Doanh nghiệp chạy đua tìm bạn hàng mới
Bước vào tháng 3-2020, tình trạng gián đoạn thương mại do dịch COVID-19 đang tạo ra lỗ hổng lớn về đơn hàng cần được lấp đầy và mở ra cơ hội cho doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam.
* Nỗi lo đứt nguồn cung, áp lực tăng nợ xấu
* Đứt nguồn cung từ Trung Quốc, doanh nghiệp 'kêu cứu'
Bốc xếp hàng tại cảng Cát Lái, quận 2, TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH
|
Ngay cả các doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) tại Việt Nam cũng bắt đầu tìm kiếm đơn hàng tại chỗ thay thế nhà cung ứng ngoại.
Chậm xoay xở, đành phải cầm cự
Theo ông Phạm Xuân Hồng - chủ tịch Hiệp hội Dệt may thêu đan TP.HCM, khoảng 80% DN may mặc có liên hệ về nguyên phụ liệu từ Trung Quốc, do đó tác động của dịch bệnh COVID-19 đến hoạt động của DN là rất lớn. Đa số các DN có thể duy trì sản xuất đến giữa tháng 3, một số ít có thể đủ nguyên liệu đến tháng 4. Để xoay xở, các DN phải tìm thêm nguồn nguyên phụ liệu từ các quốc gia khác như Thái Lan, Ấn Độ, Pakistan nhưng rất hạn chế.
Đây là mùa ăn nên làm ra đối với các DN sản xuất khẩu trang, tuy nhiên có DN thậm chí không thể hoạt động với công suất bình thường do nguyên liệu nhập từ Trung Quốc bị đứt hàng, không đủ để sản xuất. "Mặc dù có rất nhiều đơn hàng nhưng công ty chỉ hoạt động cầm chừng. Nếu bung ra làm, chỉ một thời gian ngắn là hết nguyên liệu, không có việc làm cho công nhân", chủ DN tại quận 7 (TP.HCM) chia sẻ.
Ông Nguyễn Văn Bé, chủ tịch Hiệp hội DN KCN TP.HCM, cho biết ngoài Trung Quốc, ba quốc gia và vùng lãnh thổ có số DN FDI nhiều nhất trong các KCX, KCN tại TP.HCM là Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan cũng bị ảnh hưởng nặng bởi dịch bệnh. Mức độ khó khăn của mỗi DN khác nhau, tùy thuộc vào lượng nguyên phụ liệu tồn kho.
Ảnh hưởng nặng nhất là các DN may mặc, giày da nhưng ngay cả DN đồ uống cũng khó tránh khỏi. Một DN sản xuất đồ uống cho biết họ đang phải tìm hương liệu, phụ gia thực phẩm từ Campuchia để thay thế cho phụ gia nhập từ Trung Quốc.
Tìm nhà cung cấp tại... Việt Nam
Ông Hirai Shinji - trưởng đại diện Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) tại TP.HCM - cho biết trong một khảo sát mới đây được Hiệp hội DN Nhật Bản tại Việt Nam và Văn phòng JETRO tại TP.HCM thực hiện, hầu hết DN Nhật Bản đều cho biết nếu tình hình dịch không cải thiện, đến hết tháng 3-2020 sẽ không còn nguồn nguyên liệu để sản xuất.
"Các DN Nhật Bản đã lên kế hoạch nhập hàng từ những khu vực khác. Nhiều DN bắt đầu nhận đơn hàng từ khách nội địa Việt Nam vì nguồn cung Trung Quốc bị trì trệ, họ buộc phải tìm nguồn hàng thay thế. Với tình hình này, Việt Nam đang chiếm nhiều ưu thế hơn trong lựa chọn của các nhà đầu tư thời gian tới", ông Hirai Shinji nhận định trong khảo sát.
Không chỉ DN Nhật mà các DN Mỹ tại Việt Nam cũng cho biết đang bắt đầu tìm kiếm nguồn cung ứng tại chỗ, bù vào việc thiếu hụt nguyên liệu trước mắt. Trong lĩnh vực dệt may, một số DN đã chủ động sang Ấn Độ, Bangladesh để tìm kiếm đối tác mới, đây là những quốc gia có nền công nghệ nguyên phụ liệu khá phát triển.
Nhận định về xu hướng này, TS Lê Đăng Doanh cho rằng đến nay ba đối tác lớn hàng đầu của Việt Nam là Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc... đều bị ảnh hưởng dịch COVID-19, không chỉ DN FDI mà DN trong nước cũng rất khó khăn.
Dù dịch chưa kết thúc và khó dự đoán tác động toàn diện nhưng đây là lúc DN thực hiện điều chỉnh, tái cơ cấu hoạt động sản xuất. Các DN đều cho rằng đây là dịp họ đa dạng hóa nguồn cung ứng, tránh phụ thuộc vào một thị trường. Ngành dệt may, theo ông Doanh, cần cân nhắc nhập thêm đầu vào từ Đài Loan, Ấn Độ... dù giá có cao hơn.
Ngành gỗ muốn mở showroom 3D
Ông Trần Việt Tiến, Hiệp hội Gỗ và thủ công mỹ nghệ TP.HCM (HAWA), cho biết do dịch COVID-19, hôm 5-3 HAWA đã quyết định hủy tổ chức hội chợ quốc tế đồ gỗ và thủ công mỹ nghệ xuất khẩu Việt Nam - VIFA EXPO 2020 và dời sang thời điểm thích hợp. Tuy vậy, ngành gỗ Việt không bị ảnh hưởng quá nhiều bởi hiện nay Việt Nam đã chủ động được 70% nguyên liệu gỗ phục vụ sản xuất, 30% còn lại chủ yếu nhập từ Canada, Mỹ và châu Phi.
Dịch COVID-19 đã khiến sản xuất đồ gỗ tại Trung Quốc bị đình trệ và các nhà mua hàng đang nhìn về Việt Nam như một địa điểm sản xuất thay thế. Nhưng trong bối cảnh người mua hàng quốc tế dường như không dịch chuyển, họ sợ những rủi ro như bị cách ly, lây nhiễm thì cách mua bán truyền thống là đến tận nơi xem hàng, tham quan nhà máy không còn phù hợp.
"Hiệp hội đang tính đến áp dụng các showroom 3D, ứng dụng công nghệ thực tế ảo để giải quyết băn khoăn này. Khách hàng nước ngoài khi không hoặc chưa đến được Việt Nam, có thể khảo sát năng lực sản xuất của nhà máy thông qua một bên kiểm toán độc lập mà HAWA đứng ra hoặc giới thiệu đảm bảo" - ông Tiến nói.
TS Lê Đăng Doanh cho rằng đây là lúc các DN nhỏ và vừa liên kết lại để tạo ra năng lực đủ lớn tham gia chuỗi giá trị toàn cầu. Các DN phải thực sự chân thành với nhau, hiểu rõ thế mạnh của mỗi đơn vị hợp tác trong những lĩnh vực nào.
"Trước đây, DN Việt vẫn mạnh ai nấy làm, nhưng để có thể tham gia vào chuỗi giá trị, chỉ còn cách hợp tác với nhau. Lúc này, việc tìm đối tác mới, nguồn cung mới cần được xem là bài học có tính nguyên tắc, không phải việc gặp chuyện mới làm" - ông Doanh nói.
Thương mại với Trung Quốc tháng 2 giảm 1,79 tỷ USD so với tháng 1
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Âu Anh Tuấn - cục trưởng Cục Giám sát quản lý hải quan, Tổng cục Hải quan - cho biết tổng kim ngạch xuất nhập khẩu với Trung Quốc 2 tháng đầu năm chỉ đạt 14,78 tỷ USD. Trong đó, giá trị nhập khẩu 9,3 tỷ USD, còn xuất khẩu 5,48 tỷ USD. Tổng trị giá xuất nhập khẩu tháng 1 đạt 8,29 tỷ USD và tháng 2 chỉ đạt 6,5 tỷ USD (giảm 1,79 tỷ USD so với tháng 1).
Để tháo gỡ khó khăn cho DN và đẩy mạnh thông quan hàng hóa tại cửa khẩu, ông Tuấn cho hay Tổng cục Hải quan đã họp với cục hải quan các địa phương Quảng Ninh, Lạng Sơn, Lào Cai, Cao Bằng, Bắc Ninh, Hà Nội, TP.HCM và đại diện của Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam (SEV), Tập đoàn khoa học kỹ thuật Hồng Hải (Foxconn).
Trên cơ sở báo cáo của các đơn vị tại cuộc họp, Tổng cục Hải quan đã chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ khẩn trương trình cấp có thẩm quyền xử lý các vướng mắc về thủ tục, hồ sơ xét miễn thuế nhập khẩu. Đồng thời khẩn trương giải quyết vướng mắc liên quan đến các trường hợp chậm nộp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa mẫu E (quá thời hạn 30 ngày kể từ thời điểm đăng ký tờ khai hải quan) do ảnh hưởng của dịch COVID-19.
L.THANH
|
NHƯ BÌNH - VŨ THỦY
Tuổi trẻ
|