Thứ Sáu, 14/02/2020 13:35

Ngành Ngân hàng triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ khách hàng trước dịch cúm Corona

Nhiều chính sách, giải pháp của ngành Ngân hàng đã được đưa ra nhằm chia sẻ và hỗ trợ khó khăn với người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch viêm đường hô hấp cấp (dịch Covid-19) như miễn, giảm lãi vay, cơ cấu thời hạn trả nợ, miễn, giảm phí dịch vụ thanh toán điện tử, giảm mức thu dịch vụ thông tin tín dụng…

Áp dụng chính sách miễn, giảm phí dịch vụ thanh toán điện tử

Nhằm khuyến khích người dân, doanh nghiệp thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM), giảm thanh toán bằng tiền mặt, do tiền mặt được nhận định là tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây lan vi khuẩn, virus, CTCP thanh toán quốc gia Việt Nam (NAPAS) sẽ miễn phí chuyển mạch đối với các giao dịch thanh toán trực truyến (online) các dịch vụ công (dự kiến áp dụng đến hết tháng 12/2020); giảm phí chuyển mạch đối với các giao dịch chuyển tiền nhanh liên ngân hàng có giá trị nhỏ (từ 500,000 đồng/giao dịch trở xuống) từ 1,800 đồng/giao dịch xuống 500 đồng/giao dịch (dự kiến áp dụng từ ngày 25/02/2020).

Ngoài ra, NASPAS còn miễn phí đối với các giao dịch thanh toán trực tuyến (online) các dịch vụ công thực hiện trên Cổng dịch vụ công quốc gia, Cổng dịch vụ công của các bộ, ngành, địa phương; Giảm phí dịch vụ chuyển tiền nhanh liên ngân hàng có giá trị nhỏ cho người sử dụng dịch vụ: Thời gian áp dụng, mức phí giảm tối thiểu tương đương với thời gian, mức phí giảm mà NAPAS áp dụng đối với các ngân hàng thành viên (1,300 đồng/giao dịch); khuyến khích các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán thực hiện mức phí giảm lớn hơn mức phí giảm của NAPAS nhằm hỗ trợ thị trường.

Miễn, giảm phí dịch vụ thanh toán, khuyến khích khách hàng giao dịch online

Các NHTM đã đưa ra nhiều sản phẩm, dịch vụ thanh toán điện tử và chính sách miễn giảm phí nhằm khuyến khích khách hàng giao dịch online. Chẳng hạn, BIDV duy trì chính sách không thu phí đăng ký và phí duy trì dịch vụ BIDV online, BIDV SmartBanking. Khách còn được nhận thêm 0.2% lãi suất một năm khi gửi tiết kiệm online với mọi kỳ hạn từ 14/02 đến 30/04.

Các NHTM khác như Nam Á, TPBank cũng giới thiệu, hướng dẫn khách hàng sử dụng các sản phẩm ngân hàng điện tử như Internet Banking, Open Banking… để kiểm tra số dư, chuyển tiền, thanh toán hóa đơn, thanh toán thẻ, gửi tiết kiệm mà không phải đến ngân hàng.

SCB cũng đồng thời thực hiện hàng loạt các ưu đãi khi sử dụng dịch vụ Internet Banking và Mobile Banking của SCB như: Miễn phí thường niên dịch vụ eBanking và SMS biến động số dư; miễn phí chuyển tiền online liên ngân hàng với số tiền giao dịch lên đến 03 tỷ đồng/ngày; và miễn phí chuyển tiền nhanh 24/7, thanh toán hóa đơn và thanh toán các tiện ích khác.

Một số ví điện tử như MoMo khuyến cáo khách hàng hạn chế sử dụng tiền mặt, ưu tiên chọn lựa các phương thức, các kênh thanh toán điện tử để hạn chế tối đa các nguy cơ tiếp xúc với mầm bệnh, phòng chống dịch virus corona.

Giảm lãi vay cho khách hàng bị thiệt hại do dịch Covid-19

Nhiều NHTM đã công bố giảm lãi suất, hỗ trợ doanh nghiệp bị ảnh hưởng do dịch Covid-19. Trong đó, Vietcombank cho biết từ ngày 11/02/2020 đến hết 30/4/2020, ngân hàng này sẽ giảm lãi vay cho các khách hàng bị thiệt hại do dịch viêm đường hô hấp cấp bởi virus corona gây ra bao gồm khách hàng kinh doanh thuộc những lĩnh vực vận tải, dịch vụ, du lịch, nhà hàng, khách sạn, xuất nhập khẩu, nhất là các khách hàng nhập khẩu nguyên liệu sản xuất ngành da giày, dệt may… từ Trung Quốc. Đối với khách vay hiện hữu, Vietcombank sẽ giảm 1%/năm đối với khoản vay ngắn hạn, còn khoản vay trung dài hạn 1.5%/năm với đồng Việt Nam.

Trong khi đó, với các khoản vay USD, lãi suất cho vay đối với ngắn hạn được giảm là 0.5%/năm, còn khoản vay trung và dài hạn giảm 0.75%/ năm. Ngoài ra, với các khoản vay mới, Vietcombank sẽ giảm 1%/năm bằng đồng Việt Nam và 0.5%/năm bằng USD. Dự kiến quy mô dư nợ tín dụng được hạ lãi suất với các khách hàng hiện hữu khoảng 30,000 tỷ đồng. Ước số tiền giảm lãi vay cho đợt này khoảng 300-450 tỷ đồng. Ngoài giảm lãi suất cho vay nói trên, Vietcombank cũng sẽ giãn thời hạn trả nợ và không tính lãi phạt đối với khách hàng bị thiệt hại do dịch bệnh này.

VPBank đánh giá trước mắt có 1,000 doanh nghiệp bị thiệt hại lớn do dịch bệnh chủ yếu thuộc lĩnh vực vận tải, du lịch, nhà hàng, xuất khẩu nông sản... và quyết định giảm lãi suất cho vay 1.5%/năm đối với các khoản vay không có tài sản bảo đảm và 1%/năm đối với các khoản vay có tài sản bảo đảm. Điều kiện để được giảm lãi suất cho vay là doanh nghiệp xếp hạng tín dụng tốt, tình hình tài chính ổn định, minh bạch trước dịch, có lịch sử vay trả đúng hạn,…

KienLongBank giảm lãi suất cho vay 3%/năm đối với các khách vay trồng thanh long, dưa hấu, sầu riêng, mít, xoài, chôm chôm, chuối, thời gian áp dụng từ ngày 01/02/2020 đến 30/4/2020.

ABBank cho biết, sẽ dành 4,000 tỷ đồng để bố trí nguồn vốn chi phí thấp, ưu đãi lãi suất cho vay để hỗ trợ các doanh nghiệp bị ảnh hưởng từ dịch bệnh. Mức hỗ trợ sẽ do ngân hàng xem xét với từng đơn vị trong lĩnh vực cụ thể, có thể ưu đãi lãi suất thấp hơn từ 1.5-2% mỗi năm so với lãi suất cho vay ngắn hạn thông thường và từ 3% một năm với cho vay trung dài hạn.

Giảm mức thu dịch vụ thông tin tín dụng

Ngày 12/02/2020, Trung tâm Thông tin tín dụng Quốc gia Việt Nam (CIC) cũng có thông báo về việc giảm mức thu dịch vụ, chia sẻ khó khăn với khách hàng vay do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19.

Theo đó, đối tượng được giảm mức thu dịch vụ thông tin tin tín dụng của CIC là tất cả các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam. Mức giảm theo bậc thang từ 5% đến 20% tổng mức thu dịch vụ thông tin tín dụng theo từng TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Số tiền hỗ trợ sẽ được giảm trực tiếp trên tổng số tiền phải thanh toán hàng tháng trong thời gian hỗ trợ trên nguyên tắc mức khai thác càng nhiều, tỉ lệ giảm càng lớn. Thời gian triển khai từ tháng 01/2020 đến hết tháng 04/2020.

TS.LS. Bùi Quang Tín cho rằng sự đồng hành, giúp sức của NHNN và các TCTD trong giai đoạn khó khăn sẽ khiến cho doanh nghiệp yên tâm hơn. Đặc biệt là với những doanh nghiệp xuất nhập khẩu, chắc chắn khi thị trường đầu ra/vào gặp khó khăn sẽ liên quan tới vướng mắc trong thanh toán nợ cho ngân hàng. Nếu được cơ cấu lại thời hạn trả nợ hoặc được miễn, giảm lãi vay sẽ giúp cho doanh nghiệp vượt qua được khó khăn hiện nay.

Khang Di

FILI

Các tin tức khác

>   Đồng USD 'lên đỉnh' khi dịch Corona ngày càng trầm trọng (14/02/2020)

>   EVFTA có hiệu lực, các ngân hàng châu Âu có thể nâng sở hữu tại 2 ngân hàng Việt lên 49% (14/02/2020)

>   NHNN: Miễn, giảm phí dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt (13/02/2020)

>   [Infographics] Top 10 ngân hàng tăng trưởng tín dụng và tiền gửi khách hàng cao nhất năm 2019 (18/02/2020)

>   Tỷ giá tháng 2 sẽ có biến động? (13/02/2020)

>   Ngân hàng nào “chịu chi” cho nhân viên nhất trong 3 năm qua? (13/02/2020)

>   Lợi nhuận ngân hàng: Tăng, tăng nữa, tăng mãi!?... (13/03/2020)

>   Xét xử đường dây 'tín dụng đen' lớn nhất từ trước đến nay (12/02/2020)

>   VPBank miễn nhiệm 2 Phó Tổng Giám đốc (11/02/2020)

>   Ngân hàng cảnh báo chiêu lừa đảo mới trong mùa dịch Corona (11/02/2020)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật