Dừng thí điểm xe công nghệ, 'đế chế' Grab có sụp đổ?
Không phân biệt theo tên gọi Grab hay tên nào khác, mọi hoạt động kinh doanh đều phải hoạt động theo quy định và kiểm soát của thị trường vận tải đường bộ Việt Nam.
* Xe công nghệ chọn phương thức hoạt động mới
* 'Phá rào' thí điểm, xe công nghệ chuẩn bị phủ khắp các tỉnh thành?
* Thị trường gọi xe công nghệ thêm nhiều hãng mới
Ông Nguyễn Ngọc Đông - Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) - đã cho biết như vậy trước quyết định dừng thí điểm xe hợp đồng điện tử từ 1/4.
“Số phận” xe công nghệ
Lãnh đạo Bộ GTVT cho rằng, việc thí điểm ứng dụng phần mềm kết nối để kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng điện tử đối với xe ô tô dưới 9 chỗ tại 5 tỉnh, thành phố qua Quyết định số 24/QĐ-BGTVT ngày 07/01/2016 đã chứng minh hiệu quả kinh tế, xã hội của việc ứng dụng công nghệ mới vào kinh doanh vận tải, được người dân đón nhận, kết quả thí điểm cũng khẳng định sự cần thiết cũng như điều kiện để xây dựng khuôn khổ pháp lý chính thức để quản lý.
Ngày 11/2 vừa qua, Bộ GTVT đã ban hành Quyết định 146/QĐ-BGTVT về việc dừng kế hoạch thí điểm nêu trên kể từ ngày 1/4/2020. Với Nghị định này, 14 đơn vị đang hoạt động theo Quyết định 24 sẽ phải dừng hoạt động từ ngày 1/4 và chủ động lựa chọn hình thức kinh doanh phù hợp với đơn vị mình đúng theo Nghị định 10/2020/NĐ-CP.
Ông Nguyễn Ngọc Đông - Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải
|
Trước câu hỏi dừng thí điểm ứng dụng phần mềm kết nối để kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng điện tử thì những “đế chế” xe công nghệ như Grab, Be sẽ đi đâu về đâu? Thứ trưởng Bộ GTVT nhấn mạnh: Điều 35 của Nghị định 10 đã quy định rõ trách nhiệm của đơn vị cung cấp phần mềm ứng dụng hỗ trợ kết nối vận tải được chia thành 2 trường hợp.
Trường hợp 1, đơn vị chỉ cung cấp phần mềm ứng dụng hỗ trợ kết nối vận tải (không trực tiếp điều hành phương tiện, lái xe; không quyết định giá cước vận tải) phải chấp hành các quy định theo pháp luật về giao dịch điện tử, các pháp luật khác có liên quan và phải đáp ứng các yêu cầu tại Khoản 1 Điều 35 của Nghị định 10/2020/NĐ-CP của Chính phủ.
Trường hợp 2, đơn vị cung cấp phần mềm ứng dụng hỗ trợ kết nối vận tải có thực hiện ít nhất một trong các công đoạn chính của hoạt động vận tải (trực tiếp điều hành phương tiện, lái xe hoặc quyết định giá cước vận tải) để vận chuyển hành khách, hàng hóa trên đường bộ nhằm mục đích sinh lợi phải thực hiện các quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô theo quy định của Nghị định.
Trường hợp này bao gồm các quy định của pháp luật về giao dịch điện tử, các pháp luật khác có liên quan và phải đáp ứng các yêu cầu theo quy định tại Điểm c, Điểm d, Điểm e, Điểm i, Điểm k Khoản 1 Điều 35 của Nghị định 10.
“Loại hình nào, dùng tên nào cũng phải phù hợp với quy định của pháp luật mới được hoạt động chứ không phân biệt theo tên gọi Grab hay tên nào khác. Mọi hoạt động kinh doanh đều phải hoạt động theo quy định và kiểm soát của thị trường vận tải đường bộ Việt Nam” - ông Đông cho hay.
Làm rõ khái niệm kinh doanh
Bộ GTVT cho biết, Nghị định số 10 đã hoàn thiện quy định để phân định rõ giữa khái niệm Đơn vị kinh doanh vận tải.
Theo đó, kinh doanh vận tải bằng xe ô tô là việc thực hiện ít nhất một trong các công đoạn chính của hoạt động vận tải trực tiếp điều hành phương tiện, lái xe hoặc quyết định giá cước vận tải để vận chuyển hành khách, hàng hóa trên đường bộ nhằm mục đích sinh lợi). Đơn vị chỉ cung cấp phần mềm ứng dụng hỗ trợ kết nối vận tải không trực tiếp điều hành phương tiện, lái xe; không quyết định giá cước vận tải.
Taxi công nghệ sẽ dừng thí điểm từ 1/4
|
Như vậy, các đơn vị cung cấp phần mềm kết nối vận tải như hiện nay hoàn toàn chủ động lựa chọn hình thức kinh doanh phù hợp với đơn vị mình để đảm bảo thực hiện đúng quy định có thể lựa chọn là đơn vị cung cấp phần mềm ứng dụng hỗ trợ kết nối vận tải hoặc là đơn vị vận tải. Quy định được cho là rất mở để đơn vị tự lựa chọn và xác định hoạt động kinh doanh của mình phù hợp với các điều kiện kinh doanh của Nghị định.
Dẫn chứng về quy định nói trên, Bộ GTVT cho biết, chiếu theo quy định như trên, thì các đơn vị cung cấp phần mềm kết nối vận tải hiện nay nếu thực hiện các công đoạn trực tiếp điều hành phương tiện, lái xe hoặc quyết định giá cước vận tải thì sẽ là phải đăng ký kinh doanh vận tải và hoạt động theo những quy định về điều kiện kinh doanh vận tải và chịu trách nhiệm trước pháp luật với tư cách là đơn vị kinh doanh vận tải.
Nếu đơn vị chỉ cung cấp phần mềm ứng dụng hỗ trợ kết nối vận tải không trực tiếp điều hành phương tiện, lái xe; không quyết định giá cước vận tải phải chấp hành các quy định tại khoản 1 Điều 35 của Nghị định số 10.
Bộ GTVT cũng cho biết, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ chủ trì, phối hợp cùng Bộ Công thương, Bộ Công an và Bộ GTVT quản lý và hướng dẫn đơn vị cung cấp phần mềm ứng dụng hỗ trợ kết nối vận tải quy định.
Châu Như Quỳnh
Dantri
|