Đà Nẵng bàn giải pháp hỗ trợ DN vượt khó thời COVID-19. Ảnh: VGP/Minh Trang

Ngày 4/3, UBND TP. Đà Nẵng cùng với các hiệp hội, DN trên địa bàn Thành phố họp bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn, giúp c​ác DN ​vượt qua cơn khủng hoảng mang tên COVID-19.​

Tại cuộc họp, ông Hà Đức Hùng, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Đà Nẵng nhìn nhận, có quá nhiều DN phụ thuộc vào Trung Quốc, từ nguyên liệu đầu vào đến đầu ra, vì thế khi khủng hoảng xảy ra, việc sản xuất, kinh doanh càng trầm trọng hơn.

Ông Hùng lưu ý, các DN cần vạch ra chiến lược đa dạng hoá danh mục, không bị phụ thuộc vào Trung Quốc và nghiên cứu chuyển sang các thị trường khác. Chiến lược này đã được nhiều DN tại Đà Nẵng đề ra. Hiện nay điều đó càng cần lưu ý và triển khai càng sớm càng tốt. Đây là thời điểm để các DN thay đổi, thích ứng, cắt giảm chi phí, chủ động tìm thị trường mới, đào tạo nhân sự, điều chỉnh chính sách giá cho phù hợp.

Ông Hùng cũng đề xuất thành lập ban tư vấn hỗ trợ các DN tái cấu trúc, sắp xếp lại nhân sự. Đồng thời các hiệp hội lập danh sách hỗ trợ tiêu thụ chéo sản phẩm lẫn nhau. Đối với Thành phố, cần giảm việc thanh, kiểm tra nhỏ lẻ để các DN tập trung sản xuất; mau chóng hoàn thiện các cụm công nghiệp để DN có quỹ đất phát triển.

Cùng với những chính sách trên, hầu hết DN mong muốn được giãn thời gian đóng BHXH và giãn thời gian trả nợ, giảm lãi vay.

Bà Lê Thị Nam Phương, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Hệ thống giáo dục chất lượng cao Sky-line, bày tỏ quan ngại: “DN của tôi thuộc lĩnh vực giáo dục, giáo viên nghỉ việc vài tháng nay thì việc đóng BHXH như thế nào, hiện nay vẫn chưa có văn bản rõ ràng”.

Bà Phương mong muốn chính quyền và các đơn vị liên quan giãn thời gian đóng BHXH cho các DN đến hết tháng 6 hoặc tháng 9 nếu dịch bệnh vẫn kéo dài, có hướng dẫn cụ thể đối với các DN đặc biệt và giải quyết nhanh vấn đề bảo hiểm thất nghiệp. Bà Phương đề xuất giảm thuế VAT 5% để khuyến khích các DN đóng thuế nhiều hơn.

Đối với ngành du lịch-dịch vụ, ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng cho biết, nếu công tác phòng chống dịch của Đà Nẵng vẫn được kiểm soát tốt như hiện nay và không có ca nhiễm bệnh thì đến giữa tháng 3, Thành phố sẽ công bố là điểm đến an toàn và thực hiện các chương trình kích cầu du lịch, phối hợp cùng Thừa Thiên-Huế và Quảng Nam.

Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng đề xuất nên có cuộc gặp gỡ ngay khi có gói kích cầu, cần có những sản phẩm du lịch mới, kích cầu du lịch bằng nhiều cách như đường sông, biển, ẩm thực, các điểm đến văn hóa, lịch sử…

Các DN cần nỗ lực tái cấu trúc trong tình hình hiện nay. Ảnh chụp tại Khu công nghiệp Hoà Khánh (Đà Nẵng). Ảnh: VGP/Minh Trang

Thông tin đến DN, ông Võ Minh, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Chi nhánh Đà Nẵng cho biết, dự kiến tuần tới NHNN sẽ có thông tư hướng dẫn triển khai các biện pháp hỗ trợ lãi suất, gia hạn nợ cho DN. Ngay khi có hướng dẫn, NHNN sẽ làm việc với các ngân hàng thương mại để có mức hỗ trợ cụ thể cho DN. Hiện tại nhiều ngân hàng thương mại cũng đã có báo cáo bước đầu về mức hỗ trợ dự kiến sẽ triển khai cho DN.

Trước mắt, Thống đốc NHNN đã cho phép các khoản nợ của DN đến thời gian trả nợ nằm trong khoảng từ 23/1-31/3 được gia hạn nợ mà không bị chuyển nhóm nợ.

Riêng đối với ngành công thương, ông Nguyễn Hà Bắc, Giám đốc Sở Công Thương Đà Nẵng cho biết, Sở đã tập trung các kiến nghị của DN, đề xuất các khoản hỗ trợ về thuế, tín dụng, bảo hiểm… cho DN đến UBND TP. Đà Nẵng. Sở cũng đã có báo cáo Bộ Công Thương về tình hình DN và ngay lập tức, Bộ đã có chỉ đạo Cục Xúc tiến thương mại và các vụ liên quan làm đầu mối hỗ trợ thông tin về nguồn cung nguyên liệu cho DN.

Riêng đối với lĩnh vực dịch vụ-du lịch, Sở Du lịch đã có những đề xuất đến UBND Thành phố làm việc với các hãng hàng không để xúc tiến các đường bay từ các vùng chưa có dịch; tiến hành các chương trình kích cầu; xây dựng các điểm đến kết nối Huế-Đà Nẵng-Quảng Nam với những sản phẩm du lịch mới gồm du lịch biển đảo, du lịch sông nước….

Ông Hồ Kỳ Minh, Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng cho biết, Thành phố đang phải nỗ lực vừa phòng chống dịch COVID-19 vừa phải phát triển kinh tế. "Đà Nẵng phải đi bằng hai chân, một là phòng chống dịch, hai là phát triển kinh tế. Chậm chân là chết", ông Minh đề nghị các DN phải nỗ lực để tái cấu trúc, thích ứng.

Lãnh đạo Đà Nẵng cũng cam kết, ngay khi cơ chế, chính sách của Bộ Tài chính, NHNN ban hành, Thành phố sẽ đồng hành cùng Cục Thuế, ngân hàng để các đơn vị, DN được thụ hưởng chính sách nhanh nhất. Trong quá trình triển khai, nếu có khó khăn gì các ngân hàng cần thông báo ngay để Thành phố kịp thời hỗ trợ. Việc thực hiện này phải thực hiện đồng bộ, nhanh chóng.

Ngoài ra, Đà Nẵng sẽ tiếp tục đẩy mạnh xúc tiến đầu tư, cải thiện môi trường kinh doanh, cắt giảm thủ tục hành chính... để cùng DN vượt qua khó khăn.