Thứ Sáu, 06/03/2020 11:12

Doanh nghiệp dệt may 'khát' nguyên liệu

Xuất khẩu đình trệ, nguyên liệu sản xuất thiếu hụt, lãnh đạo một số doanh nghiệp dệt may cho biết đã tính đến cả phương án phá sản nếu dịch Covid-19 kéo dài.

* Thị trường hàng hóa nguyên liệu toàn cầu lao đao

* Doanh nghiệp Việt ứng phó với việc thiếu nguyên liệu sản xuất do nCoV

* Nguyên liệu dệt may đâu cần cách li?

Chiều 5/3, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh dẫn đầu một đoàn công tác thăm một số các doanh nghiệp sản xuất ngành dệt may và da giày, tìm hiểu khó khăn trong bối cảnh dịch Covid-19.

2/3 nhà cung cấp đến từ Trung Quốc

Tại Tổng công ty May 10, ông Thân Đức Việt, Tổng giám đốc, cho biết doanh nghiệp này đang chịu ảnh hưởng lớn từ dịch bệnh, đặc biệt là nguồn nguyên liệu từ Trung Quốc.

Theo ông Việt, trong một tháng, May 10 sản xuất 120.000 bộ vest, 1,2 triệu áo sơ mi, 600.000 jackets và quần. Sản lượng này tương ứng với khoảng 1.000 mã hàng/tháng (design sản phẩm). Mỗi mã hàng lại có rất nhiều màu sắc, size khác nhau… nên cần rất nhiều mã vải và phụ liệu.

Nguyên phụ liệu dệt may Việt Nam phụ thuộc phần lớn vào Trung Quốc. Ảnh: VH.

“Điển hình như để làm sơ mi, mỗi tháng chúng tôi cần 800 mẫu vải khác nhau từ 662 nhà cung cấp trên toàn thế giới. Và nói thật, thị trường Trung Quốc vẫn là nhà cung cấp lớn nhất”, ông Việt nói.

Theo Tổng giám đốc May 10, sau Tết nguyên đán, các nhà xưởng Trung Quốc đi làm lẻ tẻ do dịch bệnh, cộng thêm việc kiểm soát xuất nhập khẩu nên tình hình nguyên liệu lại càng khó khăn. Công ty đang đứng trước nguy cơ thiếu hụt nguyên liệu trong thời gian tới.

Doanh nghiệp này đang có khoảng 12.000 công nhân với các nhà máy ở nhiều tỉnh như Thái Bình, Hà Nội, Hà Nam, Nghệ An, Nam Định… Từ khi bùng phát dịch bệnh, trung bình các nhà máy đã cho công nhân nghỉ thêm khoảng 11% số ngày đi làm trong tháng.

“Từ số ngày đi làm hụt đi có thể suy ra việc giảm doanh thu, lợi nhuận”, ông Việt nói.

Tổng giám đốc May 10 cũng nói về kinh doanh khó khăn ở thị trường trong nước khi dịch bùng phát. Các cửa hàng của May 10 hay trung tâm thương mại đều sụt giảm lượng khách. Trong khi đó, giá thuê mặt bằng lại không giảm.

Từ đó, May 10 dự báo 2 kịch bản. Kịch bản thứ nhất, nếu dịch kéo dài, doanh nghiệp có thể phá sản. Tuy nhiên, vị này nghiêng về kịch bản thứ hai, nếu dịch kết thúc trong cuối tháng 3 và đầu tháng 4, thì doanh thu giảm khoảng 7%.

Tương tự, khảo sát tại Công ty TNHH Hóa Dệt Hà Tây cũng có những khó khăn tương tự. Doanh nghiệp này chuyên sản xuất giày lưu hóa, giày thể thao, ép phun với công suất tối đa đạt 120.000 đôi/tháng. Thị trường xuất khẩu chính là châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, trong đó, 60% xuất sang thị trường Anh.

Công ty chủ yếu sản xuất giày lưu hóa nên tỷ lệ nội địa hóa trên 70% nhưng vẫn khó khăn về 30% nguyên liệu còn lại.

Đề xuất gói kích cầu tiêu dùng trong nước

Từ những khó khăn, Tổng giám đốc May 10 đề xuất Bộ Công Thương kiến nghị Chính phủ giảm sức ép lãi vay ngắn hạn, trả nợ gốc cho doanh nghiệp. Đồng thời Chính phủ cần sớm đàm phán vấn đề giao thương qua biên giới, tránh làm đứt chuỗi giá trị quá lâu.

Doanh nghiệp này cũng đề xuất có gói kích cầu tiêu dùng trong nước để giúp ổn định sản xuất.

Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh. Ảnh: PT.

Lãnh đạo Công ty TNHH Hóa Dệt Hà Tây thì mong muốn sớm thực thi EVFTA để doanh nghiệp có thể xuất khẩu hàng hóa sang châu Âu thuận lợi, “gỡ lại” những khó khăn do dịch gây ra.

Phát biểu, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh mong muốn các doanh nghiệp nâng cao tỷ lệ nội địa hóa, tìm kiếm các thị trường nguyên liệu khác, ưu tiên khai thác thị trường trong nước, tránh để phụ thuộc vào một thị trường cụ thể.

Bộ trưởng cũng giao Cục Công nghiệp, Cục Xúc tiến thương mại cùng với hệ thống thương vụ, hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm, kết nối và mở rộng thị trường để xúc tiến, quảng bá sản phẩm rộng rãi hơn.

Ông cũng cho rằng khó khăn, thách thức luôn song hành cùng cơ hội. Đây là lúc các doanh nghiệp cần đẩy mạnh hơn nữa và triển khai thực chất hơn chủ trương đa phương hóa, đa dạng hóa, cơ cấu lại thị trường, đối tác… qua đó hạn chế rủi ro, giảm bớt sự phụ thuộc vào chỉ một hoặc một vài thị trường trọng điểm.

Hiếu Công

Zing.vn

Các tin tức khác

>   Leflair - tham vọng đứt gánh của cựu lãnh đạo Lazada (06/03/2020)

>   Hàng loạt doanh nghiệp nguy cơ phá sản vì Covid-19 (06/03/2020)

>   Đô thị lớn chuẩn bị cách ly diện rộng (06/03/2020)

>   Đề nghị kỷ luật ông Lê Thanh Hải và Lê Hoàng Quân (05/03/2020)

>   Dừng thí điểm xe công nghệ, 'đế chế' Grab có sụp đổ? (05/03/2020)

>   Nỗi lo đứt nguồn cung, áp lực tăng nợ xấu (05/03/2020)

>   Hạn mặn khốc liệt ở miền Tây: 5 tỉnh công bố tình huống khẩn cấp (05/03/2020)

>   Vì sao Nhà máy đạm Ninh Bình lỗ gần 5.000 tỉ đồng? (05/03/2020)

>   Xóa thế độc quyền ngành điện (05/03/2020)

>   Quảng Ninh đón gần 2.000 hành khách từ Hàn Quốc đáp chuyến bay xuống Vân Đồn (05/03/2020)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật