Dầu đảo chiều sụt gần 4% khi nguồn cung tại Mỹ tăng 7 tuần liên tiếp
Các hợp đồng dầu thô tương lai quay đầu giảm mạnh vào ngày thứ Tư (11/03), chịu sức ép khi dữ liệu từ Chính phủ Mỹ cho thấy nguồn cung dầu thô nội địa tăng 7 tuần liên tiếp, và do động thái gia tăng công suất sản xuất dầu của Ả-rập Xê-út khi nước này leo thang cuộc chiến giá dầu với Nga, đã đẩy giá dầu rớt xuống đáy 4 năm trong tuần này, MarketWatch đưa tin.
Kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Tư, hợp đồng dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 4 trên sàn Nymex sụt 1.38 USD (tương đương 4%) xuống 32.98 USD/thùng.
Hợp đồng dầu Brent giao tháng 5 trên sàn Luân Đôn mất 1.43 USD (tương đương 3.8%) còn 35.79 USD/thùng.
Dầu đã phục hồi vào ngày thứ Ba (10/03), xóa bớt phần nào đà lao dốc gần 25% trong ngày thứ Hai (09/03), khi nhà đầu tư chuẩn bị cho một cuộc chiến giá dầu đang lan đến thế giới, đồng thời nhu cầu cũng đang chịu sức ép từ sự lây lan dịch COVID-19.
Vào ngày thứ Tư, dữ liệu từ Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho biết nguồn cung dầu thô nội địa vọt 7.7 triệu thùng trong tuần kết thúc ngày 06/03/2020, cao hơn dự báo tăng 6.4 triệu thùng của Viện Xăng dầu Mỹ (API) và dự báo cộng 2.5 triệu thùng từ các nhà phân tích tham gia cuộc thăm dò của Platts. Cơ quan này đã báo cáo nguồn cung tại Mỹ đã tăng liên tục 6 tuần trước đó.
Bên cạnh đó, EIA cũng cho biết dự trữ xăng và dự trữ các sản phẩm chưng cất lần lượt sụt 5 triệu thùng và 6.4 triệu thùng trong tuần trước. Cả 2 đều cao hơn so với dự báo giảm 2.7 triệu thùng xăng cũng như sản phẩm chưng cất từ cuộc thăm dò của Platts.
Trong khi đó, Ả-rập Xê-út, nhà lãnh đạo thực tế của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC), đã công bố kế hoạch thúc đẩy công suất sản xuất dầu lên mức kỷ lục 13 triệu thùng/ngày, Wall Street Journal đưa tin.
Thành viên khác thuộc OPEC, Các tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE), cho biết Tập đoàn dầu khí quốc gia Abu Dhabi sẽ nâng sản lượng thêm 1 triệu thùng/ngày lên hơn 4 triệu thùng/ngày trong tháng tới, Bloomberg News cho hay.
Nga, một thành viên ngoài OPEC, hôm thứ Ba (10/03) cho biết sẽ tăng sản lượng để phản ứng trước các tín hiệu Ả-rập Xê-út đang chuẩn bị thúc đẩy sản xuất.
Cuộc chiến giá dầu giữa Nga và Ả-rập Xê-út diễn ra sau khi Moscow từ chối lời kêu gọi cắt giảm thêm sản lượng của OPEC. Các cuộc thảo luận thất bại ở Vienna hôm thứ Sáu (06/03) có nghĩa là thỏa thuận cắt giảm hiện tại sẽ hết hạn vào cuối tháng 03/2020 và các thành viên trong và ngoài OPEC có thể tự do sản xuất dầu.
Ngoài ra, trong một báo cáo định kỳ hàng tháng vào ngày thứ Tư, EIA đã hạ dự báo giá dầu và sản lượng dầu thô tại Mỹ. Cụ thể, Cơ quan này đã hoãn công bố báo cáo một ngày để đánh giá thị trường tốt hơn.
Cụ thể, EIA đã dự báo giá dầu WTI trong năm 2020 ở mức 38.19 USD/thùng, giảm 31% so với dự báo trước đó. Cơ quan này cũng hạ dự báo giá dầu Brent thêm 29% xuống 43.30 USD/thùng trong năm 2020. EIA dự báo sản lượng dầu thô tại Mỹ đạt 12.99 triệu thùng/ngày trong năm nay, giảm 1.6% so với dự kiến trước đó.
Trong một báo cáo định kỳ riêng hàng tháng cũng trong ngày thứ Tư, OPEC đã cắt giảm dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu trong năm 2020 là 920,000 thùng/ngày xuống còn 60,000 thùng/ngày, phản ánh dự báo tăng trưởng kinh tế chậm chạp do sự lây lan dịch COVID-19.
Cũng trong phiên giao dịch ngày thứ Tư, hợp đồng xăng giao tháng 4 sụt 4% xuống 1.1103 USD/gallon. Hợp đồng dầu sưởi giao tháng 4 mất 1% còn 1.238 USD/gallon.
Hợp đồng khí thiên nhiên giao tháng 4 giảm 3% xuống 1.878 USD/MMBtu.
An Trần
FILI
|