến khốc liệt
Sau Zara, HM thì Uniqlo cũng đã có mặt tại thị trường Hà Nội. Trong khi người tiêu dùng hồ hởi thì các thương hiệu trong nước đứng trước cuộc cạnh tranh khốc liệt.
Điểm đến của các đại gia
Việc ngày càng có nhiều thương hiệu thời trang nổi tiếng thế giới vào Việt Nam là tất yếu vì nhu cầu của thị trường ngày càng cao, thẩm mỹ của khách hàng cũng nâng lên. Thị trường bán lẻ thời trang Việt Nam luôn được các ông lớn nước ngoài đánh giá là khá tiềm năng, sau khi các trung tâm mua sắm lớn như Bangkok hay Singapore đã trở nên bão hoà. Một thị trường mới nổi như Việt Nam có nguồn khách hàng tiêu dùng trẻ, khả năng chi tiêu nhiều và chuộng các thương hiệu nước ngoài.
Theo thống kê từ công ty nghiên cứu thị trường Statista, quy mô thị trường quần áo Việt Nam năm 2019 ước tính đạt 5,6 tỷ USD, với mức tăng trưởng kỳ vọng 8,8% mỗi năm trong giai đoạn 2019-2023. Đặc biệt, 97% doanh thu thị trường đến từ những mặt hàng quần áo bình dân, không phải hàng cao cấp (Non-Luxury Goods).
Ngoài ra, Việt Nam cũng nằm trong top 10 nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng người siêu giàu nhanh nhất thế giới giai đoạn 2012-2017, với 12,7% mỗi năm, theo báo cáo mới của hãng nghiên cứu Wealth-X. Tốc độ này chỉ đứng sau Bangladesh (17,3%) và Trung Quốc (13,4%).
Thời trang Nhật tiến ra Hà Nội
|
Có mặt sớm hơn, Zara (từ 2016) và H&M (từ 2017) là hai cái tên nổi bật trong thị trường thời trang nhanh tại Việt Nam. H&M đã vượt Zara với 8 cửa hàng tại các thành phố trung tâm Việt Nam, trong khi thương hiệu tới từ Tây Ban Nha đang sở hữu hai cửa hàng ở Hà Nội và TP.HCM.
Tháng 12 năm ngoái, thương hiệu thời trang Nhật Uniqlo đã khai trương cửa hàng đầu tiên tại TP.HCM. Cotton:On - nhãn hiệu thời trang toàn cầu lớn nhất của Úc, với hệ thống hơn 1.400 cửa hàng tại 19 quốc gia - cũng chính thức gia nhập thị trường Việt Nam. Các thương hiệu phân khúc trung bình như GAP, Topshop, Mango... cũng liên tục mở rộng hệ thống.
Sau khi đặt chân tại TP.HCM, ghi nhận sự thành công đáng kể, các thương hiệu này bắt đầu chinh chiến ra Hà Nội. Theo sau H&M và Zara, Uniqlo đã chính thức khai trương cửa hàng thứ 4 tại thị trường Đông Nam Á sau Philipines, Singapore, với diện tích 2.500m2, gồm 2 tầng trưng bày.
Các ông lớn ngoại đã gặt hái được khá nhiều thành công ở thị trường Việt Nam. Doanh thu thuần của H&M năm 2018 tại Việt Nam là hơn 28 triệu USD (tương đương 664 tỷ đồng). Báo cáo tài chính 2018 của Mitra Adiperkasa (MAP) - công ty quản lý thương hiệu Zara, cũng cho thấy doanh thu của hãng tăng hơn 1,7 lần mức năm 2017.
Tổng giám đốc Uniqlo Việt Nam Osamu Ikezoe cho biết trong 3-5 năm tới sẽ mở nhanh các cửa hàng tại Hà Nội và TP.HCM. Việt Nam là quốc gia mang lại giá trị sản xuất lớn cho Uniqlo, với 3 tỷ USD hàng hóa được sản xuất mỗi năm để xuất khẩu đi nhiều nước trong hệ thống. Ông cho hay, hoạt động sản xuất của Uniqlo chủ yếu tại Trung Quốc, nhưng đang tăng cường sản xuất tại Việt Nam, Indonesia, Ấn Độ
Nội tìm cách sống sót
Trong khi các ông lớn liên tục mở rộng thì các thương hiệu trong nước dường như ngày càng co cụm lại. Những chuỗi thời trang đình đám một thời như Ninomaxx, N&M, Blue Exchange, PT 2000, Việt Thy, Ha Gattini, Sẽnorita... dường như đang “lay lắt” qua ngày khi số lượng cửa hàng đã thu hẹp và cũng thay đổi phương thức kinh doanh.
Xếp hàng dài mua thời trang Nhật (Ảnh: D.A)
|
Một số thương hiệu được xem là có chỗ đứng trên thị trường nội địa như Việt Tiến, Nhà Bè, An Phước, May 10,... cũng chỉ tập trung ở phân khúc sản phẩm công sở. Được biết đến như một thương hiệu rất thành công, được coi là hàng hiệu với chuỗi 60 cửa hàng lớn nhỏ, thế nhưng Foci đã biến mất sau gần 10 năm ra đời.
Trước khi mua Vascara, nhà bán lẻ thời trang Nhật Bản Stripe International đã mua cổ phần để nắm quyền chi phối ở Công ty Thời trang NEM, chủ sở hữu thương hiệu thời trang công sở nữ NEM vào năm 2017. Vào cuối năm 2018, chuỗi Elise Fashion, thương hiệu thời trang dành cho giới văn phòng ra đời từ năm 2011, cũng nhận đầu tư từ đối tác Nhật Bản.
Thực tế, Việt Nam dù luôn nằm trong nhóm đầu các nước xuất khẩu dệt may trên thế giới nhưng doanh nghiệp nội chỉ tập trung vào khâu gia công. Các doanh nghiệp chỉ mạnh về may chứ không mạnh về thiết kế thời trang, thương hiệu và phân phối sản phẩm.
Hành trình mở rộng của các thương hiệu thời trang Việt còn gian nan hơn khi không ít người tiêu dùng vẫn chuộng hàng không rõ xuất xứ, hàng nhái... Đặc biệt, nhiều công ty thời trang ở Việt Nam vẫn đang quản trị theo mô hình gia đình, do đó, khả năng cạnh tranh về tốc độ ra mẫu mới không cao.
Trong khi, theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam, các doanh nghiệp Việt Nam đang gia công cho nhiều hãng thời trang lớn trên thế giới nên chất lượng các sản phẩm này nếu so với sản phẩm của nhiều thương hiệu Việt là không quá chênh lệch.
Xu hướng ông lớn đổ bộ đã tạo áp lực lớn cho các nhà sản xuất thời trang trong nước phải thay đổi theo hướng đa dạng hóa sản phẩm phục vụ mọi phân khúc, từ cao cấp đến bình dân.
Theo các chuyên gia, nếu muốn phát triển bền vững, các doanh nghiệp Việt cần xây dựng những chiến lược dài hơn, xa hơn và chú trọng hơn việc xây dựng đội ngũ nhân sự chuyên nghiệp để chuẩn bị cho “cuộc đua” cần sức bền này.
Duy Anh
Vietnamnet
|