Chứng khoán Tuần 16-20/03/2020: Tiếp tục sụt giảm?
Xu hướng tăng trưởng ngắn hạn của thị trường hiện không nhận được sự ủng hộ của dòng tiền lẫn tâm lý nhà đầu tư. Bên cạnh đó, áp lực bán vẫn đang tiếp tục đè nặng lên thị trường tuần qua.
I. THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN VIỆT NAM TUẦN 16-20/03/2020:
Giao dịch: Các chỉ số thị trường biến động trái chiều trong tuần qua. VN-Index kết thúc tuần giảm 6.83% đạt mức 709.73 điểm; HNX-Index đóng cửa tuần tăng 0.40% dừng tại 101.79 điểm.
Thanh khoản trung bình trên cả hai sàn biến động tiêu cực trong tuần qua. Khối lượng khớp lệnh trung bình trên sàn HOSE đạt hơn 227 triệu cổ phiếu/phiên, giảm 18.47% so với tuần giao dịch trước. Sàn HNX đạt trung bình hơn 58 triệu cổ phiếu/phiên, giảm 16.16%.
Xu hướng giảm sâu tiếp tục chi phối thị trường trong tuần giao dịch vừa qua. Tâm lý của nhà đầu tư trong phiên giao dịch đầu tuần khá thận trọng để cập nhật tiếp những diễn biến ngày càng phức tạp của dịch bệnh Covid-19 trên toàn thế giới. Trong phiên cuối tuần, các chỉ số thị trường mở cửa tích cực khi bật nhẹ trên mốc tham chiếu, với lực đỡ đến từ nhóm Large Cap. Tuy nhiên, VN-Index khép lại phiên cuối tuần vẫn giảm hơn 2%. Hết phiên hôm nay (20/03/2020), cũng là ngày hiệu lực đảo danh mục của hai quỹ Vaneck Vectors Vietnam ETF (VNM ETF) và FTSE Vietnam ETF (FTSE ETF).
Mỹ và EU là hai thị trường xuất khẩu dệt may lớn và quan trọng của Việt Nam. Số liệu của Tổng cục Hải quan cho thấy năm 2019, xuất khẩu dệt may vào Mỹ đạt 14,85 tỷ USD, tăng 8,4% so với năm 2018 và chiếm 45,2% kim ngạch xuất khẩu dệt may cả nước. Thông tin từ Hiệp hội Thêu đan TP.HCM, thị trường xuất khẩu hàng dệt may lớn nhất của Việt Nam là Mỹ vừa có thông báo ngưng nhập hàng may mặc từ Việt Nam trong 3 tuần tới. Trước đó, các nhà nhập khẩu từ EU cũng thông báo ngưng nhập hàng dệt may trong vòng một tháng. Điều này khiến nhiều doanh nghiệp xuất khẩu lo lắng.
Nhóm ngân hàng có một tuần giao dịch khá ảm đạm. Các Large Cap đều diễn biến tiêu cực khi đồng loạt sụt giảm sâu như VCB, CTG, BID, TCB. Tuy nhiên, vẫn có những điểm sáng trong ngành như TPB và SHB.
Ở nhóm cổ phiếu Vingroup, cả ba ông lớn là VIC, VHM và VRE đều nằm trong top 10 cổ phiếu ảnh hưởng tiêu cực nhất lên thị trường khi cùng “bốc hơi” hơn 10% giá trị thị trường trong tuần qua.
Giá dầu thô gần đây giảm mạnh do chịu sức ép cả cung và cầu. Nhu cầu nhiên liệu đi xuống do các nước phong tỏa biên giới và hoạt động kinh tế cũng đồng thời đi xuống trong đại dịch. Trong khi đó, dư cung sắp tăng mạnh do Nga và Saudi Arabia tăng sản xuất để giành thị phần. Dầu thô Mỹ WTI ngày 18/03/2020 có phiên giảm mạnh nhất lịch sử, xuống đáy 18 năm. Dù giá sau đó hồi phục lên trên 26 USD/thùng, WTI năm nay đã giảm 60%. Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đang xem xét nhiều cách giúp ngành dầu khí Mỹ. Với sự hồi phục của giá dầu khi có sự can thiệp của Mỹ vào thị trường dầu mỏ, kỳ vọng nhóm dầu khí sẽ tăng trở lại trong ngắn hạn được thắp lên. Nhóm này kết phiên đầy ấn tượng với sắc tím trên PVD, sắc xanh hơn 7% ở PVS và GAS gần 5%.
Xu hướng tăng trưởng ngắn hạn của thị trường hiện không nhận được sự ủng hộ của dòng tiền lẫn tâm lý nhà đầu tư. Bên cạnh đó, áp lực bán vẫn đang tiếp tục đè nặng lên thị trường tuần qua .
Nhà đầu tư nước ngoài: Bán ròng gần 3,119 tỷ đồng trên cả hai sàn. Khối ngoại bán ròng hơn 2,986 tỷ đồng trên sàn HOSE và bán ròng hơn 132 tỷ đồng trên sàn HNX.
Cổ phiếu giảm giá mạnh trong tuần qua là PTB trên sàn HOSE và MBG trên sàn HNX.
PTB giảm 22.41%: PTB vẫn đang trong xu hướng giảm từ giai đoạn tháng 2/2020 đến nay. Cổ phiếu vẫn chưa xuất hiện tín hiệu tích cực trở lại khi tiếp tục sụt giảm mạnh trong tuần qua.
MBG giảm 21.05%: Cổ phiếu này đã có 6 phiên nằm sàn liên tiếp kể từ ngày 06/03/2020 đến ngày 13/03/2020 và xu hướng giảm vẫn tiếp tục diễn ra.
II. THỐNG KÊ THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN TUẦN QUA
Bộ phận Phân tích Kinh tế & Chiến lược Thị trường, Phòng Tư vấn Vietstock
FILI
|