Thứ Hai, 09/03/2020 16:15

Cải cách điều kiện kinh doanh: Cần cách tiếp cận mới

Thời gian tới, cần mạnh tay cắt bỏ 3/4 điều kiện kinh doanh (ĐKKD), để đổi mới hệ tư duy quản lý nhà nước. Đó là nhấn mạnh của ông Nguyễn Đình Cung – nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) - khi trao đổi với báo chí mới đây.

* Cải cách thể chế, cắt giảm điều kiện kinh doanh là trọng tâm trong năm 2020

Cắt giảm điều kiện kinh doanh tạo thuận lợi cho doanh nghiệp

Giai đoạn 2017-2019, các bộ, ngành đã cắt bỏ, đơn giản hóa khoảng 50% ĐKKD để giảm gánh nặng quy định, thủ tục cho doanh nghiệp (DN). Ông đánh giá như thế nào về kết quả này?

Trước hết, chúng ta cần phải xác định rõ bản chất của ngành nghề kinh doanh có điều kiện và ĐKKD. Về phía nhà nước, đó là công cụ để quản lý những ngành nghề kinh doanh cần có điều kiện. Còn với DN, đó là rào cản hoạt động kinh doanh của họ. Rào cản này đã làm tăng chi phí, dẫn đến thị trường kém cạnh tranh hơn, giảm tăng trưởng của nền kinh tế. Bãi bỏ ĐKKD sẽ thúc đẩy môi trường kinh doanh (MTKD) phát triển.

20 năm qua, cắt giảm ĐKKD là một nhiệm vụ trọng tâm của Chính phủ trong việc cải thiện MTKD. Đặc biệt, từ năm 2016 đến nay, nhiệm vụ ưu tiên của Chính phủ là cắt giảm ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Năm 2017, chúng tôi có kiến nghị trong số 40.000 ĐKKD sẽ phải cắt bỏ 3/4 số đó. Phải khẳng định là “cắt bỏ” chứ không phải “cắt giảm, đơn giản hóa”. Tuy nhiên, kiến nghị cuối cùng trình lên Thủ tướng Chính phủ là cắt ít nhất 50%. Mục tiêu cắt giảm và đơn giản hóa 50% có nghĩa là không biết cắt giảm bao nhiêu và đơn giản hóa bao nhiêu. Với “đơn giản hóa” thì bỏ một từ, một dòng trong ĐKKD cũng hoàn thành nhiệm vụ.

Mặc dù vậy, năm 2018 vẫn được xem là năm của cải cách ĐKKD. Chính phủ đã ban hành 20 văn bản chỉ đạo liên quan, và các bộ rốt ráo trong việc cắt giảm, đơn giản hóa theo chỉ đạo của Chính phủ. Đến năm 2019, ĐKKD vẫn là mục tiêu ưu tiên với hơn 10 văn bản chỉ đạo. Điều này cho thấy sự quan tâm và chỉ đạo quyết liệt của của Chính phủ trong việc cắt giảm ĐKKD, tạo thuận lợi cho DN và thị trường.

Tuy nhiên, để đánh giá việc cắt giảm ĐKKD trong thời gian qua là rất khó. Đánh giá theo mức độ nào, đánh giá theo mục tiêu hay đánh giá theo tác động đối với DN vẫn đang là một câu hỏi chưa có lời giải. Theo tôi, việc cắt giảm này không thực chất là bao nhiêu, bởi mục tiêu quá mờ, không thể đánh giá được phần đơn giản hóa. Nếu cứ cải cách kiểu nửa vời như vậy, các ĐKKD rồi sẽ phục hồi lại. Để cải cách triệt để cần có cách tiếp cận mới, trúng hơn, và phải cắt bỏ 3/4 ĐKKD.

Ông lấy căn cứ nào để kiến nghị cắt bỏ 3/4 ĐKKD?

Tôi dựa trên nghiên cứu, Thứ nhất, là căn cứ khoa học để đặt ra ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Thứ hai, căn cứ vào thực tiễn về hiệu lực, nó chỉ là công cụ để công chức có liên quan lạm dụng, lợi dụng quyền lực để tư lợi. Thứ ba, căn cứ theo các thông lệ của quốc tế.

Điều thứ tư rất quan trọng vì công cụ quản lý nhà nước không có hiệu quả, nên cắt bỏ. Chúng ta phải đồng ý với nhau là không cắt việc quản lý nhà nước mà cắt công cụ kém hiệu quả. Muốn quản lý nhà nước tốt thì nên nghĩ cách quản lý mới, tốt hơn, đưa vào các Nghị định để có giám sát tốt hơn.

Như vậy còn nhiều dư địa để cải cách ĐKKD, theo ông, hành động của Chính phủ trong thời gian tới là gì để việc cắt giảm đi vào thực chất hơn?

Theo tôi, cần mạnh tay cắt bỏ những ĐKKD, không cho phục hồi cái cũ vì yêu cầu quản lý. Nếu cứ cắt bỏ rồi cho phục hồi lại thì hệ tư duy quản lý nhà nước sẽ vẫn tiếp diễn như cũ. Chỉ khi dứt khoát bãi bỏ ĐKKD không phù hợp, các cơ quan quản lý nhà nước mới tư duy khác về công cụ quản lý và tìm cách thay đổi, từ đó tạo điều kiện để thực thi cam kết mà Chính phủ đưa ra là giảm chi phí cho DN.

Trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay, giống như nhiều quốc gia trên thế giới, Việt Nam đã và đang áp dụng dịch vụ công trực tuyến đối với nhiều thủ tục như hải quan, thuế, hay thủ tục hành chính công cũng có Chính phủ điện tử… Cách thức quản lý thông tin, phân tích tình hình rất đơn giản, có thể giám sát từ xa. Vì vậy, thời gian tới, nếu không chịu thay đổi, chúng ta sẽ không theo kịp với các nước phát triển.

Xin cảm ơn ông!

Văn phòng Chính phủ vừa lấy ý kiến về Dự thảo Quyết định về kế hoạch cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh giai đoạn 2020-2025. Mục tiêu cụ thể là cắt giảm ít nhất 20% số lượng văn bản đã ban hành thuộc thẩm quyền của Bộ trưởng, Thủ tướng Chính phủ; cắt giảm ít nhất 20% chi phí tuân thủ quy định pháp luật về hoạt động kinh doanh trong mỗi năm.

Thu Phương

Congthuong

Các tin tức khác

>   Thủ tướng: Việt Nam sẽ chặn đứng dịch bệnh (09/03/2020)

>   Tiếp tay Vũ 'nhôm', cựu nhà báo Trương Duy Nhất lĩnh án 10 năm tù (09/03/2020)

>   Hàng ngàn tỉ đồng vốn tiếp tục bị 'giam lỏng' (09/03/2020)

>   Phiên xử vụ thuốc ung thư giả VN Pharma diễn ra nhiều ngày (08/03/2020)

>   Nguyên liệu sản xuất nhập về TP.HCM giảm mạnh (08/03/2020)

>   Chi 70 tỷ đồng cho 5 tỉnh miền Tây 'giải khát' (08/03/2020)

>   Công bố ca bệnh Covid-19 thứ 30 tại Việt Nam (08/03/2020)

>   Bộ trưởng Kế hoạch Đầu tư Nguyễn Chí Dũng âm tính với Covid-19 (08/03/2020)

>   Bệnh nhân thứ 18 nhiễm virus corona trở về từ Hàn Quốc (07/03/2020)

>   Một ca nhiễm mới nhưng rất nhiều nạn nhân của tin giả về Covid-19 (07/03/2020)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật