Tình hình huy động và cho vay tại các ngân hàng năm 2019
Năm 2019, lợi nhuận ngân hàng được nâng lên tầm cao mới không thể thiếu sự đóng góp nhờ vào tăng trưởng từ cho vay và huy động. Cùng với tốc độ tăng trưởng và thực hiện kế hoạch lợi nhuận, hầu hết các ngân hàng đều đi đúng tiến độ kế hoạch huy động vốn và cho vay của năm 2019.
Tại thời điểm 31/12/2019, đã có 9 ngân hàng hoàn thành kế hoạch huy động vốn là ACB (122%), MB (MBB, 111%), SeABank (111%), Viet A Bank (110%), TPBank (TPB, 104%), VietinBank (CTG, 103%), VIB (102%), SHB (101%) và LienVietPostBank (LPB, 100%). Những ngân hàng còn lại đều thực hiện được trên 70% kế hoạch huy động vốn năm 2019.
Theo thống kê của Vietstock, tổng lượng tiền gửi khách hàng và phát hành giấy tờ có giá của 26 ngân hàng thương mại tính đến cuối quý 4 đạt hơn 6.3 triệu tỷ đồng, so với con số gần 5.5 triệu tỷ đồng hồi đầu năm đã tăng 16%. Tốc độ tăng trưởng tiền gửi khách hàng và phát hành giấy tờ có giá của các ngân hàng ở mức khoảng 4-47% so với đầu năm. Trong đó tăng trưởng cao nhất là VIB (47%).
Xét về giá trị tuyệt đối, 3 “ông lớn” gốc Nhà nước đang là ngân hàng hút lượng tiền gửi và phát hành giấy tờ có giá nhiều nhất. Trong đó, BIDV (BID) dẫn đầu với con số đạt 1.2 triệu tỷ đồng, tăng 14% so với đầu năm, VietinBank (CTG) và Vietcombank (VCB) cùng gần 950 ngàn tỷ đồng, nhưng VietinBank chỉ tăng 9% trong khi Vietcombank tăng đến 15% so với đầu năm.
Nhóm NHTM cổ phần xếp ngay sau đó, nhưng cách 3 “ông lớn” một khoảng khá xa. Các nhà băng như Sacombank (STB), ACB, MB (MBB), Eximbank (EIB), HDBank (HDB), Techcombank (TCB) LienVietPostBank (LPB), SeABank, SHB, VIB và TPBank (TPB) có lượng tiền gửi khách hàng và phát hành giấy tờ có giá từ hơn 100,000 đến hơn 400,000 tỷ đồng. Các nhà băng còn lại chỉ huy động dưới 100,000 tỷ đồng trong 1 năm qua.
Về phần cho vay và mua nợ, có 8 nhà băng hoàn thành kế hoạch là HDBank (113%), Vietbank (109%), ACB (103%), VCB (100%), LienVietPostBank (100%), MB (102%), SHB (101%), TPBank (102%). Các nhà băng còn lại đều thực hiện được trên 80% kế hoạch năm.
Tổng dư nợ cho vay khách hàng và mua nợ của 26 ngân hàng thương mại tính đến cuối quý 4 đạt 5.6 triệu tỷ đồng, tăng 16% so với dư nợ hơn 4.8 triệu tỷ đồng hồi đầu năm. Tăng trưởng cao nhất là Techcombank đạt 44% so với đầu năm.
BIDV, VietinBank và VCB vẫn dẫn đầu ngành về dư nợ cho vay và mua nợ, đạt lần lượt 1.1 triệu tỷ đồng; 935,271 tỷ đồng và 734,707 tỷ đồng.
Các NHTM cổ phần còn lại đạt dư nợ từ hơn 100,000 đến gần 300,000 tỷ đồng như STB, ACB, MBB, SHB… Một số nhà băng có dư nợ cho vay dưới 100,000 tỷ đồng như ABBank, BacABank (BAB), Kienlongbank (KLB)…
Có thể thấy, tăng trưởng huy động vốn của các ngân hàng trong năm 2019 đang bằng với tăng trưởng cho vay. Điều này có nghĩa là thanh khoản của ngân hàng vẫn được đảm bảo an toàn.
Tuy nhiên, nếu xem xét riêng lẻ từng ngân hàng thì vẫn có một vài ngân hàng có tốc độ tăng trưởng dư nợ cho vay cao hơn nhiều so với tốc độ tăng trưởng huy động. Đơn cử là Techcombank khi nhà băng có dư nợ cho vay tăng đến 44% trong khi huy động vốn chỉ tăng 16%.
Nguồn: NHNN
|
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, tính đến cuối tháng 10/2019, tỷ lệ cấp tín dụng so với nguồn vốn huy động (LDR) của toàn hệ thống là 87.77%; trong đó các NHTM Nhà nước là 92.41%, còn của NHTM cổ phần là 84.43%.
Mặc dù theo NHNN, tỷ lệ trên không áp dụng để xem xét giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của các TCTD, nhưng cũng phần nào phản ánh mức độ rủi ro thanh khoản có thể “chực chờ” các nhà băng khi đã trót “vung tay quá trán” với nguồn vốn huy động của mình.
Theo Thông tư 22/2019/TT-NHNN quy định các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, kể từ ngày 01/01/2020 tỷ lệ dư nợ cho vay so với tổng tiền gửi (LDR) tối đa ở mức 85%. Theo quy định cũ tại Thông tư 36/2014/TT-NHNN, LDR tối đa của nhóm NHTM Nhà nước là 90%; NHTMCP, ngân hàng liên doanh, ngân hàng 100% vốn nước ngoài là 80%.
Việc NHNN nới lỏng tỷ lệ LDR từ 80% lên 85%, đồng nghĩa với việc cho vay cao dẫn đến rủi ro thanh khoản gia tăng. Song, các ngân hàng được cho vay nhiều hơn trên số vốn đã huy động nên sẽ giúp giảm áp lực huy động vốn trên thị trường 1 tại các NHTM cổ phần. Trong giai đoạn hiện nay, quyết định tăng thêm 5% tỷ lệ LDR cho các NHTMCP được đánh giá là hợp lý, vừa làm giảm áp lực cạnh tranh huy động vốn trên thị trường 1, vừa có thể cung ứng vốn cho nền kinh tế với lãi suất có thể thấp hơn.
Hơn nữa, việc NHNN tiếp tục siết chặt hơn tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn, cho vay trung dài hạn vì chênh lệch kỳ hạn trong thời gian dài dễ dẫn đến mất cân đối dòng tiền, ảnh hưởng đến thanh khoản. Việc giảm tỷ lệ này ảnh hưởng đến lợi nhuận của hệ thống ngân hàng. Vì ngân hàng huy động vốn kỳ hạn càng ngắn thì lãi suất càng thấp, trong khi cho vay ra thì kỳ hạn càng dài lãi suất lại càng cao. Theo đó, giúp ngân hàng tối ưu hoá lợi nhuận tốt nhất. Song, không có gì là miễn phí, các ngân hàng muốn tăng quản trị thanh khoản đồng nghĩa với việc họ phải bỏ ra khoản chi phí để phòng ngừa rủi ro.
Ái Minh
FILI
|